09/01/2018 - 21:17

Di tích Lịch sử Văn hóa Ấp Bắc

Niềm tự hào của người dân Tân Phú 

Cách đây 55 năm, quân và dân Tiền Giang đã đánh bại các chiến thuật: bủa lưới, phóng lao, trực thăng vận và thiết xa vận của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Đó là chiến thắng Ấp Bắc, diễn ra ngày 2- 1- 1963, tại xã Tân Phú, nay thuộc thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Khu Di tích Lịch sử- Văn hóa chiến thắng Ấp Bắc là một quần thể kiến trúc rộng khoảng 2ha bao gồm: tượng đồng 3 chiến sĩ gang thép, xe bọc thép, máy bay lên thẳng, những chiến lợi phẩm sau trận đánh, pháo 105 ly, mộ 3 chiến sĩ gang thép, mô hình phục chế. Với người dân Tân Phú, “Tiểu đội gang thép” vẫn là tượng đài sáng ngời hào khí phương Nam.

Biểu tượng xe tăng bị cháy trên cánh đồng Ấp Bắc, xã Tân Phú (TX. Cai Lậy).Biểu tượng xe tăng bị cháy trên cánh đồng Ấp Bắc, xã Tân Phú (TX. Cai Lậy).

Nhà trưng bày hiện vật là nơi ghi dấu diễn biến trận Ấp Bắc cùng những chiến công vang dội. Sơ đồ trận đánh Ấp Bắc ngày 2- 1- 1963 khắc họa lại các chiến thuật mà quân và dân ta sử dụng để đánh bại chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của Mỹ và quân đội Sài Gòn, mở đường cho cao trào tiêu diệt sinh lực địch, bắn máy bay, đánh thiết giáp và đưa phong trào phá ấp chiến lược lên đỉnh cao. Chiến thắng Ấp Bắc đã đánh dấu sự phát triển thế và lực của cuộc chiến tranh cách mạng, cổ vũ quân và dân miền Nam đẩy mạnh phong trào “thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công”. Mặt khác, đây là trận mở đầu cho sự khủng hoảng về chiến thuật và là dấu hiệu phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ và quân đội Sài Gòn.

Khu di tích lịch sử Ấp Bắc còn có những mô hình được phục chế, tái hiện cảnh dân quân tải thương, nấu cơm, chế tạo vũ khí, hầm bí mật, họp hội. Xa xa ngoài cánh đồng rộng lớn là những biểu tượng máy bay, xe tăng địch bị bốc cháy… Tất cả góp phần tái hiện chiến công: quân và dân ta bắn hạ 13 máy bay trực thăng, bắn cháy 3 xe lội nước M113, đánh chìm 3 tàu chiến.

Chúng tôi tìm gặp ông Lê Văn Vĩ để hiểu đầy đủ hơn về trận đánh Ấp Bắc và vùng đất từng bị địch càn quét. Ông Vĩ tham gia cách mạng năm 1960, nguyên Bí thư Ðảng ủy xã vào những năm 1980. Ông Vĩ kể: “Lực lượng địch gấp 10 lần lực lượng ta, chúng có vũ khí tối tân, máy bay, xe tăng; còn quân ta với vũ khí thô sơ, nhưng ta có chiến thuật, cách đánh hiệu quả dựa vào nhân dân và sự anh dũng cùa toàn quân. Dù đạn bom dữ dội, nhưng nhân dân vẫn nấu cơm, tiếp tế cho bộ đội ta đánh giặc. Bằng sự kiên quyết ấy, tinh thần dũng cảm ấy, ta giành được thắng lợi”.

Hố bom năm xưa, nay là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.Hố bom năm xưa, nay là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Chiến thắng Ấp Bắc là sự kiện lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông Nguyễn Văn Luyến, ngụ xã Tân Phú, phấn khởi nói: “Ấp Bắc là niềm tự hào của người dân nơi đây, chúng tôi luôn giáo dục con em mình sống thật xứng đáng với cha ông, xây dựng quê hương giàu đẹp”. Hiện nay, xã Tân Phú có hạ tầng điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa… được đầu tư, đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương. Nhờ tăng gia sản xuất và xây dựng các mô hình phù hợp, mà tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 2,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/ người/ năm. Đặc biệt, từ khi phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, bằng sự chung sức, chung lòng của nhân dân, đến nay, Tân Phú đã đạt 15/19 tiêu chí và dự kiến ra mắt xã nông thôn mới vào năm 2018. Anh Trương Văn Mến, đoàn viên Thanh niên xã Tân Phú cho biết: “Hằng năm, Đoàn thanh niên xã phối hợp với Hội Cựu chiến binh đến khu di tích chiến thắng Ấp Bắc trong các hoạt động giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Từ đó, mỗi cá nhân ý thức được trách nhiệm, phát huy tinh thần Ấp Bắc tình nguyện, xung kích trong mọi công tác của Đoàn”.

VĂN MINH

Chia sẻ bài viết