19/09/2018 - 21:13

Nỗ lực đưa nông sản Việt đến người tiêu dùng Việt 

Những năm qua, chất lượng hàng nông sản Việt Nam luôn được thị trường trong nước và quốc tế đánh giá cao. Nhằm tiếp tục nâng cao thu nhập cho người nông dân, tạo sức cạnh tranh cho hàng nông sản Việt, các nhà sản xuất, phân phối, đã không ngừng  nâng cao chất lượng và tìm đầu ra cho sản phẩm, Mặt trận và các tổ chức thành viên nỗ lực tuyên truyền “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Khách hàng chọn mua rau an toàn do các Hợp tác xã tại TP Cần Thơ sản xuất tại Điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm các hợp tác xã TP Cần Thơ và ĐBSCL tại Liên minh Hợp tác xã TP Cần Thơ .

Nâng cao chất lượng nông sản

Tăng tính cạnh tranh và nâng cao giá trị nông sản, phát triển sản xuất nông nghiệp không chỉ theo hướng số lượng mà tăng dần chất lượng, đó là xu thế tất yếu. Bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ, cho biết: Nhằm giúp nông dân nâng cao chất lượng nông sản, thời gian qua các cấp Hội Nông dân trong thành phố tập trung tuyên truyền nông dân sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, không gây ô nhiễm môi trường. Sản xuất đảm bảo với tiêu chí 3 không "không sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn, không sử dụng xung điện khai thác thủy sản, không  gây ô nhiễm môi trường”. Trong những năm qua đã có những tập thể tiêu biểu điển hình như: Hội Nông dân TP Cần Thơ, Hội Nông dân huyện Thới Lai và Hội Nông dân các quận: Bình Thủy, Thốt Nốt, Ô Môn và Cái Răng đã tích cực tham gia Cuộc vận động. Bắt đầu từ năm 2018, hằng năm Hội sẽ thực hiện bình xét nông dân sản xuất kinh doanh giỏi kết hợp bình xét hộ đạt tiêu chuẩn này.

Hội Nông dân TP Cần Thơ đã phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mở lớp tập huấn sản xuất an toàn, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Vận động nông dân liên kết sản xuất tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã; phối hợp hướng dẫn nông dân đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu với các sản phẩm như: cam xoàn phường Thới An, quận Ô môn; vú sữa phường Thới An Đông, quận Bình Thủy; nhãn xã Định Môn, huyện Thới Lai; xoài cát Sông Hậu… Hội tranh thủ các nguồn vốn để tạo điều kiện giúp nông dân phát triển sản xuất như: hợp tác xã rau an toàn phường Long Tuyền, làng nghề hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ (quận Bình Thủy); tổ hợp tác làm vườn Giai xuân (huyện Phong Điền); tổ hợp tác chăn nuôi bò ở huyện Vĩnh Thạnh … qua đó hỗ trợ nông dân phát triển mô hình sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản.

Ông Philippe Broianigo, Tổng Giám đốc điều hành Big C và Central Group Việt Nam, cho biết: Big C Việt Nam tăng cường sản phẩm nội địa (96% doanh số đến từ hàng nội địa), thúc đẩy thu mua thực phẩm tươi sống tại các vùng miền địa phương (50% sản lượng thực phẩm tươi sống được thu mua ngay tại vùng miền gần vị trí siêu thị), hỗ trợ nhà sản xuất và nhà cung cấp địa phương, đặc biệt hỗ trợ nông dân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam.

Đẩy mạnh tiếp cận thị trường

Để giúp nông dân tiếp cận thị trường và quảng bá nông sản, hằng năm Hội Nông dân TP Cần Thơ phối hợp Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ vận động nông dân, hợp tác xã tham gia các phiên chợ; tham gia Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế tại Cần Thơ…  Đối với một số mặt hàng sản xuất quy mô, ổn định, Hội đã chủ động, phối hợp giới thiệu vào siêu thị MM Mega Market và 6 điểm bán rau an toàn trên địa bàn thành phố các loại thực phẩm rau, củ như: thanh long, rau an toàn… Hội cùng một số cơ sở chủ động, bố trí điểm bán nông sản an toàn cho bà con, phối hợp giới thiệu nông sản an toàn vào một số cửa hàng trên địa bàn thành phố. Hội còn làm cầu nối giới thiệu doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, Doanh  nghiệp tư nhân Trung Thạnh, Công ty Vườn trái Cửu Long bao tiêu một số mặt hàng nông sản chất lượng như: lúa chất lượng cao, một số loại trái cây phục vụ chế biến.

Xu thế hiện nay không chỉ phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng số lượng mà tăng dần chất lượng mới đảm bảo tính cạnh tranh và nâng cao giá trị nông sản. Phát triển thương hiệu sản phẩm, Hội Nông dân cùng các cơ quan chức năng thống nhất cấp nhãn hiệu logo của cam xoàn và nhãn Ido, tiến hành làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa; định danh và giới thiệu quảng bá dâu, vú sữa, sầu riêng… Bên cạnh đó, công nhận các làng nghề Bánh tráng Thuận Hưng (quận Thốt Nốt), đan chài lưới Thơm Rơm (quận Thốt Nốt), đan lờ, lợp tép Thới An (quận Ô Môn), dệt chiếu Thường Thạnh (quận Cái Răng)… Hội tham gia hoạt động hỗ trợ các nhà sản xuất thông qua các hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm, bán hàng thương hiệu Việt như: Hàng Việt về nông thôn, Hội chợ Quốc tế năm 2018…

Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã nghiên cứu hợp tác và đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ - Co.op Organ. Theo kế hoạch, Saigon Co.op sẽ tiếp tục tìm kiếm, mở rộng cơ hội đầu tư vào các trang trại hữu cơ, nhân rộng điểm bán và phát triển thêm danh mục sản phẩm hữu cơ theo đúng nhu cầu của thị trường, hướng tới trở thành đơn vị dẫn đầu trong chuỗi sản xuất - chế biến - phân phối - tiêu dùng sản phẩm organic tại thị trường Việt Nam và hướng đến xuất khẩu trong tương lai. LOTTE Mart vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm và phân phối mặt hàng nông sản an toàn, đặc biệt là những thương hiệu trái cây sạch của Việt Nam, góp phần giữ giá trái cây ổn định theo hướng có lợi cho người nông dân và khách hàng, tạo nên sức mạnh khẳng định và nâng tầm thương hiệu trái cây Việt Nam trong tương lai.

Với chủ trương thực hiện sản xuất an toàn và đảm bảo chất lượng, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đã tích cực xây dựng các mô hình theo đúng tiêu chuẩn chất lượng, từng công đoạn từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ đều được đảm bảo. Đồng thời, thành phố cũng tích cực vận động nông dân khôi phục và phát triển cây ăn trái đặc sản gắn với du lịch sinh thái, phát triển vùng nuôi cá tra và các mô hình thủy sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường và xây dựng các mô hình liên kết, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất để phát triển ngành thủy sản một cách bền vững. Theo các chuyên gia, nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng và cung ứng nông sản an toàn và cũng là để Cuộc vận động đi vào chiều sâu, cần tăng cường mối liên kết xây dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững và khuyến khích mở rộng các loại hình kinh tế trang trại phù hợp với cơ giới hóa, giải phóng sức sản xuất gắn với việc xây dựng thương hiệu. Đặc biệt thiết lập mối liên kết giữa Doanh nghiệp - Nhà khoa học - Nông dân phải được phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Khánh Nam

Chia sẻ bài viết