20/12/2017 - 15:47

Những nguyên nhân khiến vết thương lâu lành 

Tất cả mọi vết thương trên cơ thể chúng ta đều cần một khoảng thời gian nhất định để chữa lành. Song nếu đã vài tuần trôi qua mà vùng da bị thương (đứt hoặc trầy xước) vẫn không lành lại thì bạn nên chú ý những nguyên nhân sau đây để có hướng xử lý phù hợp:

Nhiễm trùng

Da là tuyến phòng vệ đầu tiên của cơ thể chống lại vi khuẩn. Nên một khi da rách hoặc trầy xước, vi khuẩn bên ngoài có thể xâm nhập vào cơ thể. Nếu vết thương bị nhiễm trùng, bạn có thể nhìn thấy khu vực xung quanh bị sưng, đỏ và đau dai dẳng, đồng thời tiết ra chất dịch có mùi hôi.

Ảnh: iStock

Dinh dưỡng kém

Chế độ ăn thiếu trái cây và rau củ cũng khiến vết thương lâu lành. Lý do là các loại vitamin sẵn có trong rau quả, đặc biệt là vitamin A và C, giúp cơ thể đẩy nhanh tốc độ chữa lành vết thương. Do vậy, để đảm bảo cơ thể hấp thu đủ nhóm vitamin nói trên, hãy tăng cường tiêu thụ cam, cải bó xôi, khoai lang và ớt chuông. Bạn cũng cần dung nạp nhiều prôtêin từ thịt nạc để đẩy nhanh tốc độ chữa lành vết thương.

Tiểu đường

Bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ cao bị nhiễm trùng và chậm lành vết thương do lượng đường trong máu cao ảnh hưởng tiêu cực đến hệ tuần hoàn và hệ miễn dịch cơ thể. Tình trạng này cũng dễ tổn thương các dây thần kinh báo hiệu cảm giác đau đớn - một nguyên nhân khiến người bệnh dễ bị thương hoặc bị thương nặng hơn mà không hay biết.

Nếu thấy các vết thương lâu lành, mọi người nên rà soát dấu hiệu của bệnh tiểu đường, đặc biệt là khi những vết thương ở chân và bàn chân cứ tái đi tái lại.

Do đang uống một loại thuốc nào đó

Một số loại dược phẩm cũng có khả năng là “thủ phạm” khiến vết thương chậm lành. Chẳng hạn, các thuốc hóa trị và xạ trị chứa thành phần hóa chất mạnh ảnh hưởng đến chức năng của hệ miễn dịch, khiến quá trình chữa lành vết thương trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó, thuốc kháng sinh giết chết vi khuẩn “tốt” và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tại vết thương, còn thuốc chống viêm thì có thể ức chế giai đoạn viêm mà cơ thể phải trải qua trong quá trình chữa lành vết thương. Vì vậy, hãy thảo luận với bác sĩ về những mối lo này nếu nghi ngờ loại thuốc mà bạn đang uống để điều trị bệnh khác khiến vết thương lâu lành.

Tuần hoàn máu kém

Khi cơ thể đang chữa lành vết thương, các tế bào hồng cầu có nhiệm vụ mang các tế bào mới tới khu vực bị tổn thương để tái tạo da mới bằng các bó sợi collagen. Nhưng nếu hoạt động lưu thông không tốt, máu sẽ đi đến chỗ vết thương chậm hơn làm trì hoãn quá trình chữa lành. Một số nguyên nhân gây tuần hoàn máu kém bao gồm bệnh tiểu đường, béo phì, huyết khối, tích tụ mỡ trong động mạch hoặc một số chứng bệnh tiềm ẩn khác.

Loét do nằm lâu một chỗ

Tình trạng này xảy ra khi người bị bệnh phải nằm liệt giường hoặc nằm bất động trong thời gian dài. Theo đó, thể trọng của họ sẽ tạo ra sức ép đối với một số vùng cơ thể bị tì xuống giường. Sức ép này gây ra các vết lở loét có mức độ khác nhau, lâu dần có thể tạo thành vết thương hở và nhiễm trùng nếu không được chăm sóc đúng cách. Theo các chuyên gia, vết loét mức độ nhẹ sẽ nhanh chóng được chữa lành nếu người bệnh thường xuyên xoay trở để giảm áp lực cho những vùng da tì xuống giường, nhưng các vết loét mức độ vừa hoặc nặng cần được chăm sóc kỹ lưỡng bởi nhân viên y tế.

Uống bia rượu

Trong một nghiên cứu được công bố hồi năm 2014, các nhà khoa học phát hiện rằng những người có thói quen uống nhiều bia rượu dễ bị nhiễm trùng trong trường hợp nhập viện. Hơn nữa, phần lớn những ca nhiễm trùng này xảy ra ở người có vết thương do phẫu thuật. Các chuyên gia cho rằng chính thành phần cồn trong bia rượu là tác nhân làm giảm lượng bạch cầu quan trọng mà cơ thể dùng để phòng chống vi khuẩn xâm nhập, do đó vết thương cũng khó lành hơn.

Loét tĩnh mạch chân

Loét tĩnh mạch chân xảy ra khi một vết thương trên chân chậm lành, thường là ở những vùng xương như mắt cá chân. Trong nhiều trường hợp, loét tĩnh mạch chân xuất hiện do tình trạng lưu lượng máu ở chi dưới lưu thông kém, ứ đọng ở chân nên ảnh hưởng đến tốc độ chữa lành tại vết thương.

* Theo khuyến nghị của Học viện Da liễu Mỹ (AAD), đối với những vết thương không sâu, chúng ta có thể giúp nó mau lành bằng cách thực hiện các bước chăm sóc phù hợp, bao gồm:

- Nhẹ nhàng rửa sạch khu vực bị thương bằng xà bông dịu nhẹ và nước.

- Giữ ẩm vết thương để tránh hình thành lớp mài, vốn kéo dài thời gian chữa lành. Để giữ ẩm, AAD khuyên dùng sáp dầu (petroleum jelly) dạng như vaseline.

- Băng và làm sạch vết thương mỗi ngày. Miễn là vết thương luôn sạch sẽ, bạn không cần dùng thuốc mỡ kháng khuẩn.

- Tuân thủ các yêu cầu từ bác sĩ, đặc biệt là với vết thương được may miệng.

Một lưu ý quan trọng là quá trình chữa lành vết thương có thể kéo dài tối đa 3 tuần, còn nếu kéo dài lâu hơn thì bạn nên tìm chuyên gia y tế để thăm khám và chữa trị kịp thời.

AN NHIÊN (Theo Fox News)

Chia sẻ bài viết