09/09/2014 - 21:12

Nỗ lực bảo vệ vườn cây ăn trái trong mùa lũ

Phong Điền là địa phương có diện tích vườn cây ăn trái lớn nhất của TP Cần Thơ. Năm nay, nước lũ về sớm hơn mọi năm và dự đoán có những diễn biến phức tạp. Rút kinh nghiệm từ những thiệt hại do lũ gây ra trong trận lũ lớn năm 2011, hiện nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái huyện Phong Điền đã gia cố bờ bao, đê bao,… chủ động ứng phó với nước lũ.

* Bảo vệ vườn cây

Sau đợt nước lũ dâng cao vào rằm tháng bảy vừa qua, nhiều nhà vườn tại huyện Phong Điền đã tích cực gia cố lại các đê bao, bờ bao và chủ động làm các đập dã chiến sẵn sàng đối phó với đợt nước lũ tới. Ông Lê Văn Hai ngụ ấp Nhơn Thọ 2, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, cho biết: "Các đợt lũ lớn trong năm 2011 làm nhiều vườn cây ăn trái của bà con bị thiệt hại từ 50-80%. Vì vậy, năm nay, khi thấy nước lũ về sớm và dự đoán cao hơn mọi năm nên gia đình tôi cùng 45 hộ dân trong ấp đã chủ động gia cố lại bờ bao quanh vườn và hùn mỗi hộ 150.000 đồng để làm các đập tạm ngăn nước lũ tràn về từ các kênh rạch". Khu vực nhà ông Hai chưa có đê bao khép kín. Muốn bảo vệ vườn cây ăn trái các hộ gia đình phải tự làm các bờ bao riêng lẻ. Những năm nước lũ về nhiều, kết hợp với mưa lớn, ông phải sử dụng máy bơm để tiêu thoát nước cho vườn cây. Tiền bơm nước cho mỗi mùa lũ có thể hơn 1 triệu đồng, rất tốn kém. Vì vậy, khi bà con trong ấp mỗi hộ chỉ hùn nhau vài trăm ngàn đồng làm các đập dã chiến và bờ bao ngăn nước lũ chung cho cả khu vực. Việc làm này hiệu quả hơn nhiều so với làm riêng lẻ nên bà con rất đồng lòng.

Làm đê bao kết hợp với xây dựng đường giao thông nông thôn tại ấp Trường Ninh, xã Trường Long, huyện Phong Điền. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Những ngày đầu tháng 9, được sự hỗ trợ của chính quyền cấp xã, huyện, nhiều hộ dân sống ở ấp Trường Ninh và Trường Ninh A, xã Trường Long cũng tất bật phối hợp cùng đơn vị thi công hoàn thiện công đoạn cuối -đổ mặt đường bê tông cho tuyến đê bao Trà Ếch dài hơn 7km nối liền 2 ấp (công trình khởi công thực hiện từ 4 tháng qua). Đây là tuyến đê bao kết hợp đường giao thông nông thôn do Nhà nước và nhân dân cùng làm, kết nối với một số hệ thống đê bao đã làm trước đó, giúp hình thành hệ thống đê bao khép kín bảo vệ cho khoảng 500 ha vườn cây ăn trái trong vùng. Ông Phùng Văn Trùng Ngân ngụ ấp Trường Ninh, xã Trường Long, cho biết: "Mỗi hộ dân ở đây hùn 100.000 đồng/m (chạy dài qua đất của mình) để làm đê bao gắn với đường giao thông trải thảm bê tông rộng 2m. Gia đình tôi tính ra phải đóng góp 2,7 triệu đồng. Nhưng tôi vẫn vui vì tới đây hơn 4 công vườn vú sữa của gia đình sẽ được bảo vệ tốt hơn, không thấp thỏm lo bị ngập; việc đi lại sẽ thuận tiện hơn trước". Theo ông Nguyễn Văn Trung, Bí thư Chi bộ ấp Trường Ninh, xã Trường Long, bà con ở đây thống nhất cao với việc làm đê bao gắn với đường và tích cực đóng góp tiền, hiến đất và hoa màu, cũng như đóng góp ngày công lao động, tham gia tu bổ, gia cố lại đoạn đê bao sau khi máy xúc đổ đất lên. Riêng đối với một số hộ dân đặc biệt khó khăn, không có khả năng đóng góp nhiều, chính quyền ấp, xã và huyện cũng vận động thêm các nguồn khác để bù vào. Hiện nay, công trình đã được thực hiện sắp hoàn thành, tin rằng sẽ giúp phát huy tốt hiệu quả trong thời gian tới.

