21/02/2016 - 15:15

Niềm vui của nghệ nhân Trường Út

"Nhiều lúc khó khăn, muốn bỏ nghề. Nhưng rồi đi đâu nghe ai ca hát, lại ngồi xuống xin hòa điệu nên tôi biết mình nặng nợ cầm ca"- Trường Út chia sẻ. Niềm vui khi được Chủ tịch Nước phong tặng Nghệ nhân Ưu tú như tiếp thêm động lực để Trường Út an tâm cống hiến cho đờn ca tài tử.

Gặp Trường Út trong ngày Cần Thơ vinh danh 4 Nghệ nhân Ưu tú, anh tâm sự về nghiệp cầm ca của mình với nhiều xúc động. Anh nói, ca hát vì đam mê chứ chưa bao giờ nghĩ đến danh hiệu, nên vinh dự này vừa bất ngờ vừa tiếp thêm sức mạnh cho anh.

Đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ, trao bằng phong tặng Nghệ nhân Ưu tú cho Trường Út. Ảnh: DUY KHÔI

Trường Út có gần 35 theo nghiệp đờn ca tài tử dù nay anh mới vừa tròn 41 tuổi. 6 tuổi, Trường Út đã mê cải lương nên được anh hai tên Trường Lạc- một giọng ca có tiếng, tập tành và dẫn theo dự các cuộc đờn ca. Giọng ca của cậu bé 6-7 tuổi gầy gò nhưng chắc, khỏe và giữ nhịp tốt làm bất ngờ nhiều người. Thấy khả năng của em, Hai Trường Lạc gởi Trường Út cho thầy đờn Hai Long- đệ nhất danh cầm Octavina ở Sài Gòn (thầy của những tài danh như Bạch Tuyết, Hùng Cường) trong thời gian ông về Cần Thơ sinh sống. Từ những bài học của thầy Hai Long về cách đọc chữ đờn, cách lấy hơi, giữ nhịp, Trường Út ngày càng tiến bộ và trở thành giọng ca sáng giá trong phong trào tài tử ở Cần Thơ những năm 1990; đến nay là một Nghệ nhân Ưu tú.

Trong căn nhà chưa đầy 100m2 có đến 14 nhân khẩu của nhiều gia đình nhỏ cùng trú ngụ, Trường Út phải chăm sóc người mẹ tật nguyền, người anh mất sức lao động và hai con nhỏ đang tuổi ăn học. Thu nhập chính của anh nhờ quán bún riêu ven đường ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều. Những bữa có chương trình, học bài ca không kịp, anh phải vừa nấu bún, vừa chạy bàn, vừa nhẩm lời. Vất vả trong cuộc sống nhưng hễ đứng trên sân khấu, anh lại trút hết mọi lo toan, sống trọn với tiếng đờn, lời ca. Giọng ca những bài Bắc của anh huyễn hoặc, chuẩn mực, giàu xúc cảm nên đi vào lòng người một cách lắng đọng. Anh có cách chẻ nhịp, đưa hơi ngọt lịm khiến bài bản tài tử trở nên bay bổng.

Nhiều năm qua, Trường Út luôn là hạt nhân nòng cốt trong phong trào đờn ca tài tử ở Cần Thơ, đạt nhiều giải thưởng ở các kỳ Liên hoan Đờn ca tài tử toàn quốc, khu vực; Liên hoan Dân ca toàn quốc… Mọi người nói vui, Trường Út có dáng người gầy gò, ốm yếu nhưng giọng ca lại mạnh "như lực sĩ": ca chữ "Líu", chữ "Xề"… chữ nào ra chữ đó, rặt tài tử nhưng lại tạo được phong cách riêng.

Trong căn phòng nhỏ hẹp, tấm bằng vinh danh Nghệ nhân Ưu tú được Trường Út treo trang trọng, như nhìn lại quãng đường đã gắn bó với cung thương, cung nhớ vừa qua. Trường Út vui vẻ nói: "Thời thiếu ăn mà còn ca hát, giờ được vinh dự này thì càng phải phấn đấu học hỏi nhiều hơn nữa để hát hay hơn nữa".

Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết