20/01/2011 - 10:18

Những quy định mới về mức đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội

Năm 2011, mức lương tối thiểu vùng đối với lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động; lao động Việt Nam làm việc cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện theo quy định mới. Đó là Nghị định 108/2010/NĐ-CP và Nghị định 107/2010/NĐ-CP của Chính phủ cùng ban hành ngày 29-10-2010. Theo đó, Bảo hiểm xã hội TP Cần Thơ cho biết mức đóng và phương thức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong năm 2011 như sau:

* Mức đóng BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc:

1. Mức đóng BHXH:

Hằng tháng, người lao động đóng BHXH với mức đóng bằng 6% mức tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH. Người sử dụng lao động, đóng bằng 16% trên quỹ tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của những người lao động với các mức cụ thể như sau:

- 3% vào quỹ ốm đau thai sản; trong đó người sử dụng lao động giữ lại 2% để chi trả kịp thời cho người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ và thực hiện quyết toán với cơ quan BHXH theo quy định.

- 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

- 12% vào quỹ hưu trí và tử tuất.

 Kiểm tra tật khúc xạ cho học sinh theo chế độ BHYT tại Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long.

Trường hợp mức tiền lương, tiền công tháng làm căn cứ đóng BHXH cao hơn 20 tháng lương tối thiểu chung thì mức tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH bằng 20 tháng lương tối thiểu chung.

2. Mức đóng BHYT:

Hằng tháng tiền BHYT bằng 4,5% mức tiền lương, tiền công tháng của người lao động, trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 ( 3%) và người lao động đóng 1/3 (1,5%). Đồng thời, mức tiền công, tiền lương tối đa để tính mức đóng bảo hiểm y tế là 20 lần mức lương tối thiểu.

3. Mức đóng BHTN:

Người lao động đóng bằng 1% tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN.

Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công đóng BHTN của những người lao động tham gia BHTN.

Nhà nước hỗ trợ từ ngân sách bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của những người lao động tham gia BHTN.

* Phương thức đóng BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc:

Thực hiện Điều 18 Luật BHXH và Điều 15 Luật BHYT: hằng tháng người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHXH, BHTN, BHYT cho người lao động và trích từ tiền lương, tiền công của người lao động theo quy định để nộp cùng một lúc vào quỹ BHXH, BHYT, BHTN. Do đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN vào tài khoản thu của cơ quan BHXH đầy đủ, dứt điểm hằng tháng (trước ngày cuối cùng của tháng).

* Quy định mức lương tối thiểu vùng, tỷ giá bình quân của đồng Việt Nam với đô-la Mỹ (thực hiện từ ngày 1-1-2011):

1. Mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động.

- Mức lương tối thiểu vùng để trả công đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường ở các doanh nhiệp, quy định:

+ Mức 1.200.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II (các quận của TP Cần Thơ).

+ Mức 1.050.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III (các huyện của TP Cần Thơ).

Khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện mức lương tối thiểu cao hơn mức lương tối thiểu vùng.

- Mức lương thấp nhất trả cho người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.

Ví dụ: Người lao động làm việc trên địa bàn vùng II mức lương tối thiểu là 1.284.000 đồng và vùng III mức lương tối thiểu là 1.123.500 đồng.

Căn cứ mức lương tối thiểu vùng quy định, doanh nghiệp điều chỉnh lại tiền lương trong hợp đồng lao động cho phù hợp (nếu tiền lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng cộng 7% đã qua học nghề kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề).

2. Mức lương tối thiểu vùng đối với lao động Việt Nam làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam cụ thể như sau:

+ Mức 1.350.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II (các quận của TP Cần Thơ)

+ Mức 1.170.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III (các huyện của TP Cần Thơ)

- Mức lương tối thiểu vùng đã nêu trên là mức lương thấp nhất trả cho người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.

Ví dụ: Người lao động làm việc trên địa bàn vùng II mức lương tối thiểu là 1.444.500 đồng và vùng III mức lương tối thiểu là 1.251.900 đồng.

Căn cứ mức lương tối thiểu vùng quy định, doanh nghiệp điều chỉnh lại tiền lương trong hợp đồng lao động cho phù hợp (nếu tiền lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng cộng 7% đã qua học nghề kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề).

Tỷ giá đồng đô-la Mỹ áp dụng cho 6 tháng đầu năm 2011, BHXH TP Cần thơ căn cứ trên tỷ giá giao dịch liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố vào ngày 4-1-2011 (do từ ngày 1 đến ngày 3-1-2011 là đợt nghỉ Tết dương lịch) là 18.932 đồng/USD.

Đình Khôi (ghi)

Chia sẻ bài viết