08/08/2017 - 21:25

Mùa bão lũ 2017

Nỗ lực bảo vệ sản xuất 

Đã hơn nửa đầu năm 2017, sản xuất nông nghiệp của TP Cần Thơ chưa đạt được mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng. Để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, hoàn thành tốt kế hoạch năm, thành phố đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tập trung phát triển các loại cây trồng vật nuôi có lợi thế và tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Sản xuất rau màu tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Khởi sắc

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, mưa trái mùa xuất hiện trong giai đoạn từ lúa chắc xanh đến chín đã làm hơn 11.000 ha lúa đông xuân 2016-2017 bị đổ ngã, thiệt hại năng suất. Hơn 18.000 ha lúa đã bị nhiễm các loại dịch hại, nhất là bị nhiễm muỗi hành và rầy nâu.

Năng suất lúa vụ đông xuân 2016-2017 chỉ đạt bình quân 6,5 tấn/ha, giảm 0,5 tấn/ha so cùng kỳ. Sản lượng lúa hơn 557.000 tấn, nhưng chỉ đạt 89% so với kế hoạch trong vụ lúa này. Tuy nhiên đến vụ hè thu và thu đông 2017, tình hình sản xuất lúa đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc cả về diện tích gieo trồng, năng suất, sản lượng lúa và giá cả đầu ra sản phẩm.

Đến ngày 20-7, TP Cần Thơ đã xuống giống được hơn 236.000 ha lúa, trong đó vụ đông xuân đã gieo trồng 85.449 ha (đạt 99,36% kế hoạch), vụ hè thu xuống giống 80.557 ha (vượt 3,78% kế hoạch), vụ thu đông xuống giống được hơn 70.000 ha (vượt hơn 33,1% kế hoạch).

Bà Trần Thị Kim Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố, cho biết: “Lúa vụ hè thu 2017 ít bị nhiễm các loại dịch hại so cùng kỳ. Năng suất lúa đạt bình quân 5,9 tấn/ha, tăng 0,08 tấn/ha. Sản lượng lúa đạt hơn 475.600 tấn, vượt 11% kế hoạch.

Dự kiến vụ thu đông 2017 nông dân tại thành phố xuống giống đạt 72.115 ha lúa (vượt 37% kế hoạch), năng suất lúa khoảng 4,7 tấn/ha, sản lượng lúa ước đạt hơn 342.000 tấn, vượt 34% kế hoạch. Như vậy, sản lượng lúa cả năm nay đạt sẽ hơn 1,34 triệu tấn, vượt hơn 3% kế hoạch năm”.

Do ảnh hưởng của mưa trái mùa và các yếu tố thời tiết bất lợi, vụ hè thu 2017 nông dân tại nhiều nơi đã không thể triển khai sản xuất mè trên chân ruộng lúa. Toàn thành phố chỉ có hơn 2.418 ha trồng mè, chỉ đạt 30,23% kế hoạch.

Song, nông dân tại nhiều quận, huyện linh động chuyển sang trồng các loại rau màu khác có giá trị và phù hợp với điều kiện biến đổi của thời tiết. Đến ngày 20-7, diện tích trồng rau màu, đậu các loại được hơn 10.574ha, đạt 95,78% kế hoạch, trong đó diện tích gieo trồng rau các loại hơn 7.046 ha, tăng 7,41% so với cùng kỳ. Diện tích trồng cây ăn trái đã đạt 16.652 ha, vượt 2,22% so với kế hoạch.

Gần đây, thị trường tiêu thụ nhiều loại nông sản cũng đã khởi sắc hơn, tạo thuận lợi cho nông dân phát triển sản xuất, nhất là giá lúa, giá cá tra và heo hơi đã có nhiều cải thiện so với thời gian trước.

Đến tháng 7, thành phố có tổng đàn heo  129.463 con, đạt 99,59% kế hoạch; đàn bò 4.452 con, đạt 89% kế hoạch; đàn gia cầm gần 1,8 triệu con, đạt 89,6% kế hoạch; diện tích thả nuôi thủy sản 8.128 ha, đạt 77,4% kế hoạch, trong đó diện tích nuôi cá tra 573 ha, đạt 74,17% kế hoạch.

