31/03/2018 - 15:45

Những quyển sách ấn tượng tại Hội Sách 

Tại Hội Sách TP Hồ Chí Minh năm 2018, nhiều tác giả đã có buổi ra mắt sách và giao lưu với độc giả về “đứa con tinh thần” của mình. Báo Cần Thơ tuyển chọn một số tác phẩm ấn tượng tại Hội Sách năm nay.

Diễn giả giao lưu ra mắt bộ sách “Trí tuệ lãnh đạo”. Ảnh: DUY KHÔI

Bộ sách “Trí tuệ lãnh đạo” do Công ty Cổ phần Văn hóa Văn Lang phát hành. Bộ sách gồm 6 cuốn, tổng hợp từ những kinh điển lừng danh về thuật dùng người như Trường Đoản Kinh, Khuyến nhẫn bách châm, Băng giám, Quỷ Cốc Tử, Nhân vật chí, Đạo làm quan... để đúc kết thành một bộ bách khoa toàn thư bàn về thuật lãnh đạo, lý luận khúc chiết, có giá trị áp dụng thực tiễn cao. Nội dung chủ yếu nêu bật những yêu cầu, điều kiện không thể thiếu về phương diện tinh thần đối với bất cứ ai muốn thành công trong vai trò lãnh đạo. Người đọc có thể nhận biết và phát hiện nhân tài, nắm bắt được triết lý về lãnh đạo và đối nhân xử thế.

Tự truyện “Loan - từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng” của Isabelle Müller (Pháp), viết về người mẹ Việt Nam của bà tên Đậu Thị Cúc (tự Loan, sinh năm 1929). Cuốn sách từng lọt vào top 5 chung kết giải Kindle Storyteller Award năm 2015 và xếp hạng best seller trên trang Amazon (Đức). Toàn bộ nhuận bút quyển sách sẽ được chuyển vào Quỹ từ thiện Loan (Loan Stiftung) do tác giả sáng lập để hỗ trợ cho trẻ em dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam.

Bộ sách “Chuyện Đông chuyện Tây” (4 tập) của tác giả An Chi. Đây là tập sách tập hợp những bài viết của An Chi trên tập san Kiến thức Ngày nay, trao đổi với bạn đọc các vấn đề chữ nghĩa tồn tại trong tiếng Việt và trong việc sử dụng từ ngữ bấy lâu nay mà tác giả An Chi dày công khảo cứu.

Tác giả Phạm Hoàng Quân với tập nghiên cứu - tiểu luận “Những mảnh sử rời”. Sách có nội dung trải rộng qua nhiều lĩnh vực, nhiều đề tài thú vị, hấp dẫn như: Nghiên cứu về dân tộc Kinh ở Quảng Tây, Từ Nam phương ca khúc đến lời ca Hồ trường, Dịch thuật sử học Việt Nam trong thế giới phẳng, Nước mắm trong những mảnh sử rời, Văn hóa biển qua thuyền cổ... Như lời tâm sự đầu sách, nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân cho rằng những bài khảo cứu trong quyển sách này “đối với tác giả, có thể coi đây là cuộc trải nghiệm rời rạc trong quá trình tự trau dồi qua sự tiếp cận ít ỏi vấn đề trong mênh mông lịch sử”.

“Người xưa đã quên ngày xưa” - sự trở lại thành công của tác giả trẻ Anh Khang. Cuốn sách thứ 7 của nhà văn Anh Khang là những tiếp nối một chút nuối tiếc, một chút cô đơn, một chút sầu mộng… Sau những nỗi buồn ấy, Anh Khang gửi gắm rằng, vẫn còn trong đó chút an yên, chút bình tâm. Bởi đến sau cùng, tuổi trẻ rồi cũng qua, ước mơ đôi lúc bất thành, tình yêu có thể không trọn vẹn; nhưng những gì hồn nhiên trong trẻo nhất của mối tình đầu đẹp đẽ ấy, sẽ luôn còn lại, lấp lánh trong tim.

Duy Lữ (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết