01/03/2013 - 21:57

Niềm vui từ công trình Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa

Ghi nhanh: LỆ THU

Lễ giỗ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa do UBND phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy tổ chức vào ngày 20 tháng Giêng hằng năm là một trong những lễ hội chính của TP Cần Thơ. Lễ giỗ lần thứ 141 của Cụ Thủ khoa  năm nay được nâng cấp qui mô tổ chức từ cấp phường lên cấp thành phố cùng lúc công trình Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa tại phường Bùi Hữu Nghĩa, được khánh thành sau nhiều năm đầu tư xây dựng.
Đây là một sự kiện văn hóa lớn của TP Cần Thơ.

Lãnh đạo thành phố cắt băng khánh thành
Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Ảnh: LỆ THU

Sáng 28-2-2012 (19 tháng Giêng năm Quý Tỵ), những người tham dự lễ rước linh vị của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa từ chùa Nam Nhã về Khu tưởng niệm đều rất xúc động. Ông Lê Văn Hoằng, Trưởng Ban Quí tế Khu Tưởng niệmThủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, cho biết: “Trước đây, do khu mộ của Thủ khoa nhỏ hẹp nên linh vị Cụ được đặt tại Nam Nhã Đường. Hằng năm, cứ trước ngày giỗ một ngày, Ban Quí tế tổ chức rước linh vị của Cụ Thủ khoa về khu mộ, sau lễ giỗ lại đưa về chùa để thờ cúng. Nhưng giờ, Khu tưởng niệm đã hoàn thành, có nơi thờ cúng đàng hoàng nên từ nay trở đi, linh vị Cụ sẽ được thờ tại đây”. Tối cùng ngày, nhân dân nô nức đến thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc tại Khu tưởng niệm. Các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Tây Đô đã cống hiến cho khán giả những tiết mục văn nghệ được dàn dựng công phu, ý nghĩa, ca ngợi quê hương, đất nước, tái hiện cuộc đời và sự nghiệp của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. 

***

Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân Cần Thơ. Bùi Hữu Nghĩa hiệu Nghi Chi, sinh năm 1807, mất năm 1872, quê quán tại thôn Long Tuyền, tổng Định Thới, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh (nay là khu vực 2, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ). Năm 1835, ông đỗ thủ khoa kỳ thi Hương và sau đó được bổ nhiệm làm quan tri huyện Phước Chánh (Biên Hòa), rồi làm Tri phủ Trà Vang (nay là tỉnh Trà Vinh). Làm quan thanh liêm, luôn vì nhân dân chống lại bọn cường hào ác bá nên gian thần vu oan cho ông tội “xúi dân làm loạn, chủ mưu giết người”. Triều đình xử ông án tử. Phu nhân ông là bà Nguyễn Thị Tồn đã lặn lội ra tận kinh đô Huế để minh oan cho chồng. Cuối đời, Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa cáo quan về quê dạy học, hốt thuốc chữa bệnh cho dân  và dùng ngòi bút lên án quân xâm lược thực dân Pháp, cổ vũ phong trào yêu nước. Ông là một trong những nhà thơ yêu nước cuối thế kỷ 19, được tôn vinh là một trong bốn “Rồng Vàng” ở đất Nam bộ.

Một góc Khu Tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Ảnh: THẢO MIÊN.

Khâm phục tài năng, phẩm giá và công đức của ông, sau khi mất, Bùi Hữu Nghĩa được nhân dân làng Bình Thủy lập thần chủ, bài vị, đưa hình ảnh vào thờ trong ngôi đình làng. Phần mộ được xây bằng đá ong được các thế hệ người Cần Thơ chăm sóc, tu sửa nhiều lần. Diện tích ngôi mộ đơn sơ, chỉ hơn 500 m2, hằng năm tiếp đón một lượng lớn khách viếng vào ngày giỗ của ông. Khu mộ đã được Bộ Văn hóa- Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1994. Để xứng tầm với một danh nhân văn hóa lớn của Cần Thơ, năm 2009, UBND TP Cần Thơ đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, mở rộng khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa trên diện tích khu mộ cũ.

Tháng 9- 2009, công trình được khởi công xây dựng trên diện tích 10.000 m2, tổng mức đầu tư công trình là 57,84 tỉ đồng. Công trình bao gồm khu mộ, nhà bia, nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, nhà tiếp khách…  kiến trúc theo kiểu truyền thống của Việt Nam: cột tròn, mái cong, ngói lưu ly, có các phù điêu hình rồng, phượng… Sau hơn 3 năm xây dựng, công trình đã hoàn thành trong niềm hân hoan của con cháu họ tộc cụ Bùi và nhân dân địa phương.

***

Sáng 1-3-2013, tiếng trống trang nghiêm, oai hùng hòa cùng tiếng nhạc rộn rã đã mở màn cho Lễ kỷ niệm 141 ngày mất và khánh thành Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Trong không khí thiêng liêng và phấn khởi của lễ hội, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đọc diễn văn ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Thủ khoa Nghĩa và nhấn mạnh: “Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa là địa điểm tham quan lý tưởng của các tour du lịch đến với vùng sông nước Cần Thơ. Đây còn là công trình có ý nghĩa quan trọng để tổ chức những lễ hội văn hóa của địa phương như: ngày thơ Việt Nam, giỗ Tổ sân khấu… Do đó, Quận ủy, UBND quận Bình Thủy và ngành văn hóa cần có kế hoạch tổ chức tốt việc quản lý và phát huy các giá trị của di tích; tích cực sưu tầm, vận động nhân dân trong và ngoài nước đóng góp tư liệu, hiện vật liên quan đến Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, làm phong phú nội dung trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp của ông tại khu tưởng niệm. Đây là cách tri ân thiết thực nhất của chúng ta đối với một danh nhân văn hóa lớn”.

Hồ hởi, phấn khởi, mãn nguyện, xúc động… là những tâm trạng của những người tham dự lễ hội nhân ngày khánh thành Khu tưởng niệm. Anh Nguyễn Chiếm Khôi, 48 tuổi, cháu ngoại đời thứ 5 của Cụ Bùi (ông nội của anh Khôi là Nguyễn Văn Giai là cháu ngoại của cụ Bùi Hữu Nghĩa), chia sẻ: “Là con cháu của cụ Bùi, chúng tôi rất mừng và hạnh phúc khi khu mộ của Cụ được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng với qui mô hoành tráng như thế này. Cha tôi thường đến xem lúc công trình đang thi công, mong đến ngày công trình được hoàn thành. Tiếc là ông đã mất vào năm trước… Thay mặt cho họ tộc, tôi cảm ơn Đảng, các cấp chính quyền đã quan tâm, đầu tư tôn tạo ngôi mộ Cụ Bùi. Con cháu chúng tôi sẽ cố gắng gìn giữ, phát huy những phẩm chất tốt đẹp của Cụ và truyền thống của dân tộc”.

Cùng với nhân dân Cần Thơ, nhiều người ở các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang… đã không ngại đường xa về dự lễ giỗ. Ông Trần Văn Trương, Phó Ban Quản trị Đình Long Thạnh, xã Nhị Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, cho biết: “Đình Long Thạnh là nơi thờ cúng cụ Bùi Hữu Nghĩa tại Trà Vinh để tưởng nhớ công ơn của Cụ đối với nhân dân địa phương ngày xưa. Hôm nay, về đây dự lễ giỗ lần thứ 141, chúng tôi rất phấn khởi khi thấy khu mộ đã được nâng cấp thành Khu tưởng niệm qui mô lớn. Năm nay, đình Long Thạnh cũng làm lễ thỉnh tượng cụ Bùi Hữu Nghĩa để thờ thay cho hình ảnh trước đây”. 

***

Đầu năm mới, Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa được khánh thành là một sự kiện văn hóa trọng đại. Nơi đây không chỉ là nơi tri ân, tưởng nhớ danh nhân văn hóa Bùi Hữu Nghĩa mà còn giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ và góp phần khai thác, phát triển du lịch của TP Cần Thơ. Theo ông Đặng Tấn Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch TP Cần Thơ, trong thời gian tới, ngành văn hóa, du lịch sẽ kết nối tour du lịch từ lộ Vòng Cung đến Căn cứ Vườn Mận, các di tích trên địa bàn quận Bình Thủy và tham quan Khu tưởng niệm Bùi Hữu Nghĩa. Các chuỗi di tích sẽ được kết hợp chặt chẽ, giúp du khách hiểu hơn đất và người Cần Thơ. 

Chia sẻ bài viết