19/02/2010 - 14:30

Những người không ăn Tết

Ghi chép: XUÂN NGUYỆT LÝ

Đêm giao thừa, khi bầu trời thành phố bừng ánh sáng pháo hoa, ai cũng hướng về thời khắc thiêng liêng của đất trời để tưởng nhớ tổ tiên và nguyện cầu hạnh phúc. Nhưng, trong các bệnh viện, trên các ngã đường, có những người không được đón Tết cùng gia đình mà phải làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự ATGT, cấp cứu bệnh nhân,... để mang lại mùa xuân ấm áp, yên lành cho mọi người.

* Sẵn sàng phục vụ bệnh nhân

Điều dưỡng Lê Thị Sang, chăm sóc cho bệnh nhi bị sanh ngạt - ảnh chụp tại khoa Hồi sức sơ sinh BV Nhi đồng vào sáng mùng 5 Tết. Ảnh: M.NGUYỆT. 

Với trọng trách là bệnh viện (BV) trung tâm ĐBSCL, công tác phục vụ cấp cứu bệnh nhân trong những ngày nghỉ Tết Canh Dần 2010 được Bệnh viện Đa khoa Trung ương (BVĐKTƯ) Cần Thơ thực hiện chặt chẽ. Có hai đơn vị được “đóng cửa” nghỉ Tết là khoa Khám bệnh và khoa Dịch vụ, đổi lại khoa Cấp cứu tổng hợp nằm ngay mặt tiền của bệnh viện, phải đảm đương công tác tiếp nhận bệnh ban đầu, tức là phải làm nhiệm vụ của khoa Khám bệnh. Ngày thường khoa có 24 giường bệnh, tiên lượng số bệnh nhân nhập viện trong dịp Tết khoảng trên dưới 100 người/ ngày, nên bệnh viện bố trí thêm 20 xe chuyển bệnh làm giường tạm. Thế nhưng số bệnh nhân nhập viện vào những ngày Tết cao gần gấp đôi so với dự kiến, nhiều nhất là vào ngày mùng Hai có đến 191 bệnh nhân nhập viện, trong đó có 72 ca tai nạn giao thông. Tua trực gồm 3 bác sĩ, 9 điều dưỡng và 1 hộ lý hoạt động thật nhịp nhàng: nhân viên điều dưỡng làm thủ tục tiếp nhận và phân loại bệnh mất không quá 5 phút/bệnh nhân. Các trường hợp bị tai nạn thương tích cần chụp X quang, siêu âm hoặc bó bột, ngày thường bệnh nhân được đưa qua các khoa khác, giờ các bác sĩ cấp cứu phục vụ tận giường nhằm kịp thời chuyển qua phòng mổ với những trường hợp bệnh nặng, với trường hợp đã ổn định sức khỏe thì cho xuất viện để điều trị ngoại trú.

Việc ăn - nghỉ của bác sĩ, điều dưỡng trong khoa Cấp cứu tổng hợp thực hiện theo hướng tại chỗ - tích cực như phong cách của bệnh viện dã chiến. Lương thực dành cho 13 người trong ca trực ngày mùng Hai là bánh mì kẹp thịt và một xô cháo thịt để ở góc bàn trong Phòng hành chánh của khoa, chiếc quạt trần thổi ào ào làm bánh mì khô queo và cháo lạnh tanh, nhưng không ai bỏ bữa. Bác sĩ, điều dưỡng nào xong việc đều tranh thủ ăn rồi vội vàng về phòng trực để ngả lưng. Bác sĩ Nguyễn Minh Vũ phụ trách khoa Cấp cứu bộc bạch: “Anh em luân phiên tranh thủ nghỉ lưng chừng mươi phút để giữ cho tinh thần tỉnh táo”. Ngày thường tua trực làm việc trong 8 giờ, nhưng những ngày Tết tua trực làm việc 24/24 giờ. Bác sĩ Tiến sĩ Đặng Quang Tâm, Giám đốc BVĐKTƯ Cần Thơ cho biết: “Kế hoạch trực cấp cứu Tết Canh Dần được bệnh viện thực hiện trước cả tháng nay, việc sắp xếp trực 24/24 giờ là cách làm dồn ca, tức sau tua trực mỗi người sẽ có 2 ngày nghỉ liên tiếp để vui Tết với gia đình. Trong đó, các ê kíp trực trong 4 ngày cao điểm (từ 30 đến mùng Ba Tết) là do anh, em tự nguyện đăng ký, hầu hết là những y, bác sĩ giỏi - trẻ - khỏe để sẵn sàng xử trí cấp cứu ngoại viện. Nhờ vậy, qua những ngày Tết, công tác cấp cứu ở BV đạt kết quả tốt, không có tình trạng bệnh nhân phiền hà hay xảy ra sự cố gì do chậm trễ trong xử lý,...”.

* Tấm lòng người thầy thuốc

Ở BV Nhi đồng TP Cần Thơ, lượng bệnh nhi đến khám ngoại trú và cần nhập viện cấp cứu vẫn giảm không nhiều so với ngày thường, cụ thể: Ngày 30 Tết bệnh viện vẫn còn 190 bệnh nhi điều trị nội trú, đồng thời tiếp nhận thêm 953 bệnh nhi khám ngoại trú và 6 bệnh nhi nhập viện cấp cứu. Ngày mùng Một Tết, có 42 bệnh nhi xuất viện nhưng BV lại phải tiếp nhận thêm 81 ca cấp cứu (trong đó có 23 trường hợp bị tai nạn giao thông); trong ngày này, Phòng khám của BV cũng đã khám cho 736 bệnh nhi.

Do phải hoạt động trong điều kiện xây dựng thêm nhiều khoa, phòng nên trong những ngày Tết, dãy hành lang của BV Nhi đồng không có chỗ bố trí các chậu hoa kiểng. Trước khoa Hồi sức sơ sinh vẫn là cảnh thân nhân trải chiếu ngồi dọc theo hành lang, nét mặt nhiều thân nhân lộ vẻ căng thẳng, lo lắng. Tiến sĩ bác sĩ Lê Hoàng Sơn, Giám đốc bệnh viện trực lãnh đạo đêm 30 Tết, nói: “Đêm nay, ở phòng chăm sóc đặc biệt có đến 36 bé, bệnh viện đã kê thêm 10 giường, phân nửa số bệnh nhi này là những ca bị ngạt - suy hô hấp do sinh non, có em đã nhập viện từ mấy tuần lễ trước”. Không khí trong phòng săn sóc đặc biệt im ắng đến độ nghe được tiếng thở, tiếng nấc nhè nhẹ của từng bệnh nhi. Mỗi bé sinh non chỉ cân nặng từ 700g đến 1,4 kg, nằm lọt thỏm trong chiếc giường nhỏ xíu, bé nào khoe khỏe có thể bú sữa thì cô điều dưỡng sẽ cho bú bằng cách bơm sữa vào ống sonde - chiếc ống nhựa nhỏ xíu được gắn thông từ mũi xuống dạ dày. Ở góc phòng, cô điều dưỡng Lê Thị Sang để đèn sưởi ấm cho một bé trai nhỏ bằng bàn tay người lớn, da đỏ hỏn, thở thoi thóp, cô Sang vui mừng nói với các cô điều dưỡng trong tua trực: “Em bé này hôm nay khá lên nhiều rồi mấy chị ơi!”. Quay sang tôi, cô Sang giải thích: “Chiều 29 Tết, bé này bị gia đình bỏ rơi ở phòng khám, may nhờ chị em hộ lý làm vệ sinh phát hiện kịp đưa vào đây, bé chỉ nặng có 700g, là tình trạng sanh cực non”. Ba chiếc giường liền kề có ba bé trai quê ở tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang đều bị gia đình đưa đến đây rồi bỏ đi, không quay lại nên các điều dưỡng của khoa Hồi sức sơ sinh hùn nhau được 400.000 đồng để mua tã lót, khăn quấn giữ ấm và xin sữa của bệnh viện cho các bé bú. Nhìn các bé ngủ say, điều dưỡng Trần Kim Tuyến và Nguyễn Thị Vũ nói với nhau: “Nhìn mấy đứa trẻ bị bỏ rơi vào dịp Tết này, thấy thương quá. Tuy gia đình chúng tôi không khá giả gì nhưng hễ thấy bệnh nhi nào khó khăn vẫn luôn giúp đỡ,...”.

Mùng 4 Tết, trước cửa khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, nhiều thân nhân người bệnh đi tới đi lui, vẻ mặt đầy lo lắng. Trong khoa Cấp cứu, hầu hết giường bệnh đều có người nằm. Các y bác sĩ chạy từ giường bệnh này sang giường bệnh khác thăm khám cho bệnh nhân. Vừa tranh thủ xem bệnh án, bác sĩ Trịnh Thanh Tâm vừa nói: “Dịp Tết, mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 120-130 bệnh nhân, đó là chưa kể đến lượng bệnh nhân khám ngoại trú mỗi ngày vài chục người. Áp lực bệnh nhân đông nên tất cả nhân viên trong khoa phải tăng cường làm việc. Vào ca trực, hầu như suốt 24 giờ không ai chợp mắt. Khổ nhất là lượng bệnh thường vắng vào buổi sáng nhưng sau 15 giờ, khi các quý ông đã nhậu say, bị tai nạn lại tất bật kéo nhau vào bệnh viện, khiến chúng tôi làm việc không ngơi tay”. Nhìn trên bàn làm việc chung của Khoa Cấp cứu có hộp đựng ít bánh, mứt, bác sĩ Tâm mở nắp mời tôi ăn rồi tâm tình: “Bánh, mứt để đó cho có không khí Tết, chứ chúng tôi chẳng mấy khi có người ăn vì làm gì có thời gian mà ăn”. Thời gian Tết phần lớn dành cho bệnh nhân nên trước Tết, nhân viên trong khoa tranh thủ bất kỳ thời gian nào rảnh để đi thăm hai bên nội ngoại, còn thời gian thăm hỏi bạn bè hầu như không có. Bác sĩ Lê Thành Mươu, trực lãnh đạo tại bệnh viện cho biết: “Ngày Tết, tai nạn giao thông, ẩu đả, ngộ độc nhập viện đông nên anh em ở khoa Cấp cứu làm việc hết sức vất vả, vì công việc tăng gấp 2,3 lần nhưng người phục vụ không tăng”. Hộ sinh trung học Thanh Hồng, ở khoa Sản BV Đa khoa TP tâm tình: “Dịp Tết tuy cực, không được ăn Tết cùng gia đình cũng buồn lắm nhưng khi đỡ sanh mẹ tròn con vuông, nhìn thấy sản phụ và gia đình vui mừng, tôi cũng vui lây với niềm vui của họ”.

* Giữ an toàn trên các ngã đường

Những ngày Tết Nguyên đán 2010, nhu cầu đi lại, vui chơi của người dân gia tăng đột biến; lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đường thủy lẫn đường bộ đều tăng cao, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) ở TP Cần Thơ diễn ra hết sức phức tạp. Nhất là, các tuyến đường: Cách Mạng Tháng Tám, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, khu vực tổ chức lễ hội, các điểm vui chơi, giải trí và các cầu đang thi công như cầu Đầu Sấu, cầu Cái Răng và bến phà Hậu Giang... Công tác tuần tra, kiểm soát, lập lại trật tự đô thị, trật tự ATGT luôn được ngành chức năng đặc biệt chú trọng.

Lực lượng CSGT Công an TP Cần Thơ trực chiến giữ gìn trật tự an toàn giao thông trước vòng xoay UBND thành phố trong đêm giao thừa. Ảnh: X.ĐÀO. 

Trong đêm giao thừa, Công an TP Cần Thơ đã huy động lực lượng CSGT, Cảnh sát trật tự, Thanh tra giao thông... sử dụng nhiều phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đảm bảo trật tự ATGT phục vụ nhân dân vui chơi Tết. Từ 18 giờ, tại các khu vực: Vòng xoay bến xe mới đến Cách Mạng Tháng Tám, cầu Nhị Kiều; đường Hòa Bình, Nguyễn Trãi, Trần Văn Khéo, Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Trần Phú... đã đông nghẹt dòng người và phương tiện chen chúc nhau vào xem hoạt động lễ hội giao thừa và có mặt tại các điểm vui chơi giải trí. Mới 21 giờ ngày 30 Tết, lực lượng chức năng đã phân luồng, tách dòng phương tiện cho chạy một chiều, giải tỏa các điểm đông người để tránh ùn tắc giao thông xảy ra. Đến 23 giờ cùng ngày, tại điểm vòng xoay UBND TP Cần Thơ người và phương tiện ô tô đã tập trung chật kín chờ xem bắn pháo hoa, lực lượng CSGT, Cảnh sát trật tự và Thanh tra giao thông phải trực tiếp sắp xếp, hướng dẫn người điều khiển mô tô đậu trật tự, không để xảy ra tình trạng chen lấn gây mất trật tự... Một chiến sĩ CSGT Công an TP Cần Thơ kể: “Tôi vào ngành được 11 năm thì có đến 5-6 năm cùng với đồng nghiệp đón giao thừa trên đường làm nhiệm vụ tuần tra hoặc bảo vệ điểm bắn pháo hoa...”.

Sau chương trình bắn pháo hoa, lực lượng CSGT chia 3 tổ tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, gồm: Quốc lộ 1A, quốc lộ 91 và các trục đường ở quận Ninh Kiều đến 2-3 giờ sáng. Trung sĩ Phan Minh Hưng, bộc bạch: “Lần đầu tiên tôi tham gia trực Tết cùng đồng nghiệp, giữ gìn trật tự ATGT cho người dân xem bắn pháo hoa tại khu vực Vòng xoay UBND TP Cần Thơ. Sau khi giải tỏa dòng người và phương tiện tập trung rất đông ở các đường: Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Trần Văn Khéo... Đến hơn 2 giờ sáng, chúng tôi mới về đến nhà tập thể và sau khi tắm rửa xong thì mấy anh em cùng trò chuyện, uống trà, ăn bánh mứt...”.

Thời gian nghỉ Tết năm nay tương đối dài, hơn nữa Mùng 1 Tết lại trùng với ngày lễ tình nhân nên lượng xe lưu thông tăng gấp 3-4 lần so với ngày thường. Theo Đại tá Trần Thị Ngọc Đẹp, Phó Giám đốc Công an TP Cần Thơ, tình hình trật tự ATGT ở TP Cần Thơ dịp Tết này diễn biến hết sức phức tạp do phương tiện gia tăng đột biến, nhất là các tuyến, đoạn đường trọng điểm, phức tạp, như: Tuyến quốc lộ 1A (từ cầu Nhị Kiều đến Ngã ba Đầu Sấu); tuyến đường Nguyễn Văn Cừ; bến phà Hậu Giang; điểm vui chơi giải trí... Nhưng nhờ phân công lực lượng trực 100% (từ ngày 27 đến Mùng 10 Tết Canh Dần 2010), tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phân luồng, điều tiết giao thông nên trong ngoại trừ sau thời điểm giao thừa, do lượng xe tập trung đông sau khi rời các khu vực lễ hội, bắn pháo hoa nên có ùn tắc giao thông trên một số tuyến, còn những thời điểm khác thì phương tiện lưu thông dễ dàng.

Ban Giám đốc Cụm phà Hậu Giang cho biết: “Tết Canh Dần 2010, phương tiện và hành khách qua phà tăng 25-30%, đặc biệt là lượng mô tô tăng khoảng 80%, so với ngày thường, Ban Giám đốc cụm phà đã tăng cường 14 chiếc (8 chiếc có tải trọng 200 tấn và 6 chiếc 100 tấn), tăng 2 chiếc so với ngày thường và hoạt động liên tục 24/24 giờ; đồng thời, tăng cường công tác phối hợp với lực lượng CSGT phân luồng xe, điều tiết hợp lý các chuyến phà qua lại. Đặc biệt, hai tuyến vượt sông khu vực thượng lưu và hạ lưu phía bờ Cần Thơ đều được bố trí lực lượng trực chiến phục vụ tích cực, nhưng do ưu tiên giải quyết lượng mô tô nên trong ngày Mùng 4 Tết, tại bến Cần Thơ và Cái Vồn (Vĩnh Long) có hàng trăm lượt mô tô và ô tô khách tập trung rất đông xếp hàng chờ qua phà, kéo dài ở mỗi đầu bến từ 5-7 cây số.

Từ ngày 27 tháng Chạp đến Mùng 4 Tết, trên địa bàn TP Cần Thơ xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm chết 2 người, bị thương 1 người, so với năm 2009 TNGT giảm 2 vụ, số người chết giảm 2 người... không có TNGT đường thủy. Nhờ lực lượng chức năng tăng cường trực nhật, tuần tra kiểm soát đảm bảo trật tự đô thị, trật tự ATGT... góp phần, nâng cao được ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ lẫn đường thủy nên TNGT đã được kiềm chế, giúp người dân vui xuân, đón Tết an toàn.

Có lẽ hơn cả niềm vui đón Tết, chính là tấm lòng của những hướng về sự an lành của mọi người trong dịp Tết, thầm lặng làm nhiệm vụ của mình để mang lại cho mọi người một cái Tết vui tươi, trọn vẹn.

Chia sẻ bài viết