06/07/2018 - 15:07

Những triệu chứng cảnh báo cơ thể bị tụ huyết khối 

Theo các chuyên gia, cơ chế hình thành cục máu đông (huyết khối) thường vô hại và chủ yếu ngăn cơ thể mất quá nhiều máu trong trường hợp bị thương. Nhưng nếu cục máu đông xuất hiện ở một số khu vực nhất định, chẳng hạn như tim và phổi, chúng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) dẫn đến thuyên tắc động mạch phổi (PE), nhồi máu cơ tim, đột quỵ... Phó Giáo sư về tim mạch Patricia Vassallo tại Đại học Northwestern (Mỹ) khuyến cáo mọi người cần để mắt đến 7 triệu chứng “chỉ điểm” sự xuất hiện của cục máu đông trong cơ thể, như sau:

Các cục máu đông trên chân có thể gây sưng phồng, đổi màu và làm loét da. Ảnh: Right Shape

Sưng ở cánh tay hoặc chân

DVT khiến một chân sưng to hơn chân còn lại và thường xuất hiện ở phần bắp chân. “Đó là vì khi cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch, cản trở dòng máu trở về tim và áp lực này khiến máu lan ra phần mô ở chân”- bà Vassallo giải thích. Chính vì vậy, chân bị cục máu đông sẽ to hơn chân còn lại, có thể xác định bằng cách dùng thước dây để đo. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở cánh tay.

Chân hoặc tay nóng lên và đỏ

Huyết khối làm nghẽn lưu thông máu ở một bên tay hoặc chân, khiến máu tràn ra các mô xung quanh cũng dẫn đến tình trạng viêm, nóng và đỏ ở khu vực bị ảnh hưởng. Theo đó, toàn bộ cẳng chân hoặc cánh tay sẽ đỏ lên nhưng cũng có khi hiện tượng đó xảy ra từng vùng loang lổ. Lưu ý là cũng có trường hợp bị cục máu đông nhưng không gây đỏ hoặc sưng.

Tim đập nhanh, cảm giác hụt hơi

Tim đập nhanh là triệu chứng phổ biến nhất và đôi khi là duy nhất của chứng thuyên tắc phổi, xảy ra khi cục máu đông đi vào phổi. Nguyên nhân là tim phải đập nhanh hơn để bơm thêm khí ôxy cho cơ thể, nhằm bù đắp lượng ôxy thiếu hụt do cục máu đông làm tắc nghẽn phổi. Cụ thể là nhịp tim của bệnh nhân sẽ cao hơn 100 nhịp/phút, trong khi mức bình thường là khoảng 60-100 nhịp/phút.

Đau mỏi ở 1 chân hoặc tay

Cảm giác khó chịu xuất hiện ở cẳng chân/cánh tay cũng là một triệu chứng phổ biến của huyết khối, xuất phát từ tình trạng viêm. Tuy không nghiêm trọng, nhưng nó gây cảm giác đau mỏi bất thường ở chân (hoặc tay) - đặc biệt trong lúc đang đi bộ. Và nếu cục máu đông không tự tan, cơn đau sẽ dần nặng thêm. 

Cảm giác như đang trong cơn hoảng loạn

Nếu đang bị PE, người bệnh dễ có tâm trạng cực kỳ lo lắng. Ngoài cảm giác chóng mặt, họ còn cảm thấy mệt lả như sắp chết. Kiểu hoảng loạn này thường bị chẩn đoán sai ở phụ nữ dưới 40 tuổi. Do đó, những người nghi ngờ bị tụ huyết khối cần mô tả kỹ càng với bác sĩ những triệu chứng đang gặp phải cũng như các yếu tố nguy cơ khác.

Đau dữ dội ở ngực

Trong một số trường hợp bị PE, bệnh nhân có thể cảm nhận cơn đau đột ngột dữ dội ở ngực và mức độ đau càng nặng hơn nếu hít thở sâu hoặc ho. Điều nên làm là cần học cách phân biệt giữa đau thắt ngực do PE hay đau do bệnh tim, vốn biểu hiện bằng cảm giác đau buốt hoặc giống như có vật nặng đè lên ngực.

Ho ra máu

Một cục máu đông có thể dẫn đến viêm và tích tụ máu trong phổi, khiến bệnh nhân ho ra máu. Mặc dù tình trạng này có thể xuất hiện do viêm phổi, nhưng thường là do viêm vì PE. 

AN NHIÊN (Theo Women’s Health)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
tụ huyết khối