16/07/2018 - 09:55

Những “thành phố giả” ở Trung Quốc 

Khi đến ngoại ô thành phố Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc), du khách sẽ nhìn thấy bản sao của Tháp Eiffel cao 108 mét nằm ngay trung tâm một khu vực có diện tích khoảng 32 km vuông với các tòa nhà, đài phun nước và cảnh quan theo phong cách Thủ đô Paris của Pháp.

Một cô dâu chụp ảnh cưới bên dưới Tháp Eiffel giả ở Thiên Đô Thành. Ảnh: Reuters

Nằm cách Paris hơn 8.000 km, Thiên Đô Thành ra mắt công chúng vào năm 2007 với một khu nhà ở sang trọng có sức chứa hơn 10.000 cư dân. Tuy nhiên, nơi đây lúc bấy giờ ít nhận được sự quan tâm của người dân Trung Quốc bởi cách thiết kế kỳ lạ và vị trí không thuận lợi của nó. Năm 2013, một video được tung lên mạng cho thấy các đại lộ tại Thiên Đô Thành và khu vực xung quanh Tháp Eiffel phủ đầy cỏ dại. Một số báo cáo sau đó thậm chí tuyên bố thiết kế Thiên Đô Thành là thất bại, xem đây là một “thành phố ma”. Song, những năm gần đây khi mà có nhiều người chuyển đến Thiên Đô Thành, thành phố này ngày càng sôi động. Các cặp vợ chồng thường dạo quanh các con phố vào buổi tối, trong khi du khách và các cặp đôi chụp ảnh suốt ngày bên dưới Tháp Eiffel giả.

Thiên Đô Thành không phải là thành phố duy nhất ở Trung Quốc “sao chép” thiết kế một nơi nào đó nổi tiếng trên thế giới. Khi kinh tế Trung Quốc bắt đầu bùng nổ vào những năm 1990, việc nhân bản kiến trúc phương Tây đã trở thành “mốt”. Đến đầu những năm 2000, các “thành phố giả” và nhiều địa danh văn hóa nổi tiếng toàn cầu đã xuất hiện trên khắp Trung Quốc. Chẳng hạn như tại tỉnh Hà Bắc, người ta dễ dàng nhìn thấy bản sao của Jackson Hole, một thung lũng nổi tiếng ở tiểu bang Wyoming của Mỹ.

Newsweek cho hay, Ủy ban Kế hoạch Thượng Hải năm 2001 đã thông qua dự án “1 thành phố, 9 thị trấn” với mục tiêu làm giảm bớt dân số ngày càng gia tăng. Từ đó, hàng loạt công trình xây dựng mang phong cách châu Âu đã mọc lên tại các vùng ngoại ô của thành phố đông dân nhất Trung Quốc này.

Là một phần của dự án nói trên, thị trấn Thames ở quận Tùng Giang được nhận định trông giống như bức tranh biếm họa về Thủ đô Luân Đôn của Anh. Theo đó, các tuyến đường tại đây được lát đá cuội, các buồng điện thoại được sơn màu đỏ, có nhiều nhà thờ, vệ sĩ thì trong các bộ đồng phục Anh và có cả bức tượng cố Thủ tướng Anh Winston Churchill. Anthony MacKay, nhà lập kế hoạch kiêm kiến trúc sư của thị trấn Thames, nói với Newsweek rằng ông rất thất vọng với tác phẩm do mình tạo ra, xem nó là một điều “hài hước”. “Đó không phải là những gì mà tôi muốn hướng đến đối với thị trấn Thames. Nó có vẻ không ổn tí nào” - ông MacKay thừa nhận.

Còn tại thành phố Tô Châu (tỉnh Giang Tô), một bản sao của Cầu Tháp Luân Đôn đã được dựng lên với 4 tòa tháp thay vì 2 như phiên bản gốc.

Ngoài ra, hàng loạt công trình kiến trúc nổi tiếng khác của thế giới đã được dựng lên tại Trung Quốc, gồm đền Parthenon của Hy Lạp, Nhà Trắng của Mỹ, Đấu trường La Mã của Ý và  tượng nhân sư Giza của Ai Cập. Trước tình trạng những công trình kiến trúc “kỳ lạ” như thế không ngừng mọc lên, Quốc vụ viện Trung Quốc hồi năm 2016 đã ban hành một quy định, trong đó yêu cầu tất cả các tòa nhà mới phải “phù hợp, kinh tế, xanh và hợp nhãn”. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã ra lệnh chấm dứt việc tạo ra các “kiến trúc kỳ lạ”.

Tuy nhiên, bất chấp lệnh cấm được ban hành, quê hương của đại văn hào William Shakespeare là thị trấn Stratford-upon-Avon ở Anh vẫn đang được tái tạo như là một phần của trị trấn du lịch mới có tên San Weng tại tỉnh Giang Tây.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết