18/11/2017 - 14:07

Những nông dân năng động hội nhập 

Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, nông dân TP Cần Thơ đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Nhờ đó, nhiều nông hộ trên địa bàn thành phố xây dựng được mô hình sản xuất hiệu quả, có “thương hiệu”, với thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm. Những nông dân mà chúng tôi giới thiệu là những gương mặt tiêu biểu trong số đó.

Khẳng định thương hiệu “Mít không hạt Ba Láng”

Nhắc đến mít không hạt, nhiều người nghĩ ngay đến ông Trần Minh Mẫn, khu vực 2, phường Ba Láng, quận Cái Răng. Cũng nhờ giống mít không hạt, ông Mẫn đã “rinh” nhiều giải thưởng trong các cuộc thi trái ngon trong cả nước. Đồng thời, được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam  tặng danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương giai đoạn 2012-2016” và danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc sau 30 năm đổi mới”.

Ông Trần Minh Mẫn bên cây mít không hạt. Ảnh: THANH THƯ

Ông Mẫn kể, năm 2007, trong một lần dự hội thảo tại Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam, ông ghé thăm một người bạn ở Tiền Giang. Người bạn giới thiệu một giống mít có nguồn gốc từ Myanmar và tặng ông 1 trái về làm quà. Ban đầu ông nghĩ mang mít về nhà chẳng khác nào “chở củi về rừng”, nhưng vì không muốn phụ tấm lòng của bạn nên ông nhận mít mang về. Ông không ngờ quả mít đó lại làm thay đổi cuộc sống của gia đình ông. Sau 5 ngày, mít chín, xẻ ra hoàn toàn không có mủ, không hạt, múi và xơ có màu vàng. Mít có vị ngọt thanh, có thể ăn cả xơ...

Nhận thấy đây là giống mít lạ, ông Mẫn thuê người ghép cây đến nhà người bạn để ghép giống mít này. Ba năm sau (năm 2010), 120 cây mít bắt đầu cho trái chiếng. Vụ đầu, ông thu hoạch được khoảng 1 tấn mít, với giá bán từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Quan trọng nhất là giống mít mới được thị trường chấp nhận và cung không đủ cầu... Cũng trong năm 2010, ông Mẫn đem giống mít không hạt tham gia Hội thi trái ngon an toàn Nam bộ lần 2 và đạt 3 giải (trái lạ, hiếm, mít không hạt). Cũng từ đó, nhiều công ty, khách hàng đến tận nhà đăng ký bao tiêu sản phẩm với giá 25.000 -30.000 đồng/kg. Đến năm 2012, nhờ sự hỗ trợ của các ngành chức năng, ông Mẫn được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền với thương hiệu “Mít không hạt Ba Láng”.

Thấy được hiệu quả của giống mít quý, hiếm, ông Mẫn đi học kỹ thuật ghép mắt về bán cây giống. Bên cạnh bán mít trái, ông Mẫn còn liên kết với một trang trại trồng cây giống ở Vĩnh Long thuê hơn 1ha trồng mít để làm gốc ghép. Từ năm 2015 đến nay, mỗi năm ông Mẫn xuất bán được hơn 60.000 cây mít giống đến các tỉnh, thành miền Tây, miền Trung, miền Đông và ra tận Hà Nội, với giá bán 30.000-40.000 đồng/cây. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí đầu tư, ông Mẫn thu lời hơn 700 triệu đồng từ “Mít không hạt Ba Láng”.

Ông Mẫn cho biết: “Hiện tại, đã có nhiều trang trại cây giống nhân thành công giống mít không hạt để bán ra thị trường. Tuy nhiên, khách hàng vẫn tìm đến chỗ của tôi, vì cây giống thuần chủng, có thương hiệu. Do vậy, cơ sở sản xuất cây giống của tôi luôn trong tình trạng thiếu cây giống để cung cấp cho bà con”. Năm 2016, ông Mẫn còn xuất bán sang Campuchia 20.000 cây mít giống. Năm 2017, ông Mẫn đem mít không hạt sang giới thiệu và được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Myanmar đặt vấn đề muốn mua giống “Mít không hạt Ba Láng” về trồng, với diện tích 50ha. Do đây là đơn hàng lớn, ông Mẫn đang phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ bàn kế hoạch nhân giống, xuất bán sang nước bạn.

Tỉ phú lúa giống

Là nông dân nhạy bén, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, ông Trần Thanh Liêm (Hai Liêm) khu vực Lân Thạnh 2, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt đã ứng dụng thành công mô hình sản xuất lúa giống chất lượng cao, với thu nhập hơn 10 tỉ đồng/năm. Với những thành công trong sản xuất nông nghiệp và cống hiến cho phong trào ở địa phương, năm 2017, ông Hai Liêm được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng Ba vì đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững... 

