31/12/2007 - 22:10

Những tấm lòng nhân ái

Nơi đó, có hàng trăm nông dân nghèo tiền bạc nhưng giàu lòng trượng nghĩa đã thay phiên nhau phục vụ cơm nước miễn phí cho gần 2.000 lượt bệnh nhân nghèo và người thân của họ mỗi ngày. Vào Bệnh viện Hữu nghị Đồng Tháp, chúng tôi ấn tượng mãi hình ảnh một người đàn ông gầy còm làm nên câu chuyện cổ tích có thật giữa đời thường.

CƠM MIỄN PHÍ CHẤT LƯỢNG CAO...

Tổ từ thiện cấp cơm, cháo, nước miễn phí nằm ở cuối Bệnh viện Hữu nghị Đồng Tháp. Lúc chúng tôi tới đang là 11 giờ trưa, giờ hoạt động cao điểm của bếp ăn từ thiện nên bệnh nhân đến lấy cơm khá đông, nhưng tuyệt đối không có sự chen lấn, xô đẩy bởi không có chuyện mất phần. Phía bên trong, những người thiện nguyện luôn tay xới bới. Giữa trưa nắng gắt, dù đổ ròng mồ hôi nhưng họ đều tươi cười và tận tâm phục vụ người bệnh.

Ông Út Nhẹ với nhóm thợ cưa gỗ tình nguyện. 

Đến lượt một người đàn ông ăn mặc nhếch nhác, dáng người lam lũ xin cơm. Đẩy 2 cái tô nhựa vào trong, người này cất giọng: “Anh Sáu cho tôi 3 phần cơm nghen!”. “Lấy 3 suất mà có hai cái tô bé tẹo vầy sao đủ?”. Vừa hỏi lại, anh thanh niên chia cơm vừa nhón tay lấy một chiếc tô bự vốc giá đổ cơm vào đấy. Hai chiếc tô nhỏ kia được anh múc canh và đồ xào. Đưa suất ăn cho bệnh nhân, anh thân tình nhắn nhủ: “Lần sau lấy cơm chú nhớ mang cái tô này để lấy cho đúng khẩu phần nghen. Ăn no mới mau hết bệnh chớ!”.

Thay thế chỗ đứng của người đàn ông lam lũ lúc này là một phụ nữ ngoài ba mươi, vẻ khắc khổ. Lần này, người phát cơm cho chị không phải là anh thanh niên lúc nãy mà là một cụ già tuổi ngoài 70, râu tóc bạc phơ. “Hôm nay có sắp nhỏ lên thăm, bác Năm cho con 5 phần nghen”. Chị này vừa dứt lời, ông già vừa xới cơm vừa nói nhỏ với người đứng cạnh đấy: “Tội nghiệp, mấy mẹ con ở tít Hồng Ngự lên đây điều trị. Hoàn cảnh rất khó khăn. Cho chỉ nhiều thức ăn để tụi nhỏ chắc cái bụng”.

Số lượng bệnh nhân đến lấy cơm mỗi lúc một đông. Người này vừa đi đã có người khác thế chỗ. Đón nhận khẩu phần từ tay những người thiện nguyện, nhiều bệnh nhân ra ghế đá gần đấy dùng cơm canh còn nóng hổi một cách ngon lành. Điều đáng ngạc nhiên là lẫn trong dòng bệnh nhân ấy, chúng tôi mục kích nhiều người không phải là bệnh nhân, thân nhân người bệnh.

Quệt dòng mồ hôi trải dài trên gương mặt sạm đen, một bác tài xe vua tâm tình: “Nghèo khổ quá phải vào bệnh viện ăn cơm ké thôi chú ơi! Ăn ở ngoài, tốn tiền lắm. Mình chịu khó tiết kiệm cuối tháng cũng dư ra một khoản đủ lo tiền học cho sắp nhỏ”.

Chỉ tay về nhóm người có nước da đen bóng không nói được tiếng Việt mà chỉ đưa mấy ngón tay làm ký hiệu cần bao nhiêu suất ăn, người đàn ông bán mình trên những cuốc xe bật mí: “Họ là người Campuchia đấy. Ở đây hổng có giới hạn, hổng phân biệt gì ráo trọi. Hễ ai có nhu cầu là sẽ được phát cơm ngay. Ăn đến khi nào xuất viện mới thôi đó!”.

Món cơm chiều nay xem ra rất thịnh soạn gồm canh bí đỏ, cải xào và cá bông lau kho, tất cả đều được nấu nướng sạch sẽ, thơm ngon. Bà Lý Thị Muốt đang nuôi con gái bị bệnh đường ruột tấm tắc khen: “Cứ tưởng cơm miễn phí thì chất lượng cũng miễn bàn nhưng sau đó mới biết mình lầm”.

“LINH HỒN” CỦA BẾP ĂN...

Đó là ông Đặng Văn Nhẹ, ở xã Tân Huề, huyện Thanh Bình, người được bà con chòm xóm gọi thân thương là “ông Út Nhẹ”. Ngoài ra, ông còn có những biệt danh ấn tượng khác như “Ông Út trại cưa”, “ông Út hòm”, “ông Út từ thiện”... Năm nay, ông Út Nhẹ khoảng 60 tuổi, dáng người gầy ốm, có phần khắc khổ. Hỏi nguyên cớ gắn đời với bệnh viện, ông nói ngắn gọn một câu: “Thấy có nhiều bà con xung quanh sống cực khổ cần hỗ trợ, vậy là qua nhào vô thôi mà!”. Qua những hàng xóm và các anh chị trong Tổ cấp phát cơm, cháo, nước sôi từ thiện, được biết từ năm 1998 đến nay, hưởng ứng phát động “Ngày vì người nghèo” của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Út đã có nhiều đóng góp tích cực.