Ngành nông nghiệp đã chú trọng phát triển các mô hình nuôi trồng theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa. Hiện đã có gần 200 ha nuôi thủy sản theo các tiêu chuẩn an toàn (như: VietGAP, BMP, ASC, BAP...); 83 ha lúa và hơn 20 ha rau màu, cây ăn trái sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; 26 mô hình vườn cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái.

Ứng phó thiên tai bảo vệ sản xuất

Vĩnh Thạnh là một trong những địa phương sản xuất lúa chủ lực của thành phố. Hiện nông dân trên địa bàn đã xuống giống hơn 17.600 ha lúa thu đông 2017.

Ông Đỗ Sĩ Nhường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Trước tình hình lũ về sớm và cao hơn mọi năm, Huyện ủy và UBND huyện đã và đang quan tâm chỉ đạo quản lý chặt các diện tích gieo sạ lúa thu đông 2017 gắn với việc tăng cường rà soát, gia cố hệ thống đê bao và chủ động các phương tiện nhằm phòng chống lũ và các loại sâu bệnh".

"Huyện cũng tích cực hướng dẫn nông dân căn cứ điều kiện thực tế tại địa phương để chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp và tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao thu nhập cũng như giúp huyện hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm. Tuy nhiên, đầu ra nhiều loại nông sản còn bấp bênh, địa phương mong các cấp thẩm quyền tăng cường hỗ trợ về thông tin thị trường và kết nối đầu ra sản phẩm để nông dân an tâm sản xuất”. 

Để ổn định và thúc đẩy các hoạt động chăn nuôi trên địa bàn, ông Lê Trung Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Cần Thơ, cho biết, đơn vị đang tích cực phối hợp các đơn vị  có liên quan tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Thực hiện tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh cho các loại vật nuôi và tăng cường quản lý điều kiện nuôi, kiểm soát chặt các cơ sở sản xuất kinh doanh con giống, thuốc thú y và giết mổ gia súc gia cầm. Tích cực hướng dẫn và có các hỗ trợ cần thiết để người dân xây dựng, phát triển các mô hình chăn nuôi hiệu quả và an toàn dịch bệnh.

Theo ông Trần Thanh Hải, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, diện tích và sản lượng nuôi cá tra từ nay đến cuối năm có xu hướng tăng và hoàn thành được kế hoạch đề ra do giá cá đầu ra đang ở mức cao và nguồn con giống phục vụ nuôi trồng đảm bảo.

Tới đây, dự kiến cá nuôi ruộng và nhiều loại thủy sản đặc sản cũng tăng do năm nay lũ về nhiều và sớm hơn năm rồi. Tuy nhiên, nhiều loại cá nuôi như: cá lóc, cá rô, thác lác… còn gặp khó do giá cả đầu ra ở mức thấp, cần phải có giải pháp hỗ trợ về thị trường.

Chi cục Thủy sản đang tích cực phối hợp các đơn vị liên quan và địa phương tiếp tục tăng cường quản lý, cải thiện chất lượng con giống và hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả. Vận động, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp khai thác, đánh bắt thủy sản an toàn gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, không sử dụng chất nổ và xung điện đánh bắt cá.

Những tháng cuối năm, ngành nông nghiệp thành phố quyết tâm thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo ra mức tăng trưởng cao, đủ khả năng bù đắp phần thiếu hụt trong các tháng đầu năm để hoàn thành tốt kế hoạch năm.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN& PTNT TP Cần Thơ yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc sở và các địa phương phải tập trung chỉ đạo, tổ chức, hướng dẫn nông dân sản xuất để vượt chỉ tiêu 6 tháng cuối năm, bù đắp cho 6 tháng đầu năm.

Giám đốc Sở NN& PTNT TP Cần Thơ cũng đề nghị các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chú ý phát triển các loại cây trồng vật nuôi đang có điều kiện thuận lợi về sản xuất và đầu ra sản phẩm, cũng như khai thác tốt các nguồn lợi trong mùa lũ. Đồng thời, phải quan tâm thực hiện các giải pháp chủ động ứng phó với các yếu tố thời tiết bất lợi, thiên tai và dịch bệnh để bảo vệ sản xuất, nhất là bảo vệ mùa màng trong vụ thu đông và mùa bão lũ 2017…

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết