14/11/2017 - 11:28

Những người con hiếu thảo
Bài cuối: Trọn đạo làm con 

Đối với anh Trương Văn Non (phường Ba Láng, quận Cái Răng) và anh Đỗ Hoàng Khải (xã Trường Thành, huyện Thới Lai), đời người có nhiều việc quan trọng phải làm nhưng trước hết phải làm tròn bổn phận của người con đối với cha mẹ. Bởi không hạnh phúc nào bằng khi còn có cha mẹ trên đời. Câu chuyện của những chàng trai hiếu nghĩa ấy khiến bao người xúc động...

Hạnh phúc khi thấy mẹ cười mỗi ngày...

11 giờ, căn nhà nhỏ của anh Trương Văn Non ở khu vực 3, phường Ba Láng, quận Cái Răng, có đầy đủ các thành viên. Gia đình 3 người: cha anh năm nay 91 tuổi;  mẹ anh đã ngoài 70 tuổi và anh cũng đã 41 tuổi. Bà Nguyễn Thị Khôn (mẹ anh Non) cho biết: “Tôi có 6 đứa con, Non là con trai út, tính nết hiền lành, chịu khó và có hiếu lắm!”. Các anh chị đều đã lập gia đình ra ở riêng, hầu hết đi làm thuê, chạy ăn từng bữa. Vì vậy, việc phụng dưỡng cha mẹ già do anh Non lo liệu. Gia đình không ruộng đất canh tác, thuộc diện hộ nghèo, tài sản quý nhất là căn nhà tình thương (khoảng 50m2) do Nhà nước cất tặng. Gia cảnh nghèo khó nên anh Non học chưa hết tiểu học. Anh theo cha đi làm thuê kiếm sống, từ làm cỏ, chăn vịt đến bán bánh dạo… Khi cha mẹ già yếu, anh chuyển sang làm thợ hồ, thu nhập khoảng 170.000 đồng/ngày.  Tiền làm ra, một ít chi tiêu cho sinh hoạt gia đình, còn lại anh ưu tiên mua thuốc men cho cha mẹ.

Tấm lòng hiếu thảo của anh Trương Văn Non đối với đấng sinh thành được nhiều người khen ngợi. Ảnh: Q. THÁI

Hơn 3 năm trước, mẹ anh Non bị tai biến, tay và chân trái bị liệt, anh vay mượn tiền và cật lực làm việc để chạy chữa cho mẹ. Mỗi ngày, 5 giờ sáng  anh Non thức dậy dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm để sẵn, sau đó tắm rửa, vệ sinh cho mẹ sạch sẽ. Trước khi đi làm, anh chạy ra chợ mua cháo hoặc tô bún cho mẹ ăn sáng. Có hôm đang làm, bệnh mẹ trở nặng, hay nghe báo tin ba anh mệt, khó thở (ông bị viêm phổi), anh bỏ dở công việc, chạy về nhà đưa ba, mẹ đi bệnh viện. Biết gia đình anh neo người, quản lý thông cảm nhưng dần dà cũng ít người thuê anh làm. Anh kể, hàng xóm láng giềng thương tình, có việc gì cần thuê người làm cũng ưu tiên gọi anh, còn những chỗ làm xa anh từ chối vì sợ lúc cha mẹ cần thì mình về không kịp…

Bà Nguyễn Thị Khôn kể rằng mỗi ngày, trước khi đi làm, anh Non đều nhắc mẹ uống thuốc đúng giờ, cuối tuần anh tranh thủ đưa mẹ đi châm cứu hoặc đi lấy thuốc nam cho mẹ uống. Bà tỏ ra ái ngại khi nhắc chuyện con trai lo tắm, giặt cho mẹ, nhưng anh Non gạt ngang: “Con cái không làm thì ai làm thay mình. Chỉ mong mẹ sống khỏe, sống đời với con cháu”. Theo anh Non, trước kia, mẹ anh là trẻ mồ côi, sống thiếu vắng tình cảm cha mẹ. Cũng vì vậy, tính bà rất nhạy cảm, dễ xúc động, hay khóc. Ở nhà tù túng, anh sợ mẹ dễ suy nghĩ bi quan, tiêu cực nên anh dò hỏi xin được một chiếc xe lăn cũ. Chiều chiều anh đẩy mẹ đi xung quanh xóm thăm bà con, bạn bè, nhờ vậy tinh thần bà thoải mái, lạc quan hơn. Để mẹ có điều kiện vận động, giữ gìn sức khỏe, anh mở quầy tạp hóa nhