20/06/2018 - 16:40

Những nông dân dám nghĩ, dám làm 

Nhiệm kỳ 2013-2018, các cấp Hội Nông dân thành phố đã tập trung vận động, hỗ trợ nông dân xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả. 5 năm qua, mỗi năm bình quân thành phố có trên 45.000 lượt nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Những nông dân chúng tôi gặp dưới đây là những người tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tỉ phú quýt đường

Trước đây, gia đình ông Nguyễn Hữu Truyển ở ấp Thạnh Lộc 2, xã Trung An, huyện Cờ Đỏ cải tạo 1,3ha đất ruộng thành ao nuôi cá tra. Ông Truyển cho biết, những năm đầu việc nuôi cá thuận lợi, gia đình ông có thêm một khoản thu nhập kha khá. Nhưng do biến động của thị trường, thời gian sau đó việc nuôi cá tra của ông không hiệu quả, thậm chí thua lỗ, buộc ông phải tìm hướng làm ăn mới. Năm 2014, ông tìm đến Lấp Vò, Lai Vung (Đồng Tháp) để học tập, tìm mô hình sản xuất. Ông nhận thấy cây quýt đường phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của địa phương nên quyết định lấp ao, lên liếp toàn bộ diện tích đất nhà để trồng quýt đường.

Chú Truyển chăm sóc vườn quýt đường của gia đình. Ảnh: Quốc Trưởng

Thời gian đầu, thấy ông Truyển lấp ao, trồng quýt, không ít người “lời ra tiếng vào” vì chưa thấy mô hình này triển khai hiệu quả ở địa phương. Để bảo đảm mô hình thành công, bên cạnh dốc toàn bộ vốn liếng để chuyển đổi mô hình, ông “khăn gói” đến gặp các nông dân có nhiều năm trồng quýt đường ở Đồng Tháp để học tập kinh nghiệm, áp dụng vào mô hình sản xuất của mình. Ông Truyển cũng đầu tư hệ thống tưới tự động để nhẹ công tưới cây, tiết kiệm chi phí sản xuất...

Mấy năm đầu, ông Truyển dành hết thời gian, công sức, tiền bạc đầu tư cho vườn quýt. Đến khi vườn quýt cho trái chiếng, thu hoạch xong mà cây vẫn xanh tốt, ông mới dám tin rằng mình đã thành công. Năm 2017, ông bán được trên 80 tấn quýt đường, thu được hơn 1 tỉ đồng. Vười quýt của ông bắt đầu có lãi. Để thu lợi nhuận cao hơn, ông Truyển bắt đầu nghiên cứu, thử nghiệm và chia vườn quýt ra từng khu vực để xử lý cho trái ngịch mùa và không đồng loạt trên cùng diện tích sản xuất. Nhờ đó, cứ khoảng 45-60 ngày gia đình ông lại có 1 lần thu hoạch, xuất bán quýt.

Ông Truyển tự tin nói: “Có hệ thống tưới tự động nên tôi chủ động cắt nước khu vực mình muốn, rồi phun thuốc tạo mầm hoa, bón phân vào thời điểm phù hợp… Nhờ đó, lúc nào vườn quýt của tôi cũng có tráí bán, thương lái đến thu mua với giá cao. Cây quýt đường phù hợp với vùng đất Cờ Đỏ, đang phát huy hiệu quả kinh tế cao. Do vậy, cách đây 1 năm, tôi và mấy anh em trong gia đình quyết định hùn nhau thuê 10 ha đất ở xã Thới Hưng để mở rộng quy mô của mô hình sản xuất hiệu quả này”.

 Thấy mô hình sản xuất của ông Truyển thành công, có triển vọng phát triển, nhiều hộ xung quanh đã học tập và chuyển sang trồng quýt đường. Với tinh thần tương thân, tương ái, ông Truyển nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật trồng quýt đường cho nhiều hộ. Anh Hồ Văn Hùng, Chủ tịch Hội nông dân xã Trung An nhận xét: “Chú Truyển không chỉ làm giàu cho bản thân mà sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ mọi người phát triển sản xuất”. Anh Hùng cho biết, để tập hợp, hỗ trợ bà con phát triển sản suất, Hội Nông dân xã đang phối hợp với các ngành có liên quan vận động bà con hành lập hợp tác xã sản xuất quýt đường. Dự kiến hợp tác xã có 7 thành viên ban đầu, với tổng diện tích 5,3ha...

Tăng thu nhập nhờ nuôi rắn ri voi

Ông Nguyễn Văn Hoàng, nông dân khu vực Thới Ngươn B, phường Phước Thới, quận Ô Môn đã chọn mô hình nuôi rắn ri voi sinh sản trong thùng gỗ lót cao su để phát triển kinh tế gia đình. Sau 2 năm, mô hình rắn ri voi của ông Hoàng mang lại hiệu quả cao, có giá trị trên 100 triệu đồng.

 Năm 2016, ông Nguyễn Văn Hoàng tham quan mô hình nuôi rắn ri voi sinh sản trong thùng gỗ lót cao su ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long và nhận thấy đây là mô hình hiệu quả, vì không cần diện tích đất lớn, ít công chăm sóc, thu nhập cao. Qua tìm hiểu thông tin và học hỏi kinh nghiệm, ông quyết định mua 50 con rắn ri voi giống với giá 10 triệu đồng về nuôi thử. Tận dụng 20m2 đất nhà sau, ông Hoàng thiết kế 10 thùng gỗ được lót cao su phía trong để nuôi rắn. Ông Hoàng chia sẻ: “Nuôi rắn ri voi trong thùng rất hiệu quả vì chi phí đầu tư thấp.  Người nuôi kiểm soát được sự phát triển của đàn rắn nuôi. Hơn nữa, rắn ri voi là loài dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc, kháng bệnh tốt. Nguồn thức ăn chủ yếu là cá trê nuôi hay các loại cá tạp. Nếu chăm sóc rắn tốt, đúng kỹ thuật, đảm bảo nguồn thức ăn, sau 1 năm, rắn có thể đạt trọng lượng từ 1-1,5kg/con”. Thấy mô hình hiệu quả, đầu năm 2017, ông Hoàng mua thêm 50 con rắn giống về nuôi tiếp tục để phát triển mô hình nuôi rắn ri voi sinh sản.

Lãnh đạo Hội Nông dân phường Phước Thới tham quan mô hình nuôi rắn của ông Nguyễn Văn Hoàng (bìa phải).  Ảnh: Thanh Thư

Đến năm 2018, 50 con rắn ri voi giống ban đầu đã sinh sản. Trung bình, 1 con rắn cái có thể đẻ từ 8-20 con rắn con/năm. Rắn con sau khi nuôi được 1 tháng là xuất bán với giá 80.000 - 120.000 đồng/con. Hiện tại, ông Hoàng nuôi trong 10 thùng gỗ lót cao su, với số lượng khoảng 200 con rắn ri voi. Trong đó, có 50 con trong giai đoạn sinh sản và 50 con rắn trưởng thành đang chuẩn bị phối giống và trên 100 con rắn nuôi thịt, tổng giá trị trên 100 triệu đồng.

Theo ông Hoàng, rắn bố mẹ phải có trọng lượng từ 1 -1,5 kg trở lên mới cho sinh sản. Từ tháng 5-6 âm lịch cho rắn giao phối, thả nuôi tỷ lệ 50% rắn đực, 50% rắn cái để giao phối với nhau. Để nuôi rắn ri voi có hiệu quả, người nuôi phải tự tách đàn, phân cỡ, nhất là tập cho rắn ăn quen dần với các loại cá từ nhỏ đến lớn. Quan trọng là phải quan sát, theo dõi thường xuyên, phòng khi rắn bệnh mà có cách xử lý kịp thời. Hiện tại, rắn ri voi là nguồn thực phẩm được thị trường ưu chuộng, vì thịt thơm ngon, có giá trị dinh dưỡng cao nên nhu cầu nuôi và bán rắn thịt khá cao. Hiện tại, rắn ri voi sinh sản có giá 3 triệu đồng/cặp. Còn rắn bán thịt từ 600.000 đến 800.000 đồng/kg...

Ông Trần Văn Dân, Chủ tịch Hội Nông dân phường Phước Thới, cho biết: “Mô hình nuôi rắn ri voi của anh Hoàng đã mang lại hiệu quả cao, mở ra hướng đi mới, phù hợp với điều kiện của nhiều hộ ít đất sản xuất. Tới đây, Hội Nông dân phường sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này ở địa phương nhằm giúp người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, Hội Nông dân phường phối hợp với các ngành hỗ trợ kỹ thuật cho những hội viên có nhu cầu nuôi rắn ri voi, giúp các hộ an tâm phát triển mô hình...”.

Thụy Khuê -Thanh Thư

Chia sẻ bài viết