* Sớm hoàn thiện hệ thống đê bao chung

Huyện Phong Điền hiện có 6.020 ha trồng cây ăn trái các loại, trong đó diện tích cây ăn trái cho thu hoạch là 5.048 ha. Thời gian qua, ngành nông nghiệp địa phương đã tập trung hướng dẫn kỹ thuật và vận động nhân dân cải tạo diện tích vườn bị suy thoái, kém hiệu quả và xử lý ra hoa theo ý muốn đối với một số loại cây ăn trái chủ lực. 8 tháng đầu năm 2014, diện tích vườn cây ăn trái được cải tạo, trồng mới là 275ha, bao gồm sầu riêng, vú sữa, xoài, cam sành, dâu, chanh… Mặt khác, huyện Phong Điền cũng tích cực huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện các hệ thống đê bao và thủy lợi, chủ động nước tưới tiêu và bảo vệ tốt các vườn cây ăn trái trong các mùa mưa, lũ.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền, phát triển vườn cây ăn trái gắn với du lịch là một trong những định hướng quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. 3 năm qua, Phong Điền đã tập trung huy động các nguồn lực từ Nhà nước và nhân dân để tăng cường đầu tư phát triển các hệ thống đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái. Nếu trước đây, mỗi năm nguồn kinh phí phục vụ đầu tư các hệ thống đê bao, thủy lợi phục vụ sản xuất trên địa bàn huyện chỉ ở mức 2-3 tỉ đồng/năm, sau đó đã tăng lên hơn 8 tỉ đồng/năm trong các năm 2012 và 2013. Riêng trong năm 2014, kinh phí đầu tư các hệ thống đê bao, thủy lợi hiện đạt mức 14,5 tỉ đồng. Trong đó bao gồm: nguồn kinh phí xây dựng cơ bản của huyện, vốn sự nghiệp thủy lợi của thành phố, vốn vay ưu đãi được thành phố phân bổ… Nguồn vốn này chưa kể nguồn kinh phí từ một số dự án đầu tư thủy lợi lớn thành phố và Trung ương đang thực hiện trên địa bàn huyện, như: Dự án Quản lý thủy lợi phục vụ phát triển nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (WB6).

Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ phối hợp với UBND huyện Phong Điền khởi công xây dựng gói thầu số 3 (CT-CW003) gồm cống và cửa van rạch Chùa 1, rạch Chùa 2, kênh Chợ, rạch Rồng thuộc tiểu dự án Đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái TP Cần Thơ tại xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền. Tiểu dự án Đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái TP Cần Thơ thuộc Dự án quản lý thủy lợi phục vụ phát triển nông thôn vùng ĐBSCL (WB6) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, với tổng mức đầu tư hơn 129,6 tỉ đồng… do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ làm chủ đầu tư. Mục tiêu của Tiểu dự án là xây dựng hệ thống chống ngập, tiêu thoát nước cho khoảng 568 ha diện tích vườn cây ăn trái, vùng lúa cao sản và hạ tầng cơ sở trong khu vực, góp phần cải thiện môi trường sống cho người dân. Công trình Tiểu dự án Đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái TP Cần Thơ tại xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền chính thức được khởi công xây dựng, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân nơi đây. Bởi xã Nhơn Ái có khoảng 568 ha đất có khả năng trồng cây ăn trái cho giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, khu vực này vẫn còn chịu ảnh hưởng của lũ lụt, gây ngập úng làm thiệt hại về hoa màu và diện tích vườn cây ăn trái của người dân. Việc xây dựng hệ thống đê bao chống ngập úng, đảm bảo thoát nước và cấp nước cho khu vực vườn cây ăn trái xã Nhơn Ái được xem là nhu cầu cấp bách. Hy vọng, sau khi tiểu dự án hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng năng suất và sản lượng, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân.

Ông Trần Thái Nghiêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, cho biết: "Tới đây, khi Tiểu dự án Đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái TP Cần Thơ tại xã Nhơn Ái và dự án xây dựng các cống trên tuyến đê bao Ô Môn –Xà No được hoàn thành sẽ tiếp tục có thêm nhiều diện tích vườn cây được bảo vệ tốt. Huyện Phong Điền rất mong dự án này được hoàn thành sớm. Ngoài ra, huyện cũng kiến nghị thành phố tiếp tục hỗ trợ huyện đầu tư thêm một số hệ thống đê bao xung yếu trên địa bàn, nhất là tuyến Vàm Xáng- Ba Láng…".

Nhờ tập trung tăng cường các nguồn lực đầu tư, đến nay huyện Phong Điền đã xây dựng được các hệ thống đê bao khép kín giúp bảo vệ cho hơn 4.500 ha vườn cây ăn trái trên địa bàn. Tuy nhiên, nhiều nhà vườn mong muốn chính quyền địa phương, thành phố và Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ tiếp tục hoàn thiện các hệ thống đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái. Đặc biệt, đối với những khu vực sản xuất cây ăn trái tập trung chưa có hệ thống đê bao khép kín hoặc đang trong giai đoạn đầu tư thực hiện thì cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân xây dựng các đập dã chiến để kịp thời ứng phó với mùa lũ năm nay.

Khánh Trung - Mỹ Hoa

Chia sẻ bài viết