19/02/2011 - 10:39

Những phụ nữ "xốc vác"

Nhiều phụ nữ chọn nghề phụ hồ để mưu sinh.

Người ta thường nói “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, hàm ý đàn ông thường đảm đương những công việc khó khăn, nặng nhọc bên ngoài xã hội, còn phụ nữ chủ yếu là lo quán xuyến việc nhà, dạy dỗ con cái. Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội, ngày càng có nhiều phụ nữ “xốc vác” không thua đàn ông. Trong đó, có không ít phụ nữ vì mưu sinh đã chọn làm những công việc nặng nhọc, vất vả mà xưa nay thường chỉ dành cho cánh “mày râu”…

Nếu chịu khó để ý khi đến các khu vui chơi- giải trí, nhà sách, siêu thị... mọi người dễ dàng bắt gặp một số “bóng hồng” thấp thoáng trong bộ đồng phục bảo vệ, vệ sĩ... Chị T.K.T. (28 tuổi), nhà ở quận Cái Răng- nhân viên bảo vệ tại một siêu thị lớn trong thành phố, chia sẻ: “Công việc này khá vất vả, phải đứng suốt ca trực, đòi hỏi phải có sức khỏe tốt mới đảm đương nổi. Lúc đầu, tôi lo phải bỏ cuộc giữa chừng nhưng càng về sau càng thấy yêu thích và gắn bó hơn với nghề”. Theo chị K.T. tâm sự, trước đây vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên học hết phổ thông, chị phải bươn chải, làm công việc nặng nhọc, vất vả khác nhau để đỡ đần cha mẹ. Cuối cùng, chị chọn nghề bảo vệ- một phần thấy phù hợp với bản thân, một phần vì được làm chung với chồng, để có thể chia sẻ, giúp đỡ nhau trong công việc... Hiện nay, với tổng thu nhập mỗi tháng trên 3 triệu đồng, cuộc sống gia đình chị dần ổn định hơn...

Trò chuyện với một số chị cùng làm nghề này, hầu hết cho rằng đây là công việc không khó, không đòi hỏi trình độ chuyên môn cao nhưng cần nhất phải giữ thái độ hòa nhã, thân thiện phục vụ khách hàng... Theo các chị, do yêu cầu của công việc nên phải đứng suốt, có khi đến 9-10 giờ đêm, vào những dịp lễ, Tết hay cuối tuần thì công việc vất vả gấp bội, do vậy phải thật sự chịu khó và yêu nghề mới “trụ” lâu được.

Cô Trần Thị Phương Mai (ở phường An Khánh, Q. Ninh Kiều) kiếm sống bằng nghề chạy xe hon-đa ôm.

Đến các công trình xây dựng, cũng dễ dàng nhận ra có không ít phụ nữ theo nghề phụ hồ - một công việc nặng nhọc và khá nguy hiểm. Chị Nguyễn Thị Khá, ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng, tâm sự: “Tôi theo nghề phụ hồ từ thời con gái đến nay cũng hơn 10 năm. Lúc mới vô làm thấy rất mệt, chân tay đau nhức, uể oải nhưng làm riết rồi cũng quen...”. Với tiền công mỗi ngày khoảng 70 ngàn đồng, chị Khá tỏ ra rất vui vì được góp sức cùng chồng lo cho hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn... Hay như trường hợp của chị Nguyễn Thị Giang (26 tuổi), có hơn 3 năm “kinh nghiệm” làm phụ hồ. Chị Giang chia sẻ: “Ngày trước, ở dưới quê tôi chỉ biết làm ruộng, chăn nuôi. Đến khi lấy chồng về thành phố không có nghề nghiệp gì nên cùng chồng đi làm phụ hồ. Tuy vất vả nhưng cũng vui vì được gần gũi, chăm sóc chồng...”. Cũng giống chị Giang, đa số phụ nữ chọn làm phụ hồ với lý do không có nghề nghiệp, trình độ học vấn thấp. Hơn nữa, nếu chịu khó thì nghề này công việc ổn định và tiền công cũng khá.

Bên cạnh đó, còn rất nhiều công việc nặng nhọc khác mà không ít phụ nữ không ngại đảm đương. Như cái nghề “chạy hon- đa ôm” mà cô Trần Thị Phương Mai, ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều đã chọn. Dù ở tuổi trung niên nhưng cô rất “xốc vác” và nhanh nhẹn. Một ngày của cô bắt đầu từ sáng sớm đến tối mịt. Vì gia cảnh khó khăn, chồng cô lại thường xuyên đau ốm, không thể lao động nặng... nên một mình cô phải làm thuê đủ thứ việc để nuôi cả gia đình. Cô Mai tâm sự: “Lúc đầu ra bến ngồi đợi khách cũng thấy vất vả và hơi ngại, nhưng về sau được mấy anh em chỉ dẫn đường sá, thậm chí nhường rước khách, tôi thấy an tâm và gắn bó với nghề này”. Vì là phụ nữ nên khách đi xe của cô Mai là chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em... Cô chia sẻ: “Công việc nào cũng có vui buồn, sướng khổ riêng, quan trọng là mình biết sắp xếp hợp lý để dành thời gian chăm lo cho gia đình”. Với hơn 10 năm gắn bó với nghề, cô Mai có rất nhiều “mối quen”. Mỗi khi trong xóm ai có việc cần, bất kể lúc nào gọi là cô cũng có mặt. Cô kể: “Lần nọ đang đêm khuya, hàng xóm kêu cửa nhờ chở người thân đi bệnh viện. Không nghĩ ngợi, tôi vội lên xe đi ngay. Nhờ vậy mà người ấy được cứu sống...”. Do tuổi cũng đã cao nên cô Mai ít khi ra bến chờ khách mà chỉ chở khách “theo yêu cầu” và nhận chở thêm hàng hóa, nước lọc, gas cho các “mối”. Cùng hoàn cảnh với cô Mai, có trường hợp của cô Nguyễn Kim Định (55 tuổi), nhà ở phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, làm nghề bơm, vá, sửa xe cho khách suốt hơn 25 năm qua. Cô Định tâm sự: “Bình thường thì hai vợ chồng chia “ca” ra làm, chồng tôi làm ban ngày, tôi tranh thủ làm buổi tối để kiếm thêm thu nhập. Mấy năm nay, ổng bệnh suốt nên một mình tôi làm từ 6 giờ sáng tới khoảng 10 giờ tối...”. Nhìn cô Định với đôi tay chai sần, cố sức tháo, cạy vỏ xe để thay lắp cho khách, tôi càng khâm phục nghị lực và đức hy sinh của những người phụ nữ bình dị như cô.

Nhờ có những phụ nữ chấp nhận bao thiệt thòi, lao động cật lực để mưu sinh mà có thêm bao gia đình được no đủ, bao trẻ em được học hành đến nơi, đến chốn.

Bài, ảnh: TRÂM ANH

Chia sẻ bài viết