22/07/2018 - 19:26

Nỗ lực duy trì đà tăng trưởng cao 

Chỉ  số phát triển sản xuất công nghiệp thành phố 6 tháng đầu năm 2018 ước tăng 7,36% so cùng kỳ 2017. Kết quả này là nhờ sự tăng trưởng mạnh ở các lĩnh vực công nghiệp chế biến và chế tạo, trong đó một số sản phẩm tăng rất cao...

Kết quả tích cực

Cụ thể, sản phẩm công nghiệp phi lê đông lạnh tăng 12,2%, tôm đông lạnh tăng 6,98%, găng tay thể thao tăng 23,96%, bìa cứng tăng 16,15%, thức ăn thủy sản tăng 18,99%... do doanh nghiệp đã ký được nhiều hợp đồng nhờ chú trọng ứng dụng công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng được thị trường, đối tác kinh doanh mới. Bên cạnh đó, công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 7,38%; công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý xử lý rác thải tăng 6,11% so cùng kỳ.

Khách tham quan, mua sắm hàng tại một hội chợ được tổ chức ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG
Khách tham quan, mua sắm hàng tại một hội chợ được tổ chức ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu và dịch vụ thu ngoại tệ 6 tháng ước thực hiện 966,85 triệu USD, đạt 54% kế hoạch, tăng 16,37% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước thực hiện 773,48 triệu USD, đạt 54,86% kế hoạch, tăng 20,73% so cùng kỳ. Các doanh nghiệp đã tích cực khai thác tốt các thị trường xuất khẩu truyền thống đối với gạo, thủy sản và phát triển thêm thị trường mới, cũng như tăng cường đầu tư mở rộng quy mô sản suất và phát triển xuất khẩu các mặt hàng may mặc, nông sản và thực phẩm chế biến... nên giá trị xuất khẩu tăng. Riêng nhập khẩu 6 tháng qua ước 227,65 triệu USD, đạt 56,91% kế hoạch, tăng 31,49% so cùng kỳ, với các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.

 Hoạt động thương mại nội thương tại thành phố cũng ghi nhận sự tăng trưởng khá tốt. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và dịch vụ ước thực hiện hơn 63.135 tỉ đồng, đạt 53,7% kế hoạch, tăng 13,25% so với cùng kỳ. Các cơ sở hạ tầng thương mại được đầu tư phát triển, với sự ra đời của ngày càng nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích... gắn với việc tổ chức nhiều hội chợ, sự kiện thương mại và du lịch, tạo thuận lợi cho việc mua bán hàng hóa tại địa phương và thu hút được nhiều người đến từ các tỉnh ĐBSCL. Hàng hóa trên thị trường dồi dào, phong phú, đảm bảo nhu cầu sản xuất, mua sắm và tiêu dùng của người dân. Công tác bình ổn và kiểm tra, kiểm soát thị trường được thực hiện chặt chẽ, không xảy ra tình trạng sốt hàng, tăng giá đột biến.

Cần chung tay tháo gỡ khó khăn

Theo ông Huỳnh Văn Tùng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế-Xã hội TP Cần Thơ, bên cạnh nhiều chỉ tiêu đạt được mức tăng trưởng cao và đạt theo tiến độ kế hoạch đề ra, hiện vẫn có một số chỉ tiêu vẫn còn đạt thấp so với kế hoạch, nhất là chỉ tiêu về giá trị sản xuất công nghiệp mới đạt hơn 41% kế hoạch, đòi hỏi 6 tháng cuối năm phải quyết tâm rất lớn mới đạt. Hiện phát triển công nghiệp tại thành phố cũng còn gặp không ít khó khăn và hạn chế, cần thực hiện tốt các giải pháp để tạo “đột phá” cho phát triển công nghiệp. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp có mở website, tham gia các hoạt động thương mại điện tử và quản lý trực tuyến tại thành phố vẫn còn thấp, cần có giải pháp thúc đẩy đầu tư phát triển mạnh thương mại điện tử và các loại hình thương mại hiện đại để đáp ứng vai trò trung tâm thương mại-dịch vụ của vùng ĐBSCL.

Ông Phan Hiển Đạt, Phó Trưởng Phòng Kinh tế quận Ninh Kiều cho rằng,  đầu tư phát triển chợ tại các địa phương nói chung và Ninh Kiều nói riêng vẫn còn chậm do thiếu quỹ đất “sạch” hoặc vướng công tác giải phóng mặt bằng, khó kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vì chậm thu hồi vốn. Để tăng cường thu hút đầu tư phát triển chợ và các hạ tầng thương mại, rất cần phối hợp đồng bộ và chặt chẽ giữa các bên cùng tháo gỡ vướng mắc. Quận Ninh Kiều cũng đang có định hướng kêu gọi đầu tư xây dựng một nơi chuyên kinh doanh các sản phẩm đặc sản vùng ĐBSCL để kết hợp phát triển thương mại và du lịch-dự kiến đặt tại khu vực Nhà lồng 3-Trung tâm thương mại Cái Khế, quận rất mong có sự hỗ trợ từ Sở Công thương và các bên liên quan.

Dự báo, 6 tháng cuối năm hoạt động sản xuất kinh doanh tại thành phố tiếp tục có nhiều thuận lợi, Chính phủ cùng các bộ ngành, địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh tại thành phố cũng đối mặt không ít khó khăn do những bất ổn về chính trị, kinh tế thế giới và giá cả một số loại hàng hóa có biến động khó lường. Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, đối với hoạt động xuất khẩu, tính từ năm 2012 đến nay thì 6 tháng đầu năm 2018 được đánh giá là khởi sắc nhất nhưng nó vẫn còn tiềm ẩn nhiều vấn đề đáng lo. Trong tháng 1 và tháng 2, xuất khẩu đạt kim ngạch tăng cao, nhất là khi xuất khẩu gạo và thủy sản có nhiều thuận lợi, giá lúa và thủy sản tăng, nhưng bước qua tháng tháng 3 lại có xu hướng sụt giảm và khó dự báo xu hướng trong 6 tháng cuối năm liệu còn tiếp tục đi xuống? Do vậy, không thể chủ quan, cần phải hết sức quan tâm cho từng ngành hàng để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu tốt. Đặc biệt, cần quan tâm hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu trong tháo gỡ các khó khăn trước áp lực cạnh tranh trên thị trường ngày càng tăng và các nước tăng cường các rào cản kỹ thuật, rào cản thuế quan và đặt ra nhiều tiêu chí, chỉ tiêu ngày càng khó cho hàng nhập khẩu. Mặt khác, “chiến tranh” thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng là vấn đề đáng lo bởi đến giờ chúng ta vẫn chưa đánh giá hết được các tác động của nó. Dù vậy, các mặt hàng gạo và thủy sản của ta vẫn được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh xuất khẩu, cần quan tâm khai thác tốt.

KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết