17/04/2008 - 22:59

Xung quanh vụ giải quyết khoản tiền chế độ của công nhân khi Công ty giày Cần Thơ phá sản

Nợ công nhân bao giờ mới trả ?

Hơn 27 tháng kể từ ngày Công ty Giày Cần Thơ được chấp nhận cho lập thủ tục phá sản (giữa tháng 12-2005), cho đến nay Tòa án vẫn chưa thể ra quyết định tuyên bố phá sản. Lý do: công ty này còn vướng mắc trong việc giải quyết các khoản nợ, trong đó có khoản nợ hơn 4,23 tỉ đồng là lương, tiền công lao động, bảo hiểm xã hội, trợ cấp thôi việc... của hàng trăm công nhân. Đến bao giờ những công nhân ở đây mới được chi trả số tiền trên ?

Công ty bị “khai tử”

Công ty Giày Cần Thơ là một doanh nghiệp nhà nước, được thành lập từ năm 1995, địa chỉ số 176, đường Trần Quang Diệu, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, sản xuất kinh doanh giày vải, dép xốp xuất khẩu. Do làm ăn không hiệu quả kéo dài nhiều năm, đến cuối năm 2003 UBND tỉnh Cần Thơ (cũ) đã cho sắp xếp lại công ty, giảm nhân sự từ 1.200 người xuống còn 600 người. Đến tháng 8-2005, UBND TP Cần Thơ lại một lần nữa cho phép bán công ty để trả nợ.

Theo chứng thư thẩm định giá của Trung tâm Thông tin và thẩm định giá Miền Nam - Bộ Tài chính ngày 8-9-2005, thì tổng giá trị tài sản theo giá thị trường của Công ty Giày Cần Thơ là 16.716.342.000 đồng, trong đó có giá trị quyền sử dụng 4.085,9m2 đất của Công ty đã chuyển nhượng của Quân khu 9 là 3.268.720.000 đồng. Trước khi nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản thì tổng nợ của Công ty Giày Cần Thơ là 25.143.266.734 đồng. Trong đó, nợ có bảo đảm (thế chấp tài sản để vay tiền) của Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh Cần Thơ là 16.690.475.144 đồng; các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội và các quyền lợi khác theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết là 4.230.697.112 đồng; nợ không có bảo đảm: 4.222.094.478 đồng.

Đến ngày 12-12-2005, UBND TP Cần Thơ chấp thuận cho Công ty lập thủ tục phá sản. Ngày 24-7-2006, Tòa án mở thủ tục phá sản đối với Công ty Giày Cần Thơ. “Cái chết” của Công ty Giày Cần Thơ đã chính thức được tuyên, nhưng từ đó đến nay quyền lợi của người lao động vẫn chưa được giải quyết.

Người lao động không được hưởng quyền lợi chính đáng

Từ khi được chấp thuận cho lập thủ tục phá sản, 588 CNVC-LĐ phải nghỉ việc, trong khi công ty còn nợ lương ngừng việc của công nhân 2 tháng 8 và 9-2005 với số tiền 66,744 triệu đồng; chế độ nghỉ việc từ năm 2003-2005 là 525,484 triệu đồng; tiền độc hại từ tháng 4-2005 là 11,787 triệu đồng và tiền ốm đau, thai sản 17,814 triệu đồng; nợ tiền bảo hiểm xã hội của công nhân từ tháng 1-2004 đến tháng 12-2005 khoảng 671,3 triệu đồng... Tổng cộng các khoản thì số tiền còn nợ công nhân lên đến 4.230.697.112 đồng. Đến lúc công ty tuyên bố phá sản, cơ quan chức năng kiểm tra mới phát hiện từ năm 2004, công ty chỉ đóng bảo hiểm xã hội cho 150 công nhân. Còn số tiền đã trích lại từ lương của 438 công nhân khác khoảng gần 3 tỉ đồng đã bị công ty tự ý giữ lại để chi vào việc khác. Chính vì công ty không đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân nên có những trường hợp khi đau yếu bệnh tật, tai nạn lao động... công nhân không được hưởng các khoản tiền chế độ này.

Chị Nguyễn Thị Sắn sau khi bị tai nạn lao động mới phát hiện phía công ty không đóng bảo hiểm xã hội cho chị dù tháng nào cũng trừ vào lương. 