Ông Hoàng Cương, công tác ở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đồng Tháp, nói về ông Út Nhẹ với sự thán phục: “Nổi bật nhất là việc anh Út cảm được nhu cầu bức xúc về nhà ở của các hộ dân nghèo, đã cùng một số anh em đồng chí hướng “góp” gần 50 triệu đồng thành lập trại cưa xẻ gỗ từ thiện nhằm phục vụ xây dựng nhà tình thương cho các hộ dân nghèo. Trại cưa này còn góp phần tạo việc làm cho những người có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Qua hơn 2 năm hoạt động, trại cưa đã tích lũy và xây dựng được 185 căn nhà cho người nghèo, giúp hàng chục áo quan cho những gia đình khó khăn chẳng may có người thân qua đời. Mô hình trại cưa từ thiện sau đó đã được tỉnh nhân rộng thành 12 tổ khác đang hoạt động rất hiệu quả”.

Là nông dân say mê làm từ thiện, hốt thuốc nam, bắc cầu đường, làm nhà tình thương... bà con khó gì, cần gì, ông Út Nhẹ đều lăn xả phục vụ. Biết ông có tâm, và quan trọng nhất là được bà con tin tưởng nên Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã ngỏ ý mời ông về Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp giữ trọng trách củng cố hoạt động Tổ từ thiện cấp cơm cháo, nước đun sôi miễn phí cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Út Nhẹ tâm tình: “Qua nhận công việc từ ngày 9-2-2007. Ngày nhận bàn giao từ người tiền nhiệm, qua chẳng có gì ngoài 2 bàn tay trắng. May mà có 2 mạnh thường quân tên Út Phố và Hữu Tâm giúp 500kg gạo nhưng chỉ nấu trong 2 ngày đầu đã hết. Vào thăm, bà con thấy vậy đã vận động nhau kẻ ít người nhiều góp sức cùng qua lo cho người bệnh”.

Để khôi phục hoạt động của Tổ từ thiện, ông Nhẹ dùng uy tín vay từ người thân và bạn bè 25 triệu đồng mua mắm về chất đầy trong kho. Thấy ông hoạt động bất vụ lợi nhiều người tìm đến hiệp sức. Ông chủ trại cưa đến thăm thấy thiếu củi thì cho người chở củi đến. Còn thức ăn do bà con tiểu thương và những người giàu lòng hảo tâm mua ủng hộ con cá, mớ rau... Những chiếc thùng kêu gọi sự ủng hộ về rau củ, thịt cá của mọi người đối với người bệnh được đặt ở những chợ lớn như Hồng Ngự, Cao Lãnh...

CẦN LẮM NHỮNG VÒNG TAY NHÂN ÁI

Trên 4 bức tường trong căn phòng tiếp nhận quyên góp, ông Út ghi chi chít tên tuổi và giá trị vật chất đóng góp của các mạnh thường quân. “Đó chỉ là những cái tên tượng trưng thôi. Chứ nếu ghi hết, phải hàng chục căn phòng như vầy cũng ghi không đủ”. Thật ấn tượng trước những dòng chữ đơn sơ nhưng khi ẩn sau đó là biết bao tấm lòng đôn hậu: “Chú 7 bán vé số: 3 ký gạo.... Chị năm bán rau: 3 trái bí.... Anh Tùng chạy xe lôi: 15.000 đồng...”.

Càng ấn tượng hơn khi nghe ông Út Nhẹ bật mí: “Phần lớn bà con khi đến với những bệnh nhân nghèo đều chẳng mấy ai muốn để lại họ tên, địa chỉ cụ thể. Qua nằn nì lắm, họ mới tiết lộ ngắn gọn vậy thôi. Thấy qua ghi tên lên bảng, bà con cũng cự hổng cho ghi bởi làm từ thiện khoe mẽ coi sao được. Qua phải giải thích ghi như vậy để khích lệ những người khác thì bà con mới chịu đó!”.

Một ngày chỉ riêng phần gạo nấu cơm phục vụ bệnh nhân lên đến 420kg. Đường mỗi ngày dùng 15-16kg, bột ngọt 3-4kg. Đó là chưa kể rau, mắm, củi nấu, dầu ăn, nước chấm các khoản... Ông Út Nhẹ làm bài toán nhẩm nghe “kinh hồn”: “Bệnh viện bình quân có 820 ca bệnh. Nếu tính thấp nhất 1 người nuôi một người thì có đến hơn 1.500 người cần dùng cơm, cháo, nước mỗi ngày. Hơn nữa, hoạt động của Tổ cũng không giới hạn. Lúc nào bà con cần cơm, cháo, nước cũng đều được phục vụ, bất kể là 1-2 giờ trưa hay nửa đêm về sáng”.

Ông Út Nhẹ trăn trở, cái khó là do Tổ từ thiện không có nguồn tài chính ổn định nên chỉ biết hoạt động mang tính đắp đổi qua ngày. Ngày nào đủ gạo, đủ thức ăn phục vụ bà con thì mừng ngày nấy. Bởi vậy, có những khi gạo thiếu, không biết phải giải quyết ra sao! Điều khác làm ông Út băn khoăn hiện nay là có không ít trường hợp bệnh nhân chết nhưng vì hoàn cảnh quá khó khăn, thân nhân không có đủ điều kiện đưa về xứ chôn cất. Trong khi đó, giá dịch vụ thì rất mắc. Ông khát khao: “Qua ước mơ có được 1 chiếc xe. Gia đình nào khốn khó, mình sẽ chạy miễn phí cho bà con. Ai có điều kiện hơn chỉ cần đổ tiền xăng là đủ rồi”.

Bài, ảnh: NGUYỄN THÀNH DŨNG

Chia sẻ bài viết