Ông Trần Thanh Liêm vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng Ba. Ảnh: THANH THƯ

Những năm qua, nhận thấy giá lúa hàng hóa bấp bênh, cứ lặp lại điệp khúc “được mùa, mất giá”, nhiều nông dân khu vực Lân Thạnh 2 đã chủ động chuyển đổi hướng canh tác, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận. Trong đó, mô hình sản xuất lúa giống của ông Hai Liêm bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Hai Liêm cho biết: “Nhờ dự các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác lúa, tham dự các lớp IPM, kỹ năng chọn và nhân giống cộng đồng..., tôi đứng ra vận động người dân thay đổi dần tập quán sản xuất cũ, áp dụng một số chương trình canh tác trên cây lúa như “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng” để ứng dụng trồng lúa giống năng suất cao và cung ứng ra thị trường”. Nhờ đó, không chỉ gia đình ông và nhiều nông hộ được ông “dìu dắt”, giúp đỡ đều có thu nhập cao hơn.

Đặc biệt, từ năm 2000 đến nay, ông Hai Liêm mạnh dạn chuyển sang trồng lúa giống mang lại hiệu quả kinh tế cao. Công việc làm ăn thuận lợi, qua hơn 17 năm sản xuất, ông Hai Liêm tích cóp mua thêm 5ha đất, nâng tổng diện tích sản xuất lúa lên 6ha. Là người nhạy bén trong kinh doanh, năm 2012, ông Hai Liêm thành lập cơ sở sản xuất lúa giống “Hai Liêm” và liên kết với nông dân sản xuất lúa giống, với diện tích trên 50ha. Ông Hai Liêm cho biết: “Hằng năm, tôi thường đến Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long và các trại giống ở tỉnh An Giang tìm mua những giống lúa mới, lúa chất lượng cao về nhân giống, cung cấp giống cho bà con gieo trồng. Đến khi thu hoạch, tôi thu mua lại sản phẩm của bà con, với giá cao hơn giá thị trường từ 500 đồng -1.000 đồng/kg. Do đó, nông dân rất phấn khởi, hợp tác với tôi trong sản xuất, kinh doanh”.

Sau 6 năm hoạt động, đến nay, cơ sở sản xuất lúa giống “Hai Liêm” đã đầu tư trên 1,5 tỉ đồng để xây dựng kho chứa hơn 700 tấn, 2 lò sấy lúa, 2 máy tách hạt và thiết bị đóng bao để hoàn thiện quy trình sản xuất lúa giống cung cấp ra thị trường. Ông Hai Liêm cho biết: “Máy tách hạt loại bỏ được các hạt lúa giống không đạt chất lượng. Giống sau khi gieo sạ, tỷ lệ nảy mầm cao, cây lúa khỏe nên năng suất cao”. Hiện tại, cơ sở cung cấp các giống lúa chủ lực như: Jasmine, OM 4218, OM 5451... Trung bình, 1kg lúa giống xác nhận có giá từ 9.000 đến 12.500 đồng. Hằng năm, cơ sở bán ra thị trường trên 1.000 tấn lúa giống, với doanh thu trên 10 tỉ đồng/năm.

Nhiều năm qua, ông Hai Liêm giúp đỡ nhiều nông dân bằng cách bán lúa giống trả chậm không tính lãi, tận tình hỗ trợ về kỹ thuật. Cơ sở cung cấp lúa giống của ông được nhiều nông dân và khách hàng gần xa khen ngợi về chất lượng và cách phục vụ nhiệt tình, chu đáo. Anh Huỳnh Văn Tâm, một nông dân tại địa phương cho biết: “Nhờ anh Hai Liêm bán lúa giống trả chậm, giúp nông dân giảm bớt một phần khó khăn trong sản xuất. 5 năm nay tôi đều mua lúa giống trả chậm của anh Hai Liêm. Giống ở đây nẩy mầm khỏe, nhẹ phân, ít sâu bệnh... cho năng suất cao”.

THANH THƯ (lược ghi)

Ông Lê Bá Phước, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố:

Chủ động hỗ trợ nông dân hội nhập kinh tế quốc tế

 Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân thành phố tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi,... Đồng thời, tập trung vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, để sản phẩm làm ra có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Với cách làm trên, nhiều nông dân thay đổi phương pháp sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2017, thành phố có 2 nông dân được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng Ba; 2 nông dân đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc sau 30 năm đổi mới”; 2 nông dân nhận danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương giai đoạn 2012-2016; 1 nông dân đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017”.  Đây là những nông dân tiêu biểu, dám nghĩ, dám làm và chọn những mô hình kinh tế hiệu quả, phát triển theo hướng bền vững và có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Để giúp nông dân hội nhập kinh tế quốc tế, Hội Nông dân thành phố tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ nông dân đăng ký thương hiệu; vận động nông dân liên kết sản xuất để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm; đồng thời, tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất thực phẩm sạch nhằm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và có sức cạnh tranh trên trường quốc tế. 

Chia sẻ bài viết