Chị Nguyễn Thị Sắn, ngụ tại quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, là công nhân của công ty. Ngày 18-12-2003, công ty bị sự cố nổ lò hấp giày, chị Sắn bị phỏng tứ chi, chấn thương ngực, vỡ gan, tràn máu màng phổi... Giám định thương tật, chị bị mất sức lao động vĩnh viễn tỷ lệ 82%. Khi xảy ra tai nạn, chị Sắn mới phát hiện phía công ty không đóng bảo hiểm xã hội cho chị dù tháng nào cũng trừ vào lương. Chị Huỳnh Ngọc Tâm (42 tuổi), làm ở Công ty Giày Cần Thơ 10 năm (1994 - 2004), cho biết: “Nghỉ việc từ năm 2004 đến nay chưa nhận được bất cứ chế độ nào. Tôi phải bươn chải buôn bán lặt vặt để kiếm sống nhưng cứ thiếu trước, hụt sau”. Trường hợp chị Tâm cũng là hoàn cảnh chung mà hàng trăm công nhân Công ty Giày Cần Thơ đang gặp phải. Họ vẫn đang trông chờ Tòa án nhanh chóng tiến hành các thủ tục để sớm có tiền giải quyết các khoản tiền trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội mà phía công ty còn nợ lại...

Không chờ đợi được nữa, sáng 18-3-2008, hơn 60 công nhân đã kéo đến trụ sở TAND TP Cần Thơ để yêu cầu có câu trả lời bao giờ họ được chi trả khoản tiền mà phía công ty còn nợ.

Chờ cơ quan chức năng xem xét...

Trước khi xảy ra sự việc công nhân kéo tới tòa án yêu cầu được giải quyết quyền lợi chính đáng của mình, các cơ quan chức năng và UBND thành phố cũng đã có hướng giải quyết vụ việc này. Theo ông Phạm Quốc Việt, Trưởng Thi hành án TP Cần Thơ, trong quá trình thanh lý tài sản của công ty này, Thi hành án dân sự TP Cần Thơ có công văn gởi UBND TP Cần Thơ xin ý kiến về việc giải quyết 4.085,9m2 đất Công ty Giày Cần Thơ có nguồn gốc chuyển đổi với Quân khu 9. Ngày 14-2-2008, UBND TP Cần Thơ có Công văn số 950/UBND-QH về việc giải quyết đất Công ty Giày Cần Thơ thuê có nguồn gốc chuyển đổi với Quân khu 9 với nội dung: “Khu đất có diện tích 4.085,9m2 mà Công ty Giày Cần Thơ đề nghị được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất là đất thuê của Nhà nước; vì vậy, Công ty Giày Cần Thơ không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Thống nhất thu hồi khu đất trên để tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định; số tiền thu được sau khi hoàn trả chi phí bồi thường mà Công ty đã trả cho Quân khu 9 và các chi phí đầu tư trên đất, phần còn lại nộp ngân sách nhà nước theo đề xuất của Sở Tài chính”. UBND TP Cần Thơ cũng yêu cầu Công ty Giày Cần Thơ có trách nhiệm cung cấp các giấy tờ có liên quan cho Sở Tài chính để xác định tiền bồi thường, hỗ trợ cho công ty. UBND thành phố cũng giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường lập thủ tục thu hồi và giao đất cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố quản lý, lập thủ tục bán đấu giá theo đúng quy định.

Ngày 17-3-2008, TAND TP Cần Thơ có Công văn số 81/PS do Phó Chánh án TAND TP Cần Thơ Huỳnh Trung Hiếu ký, gởi UBND TP Cần Thơ. Theo đó: “Công ty Giày Cần Thơ đã bị phá sản, toàn bộ máy móc thiết bị của Công ty đã được bán đấu giá chỉ được hơn 8 tỉ đồng, nhưng lại phải thanh toán cho các chủ nợ có bảo đảm, không có tiền để trả khoản nợ 4.230.697.112 đồng nợ lương, bảo hiểm xã hội của hàng ngàn người lao động đã làm việc cho Công ty cho đến ngày Công ty ngưng hoạt động, nếu không bán khu đất trên thì không thể trả nợ cho họ, gây ảnh hưởng xấu về mặt xã hội. TAND TP Cần Thơ đề nghị UBND TP Cần Thơ xem xét cho ý kiến để Thi hành án dân sự thành phố, tổ quản lý, thanh lý tài sản của Công ty Giày Cần Thơ bán 4.085,9m2 đất nêu trên để trả các khoản nợ của Công ty theo quy định tại điều 37 Luật Phá sản”.

Chiều 14-4-2008, trao đổi với PV Báo Cần Thơ chung quanh đề xuất của TAND TP Cần Thơ tại Công văn số 81/PS ngày 17-3-2008, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Vấn đề trên, UBND thành phố phải xem xét, bàn bạc kỹ mới có hướng giải quyết”.

Bài, ảnh: PHƯƠNG TỬ NGHI

Chia sẻ bài viết