14/04/2008 - 09:06

Những nữ bác sĩ trẻ tận tâm

Trong điều kiện bệnh viện mới tái lập, còn nhiều khó khăn, chính sự nhiệt tình, tận tâm với công việc của đội ngũ y, bác sĩ đã góp phần đưa hoạt động của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) TP Cần Thơ nhanh chóng ổn định, từng bước phát huy hiệu quả. Bác sĩ Lý Mỹ Thanh, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc và bác sĩ Huỳnh Thanh Trúc, khoa Nội - Tổng hợp là hai gương mặt trẻ điển hình trong những bác sĩ tiêu biểu đó...

Bác sĩ Thanh đến phòng bệnh thăm hỏi, động viên bệnh nhân.

1. Vừa tham gia trực tại khoa vừa phụ trách phòng dịch vụ chạy thận nhân tạo nên bác sĩ Lý Mỹ Thanh, công tác ở Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, lúc nào cũng tất bật với công việc. Tại phòng dịch vụ có 3 bác sĩ, nhưng do bác sĩ trưởng khoa đi học, một bác sĩ khác đang mang thai, nên bác sĩ Thanh đảm đương nhiều việc.

“Tôi công tác chưa lâu, mọi việc đều còn phải học hỏi nhiều lắm!” – bác sĩ Thanh cứ nhắc đi nhắc lại câu nói ấy khi kể về công việc của mình. Chịu khó học hỏi, vươn lên cũng là tính cách Lý Mỹ Thanh từ những năm học phổ thông. Với thành tích 12 năm liền là học sinh giỏi, tốt nghiệp THPT với điểm trung bình trên 9 điểm, Thanh được tuyển thẳng vào Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. 6 năm đại học, Thanh vừa học, vừa làm để tự trang trải chi phí học tập, sinh hoạt. Ra trường tháng 10-2006, bác sĩ Thanh có hơn 1 năm tham gia công tác ở khâu chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và học hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh). Có lẽ tính chịu thương chịu khó đã giúp bác sĩ Thanh nhanh chóng thích nghi với công việc vất vả, nhiều áp lực như hiện nay.

Bác sĩ Hà Tấn Đức, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, nhận xét: “Bác sĩ Thanh rất chịu khó học hỏi. Công việc của bộ phận Thanh phụ trách khá nặng, nhất là việc điều hành các máy thở. Do thiếu người, nhiều đợt bác sĩ Thanh phải trực suốt 3 đêm”. Yêu cầu công việc như vậy nên thời gian Thanh ở bệnh viện còn nhiều hơn ở nhà trọ. Bác sĩ Thanh tâm sự: “Tôi rất thích làm ở khoa Hồi sức tích cực và Chống độc vì đây là nơi trực tiếp cứu người. Chúng tôi vừa cứu sống một thanh niên ở huyện Cờ Đỏ bị ngộ độc thuốc trừ sâu mà khi chuyển đến bệnh viện, bệnh nhân đã bị ngưng tim, hôn mê sâu...”. Còn nhiều bệnh nhân từng được chữa trị tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc thì hay nhắc đến một bác sĩ Thanh nhỏ nhắn, có giọng nói nhẹ nhàng, luôn tận tình với mọi người. Anh Nguyễn Văn Tín, ở huyện Cờ Đỏ, đang nuôi người nhà ở khoa Hồi sức tích cực và Chống độc nói: “Bác sĩ Thanh rất chu đáo, hướng dẫn từng ly từng tí để người nuôi bệnh biết cách chăm sóc bệnh nhân”.

***

2. Bác sĩ ơi. Con tui nó ngủ li bì từ nãy đến giờ, hổng biết có sao không?

Bác sĩ Huỳnh Thanh Trúc đang khám bệnh cho bệnh nhân.

Nghe người phụ nữ lo lắng hỏi, bác sĩ Huỳnh Thanh Trúc tận tình, giải thích: “Không sao đâu bác, chị ấy đã qua khỏi nguy hiểm, bác cứ để chị ấy ngủ, khi nào thức dậy bác cho người bệnh uống tí sữa nóng...”.

Vừa trả lời xong cho thân nhân người bệnh này, bác sĩ Trúc lại quay sang giải thích cho thân nhân người bệnh khác bởi cứ cách 5- 7 phút là có người đến hỏi thăm bệnh tình người nhà, cách ăn uống, ngày xuất viện,... Chốc chốc, bác sĩ Trúc lại hối hả xuống phòng bệnh để thăm khám cho những trường hợp bệnh nặng. Nói về công việc của mình, bác sĩ Trúc tươi cười bảo: “Đây là công việc thường ngày, các anh chị trong khoa cũng đều làm vậy cả mà!”.

Về công tác tại BVĐK TP Cần Thơ từ tháng 2-2006, bác sĩ Trúc được đưa đi học khoảng 1 năm về chuyên khoa Nội - Tiêu hóa ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Là một trong số bác sĩ trẻ của khoa Nội- Tổng hợp nên mỗi khi lượng bệnh nhân ở Khoa Cấp cứu tăng đột biến, bác sĩ Trúc lại xung phong nhận trách nhiệm hỗ trợ cho nơi này. Hiện nay, lượng bệnh nhân điều trị nội trú tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2007, trong khi Khoa Nội- Tổng hợp chỉ có 9 bác sĩ nhưng 4 bác sĩ đang đi học, các bác sĩ còn lại phải đảm đương rất nhiều công việc. Chị Nguyễn Thị Ngọc Thắm, Điều dưỡng trưởng khoa Nội - Tổng hợp, nhận xét: “Người ít, công việc nhiều nên khó tránh khỏi áp lực. Tuy là bác sĩ trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng bác sĩ Trúc rất chịu khó học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nhiệt tình trong công việc. Giao công việc cho bác sĩ Trúc thì cứ yên tâm. Có khi bệnh nhân đã qua khỏi nguy hiểm nhưng bác sĩ Trúc vẫn cố gắng theo dõi cho đến khi bệnh nhân khỏe hẳn mới chịu về nghỉ ngơi...”.

“Phải đau cái đau của người bệnh thì người thầy thuốc mới thấy được trách nhiệm của mình và cố gắng giành lấy sự sống cho bệnh nhân”- bác sĩ Trúc tâm sự. Từng chứng kiến cha mình bị bệnh tật hành hạ, đau đớn, bác sĩ Trúc luôn tâm niệm phải luôn làm hết sức mình để mang lại sự sống, sức khoẻ cho bệnh nhân. Mỗi khi chứng kiến người nhà của bệnh nhân đau đớn, vật vã khi mất người thân, bác sĩ Trúc không sao cầm lòng được và chị tự dặn mình phải cố gắng nhiều hơn nữa.

***

Bác sĩ Thanh và bác sĩ Trúc đều có điểm chung: hết lòng phục vụ bệnh nhân, tận tâm, tận lực với nghề. Cả hai luôn mong muốn được học cao hơn nữa, có thể tiếp cận những phương tiện chữa bệnh hiện đại, nâng cao tay nghề để phục vụ bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Hiếu Trung, Giám đốc BVĐK TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Chúng tôi đang nỗ lực xây dựng và phát triển đội ngũ y, bác sĩ đủ về số lượng, vững về chất lượng, đặc biệt là nhân rộng những tấm gương bác sĩ tiêu biểu, tận tụy với bệnh nhân. Chính từ những cá nhân như thế, hiệu quả điều trị bệnh, uy tín của bệnh viện ngày càng được nâng cao và quan trọng hơn cả là người dân tin tưởng hơn vào y đức của người thầy thuốc”.

GIANG – NGỌC

Chia sẻ bài viết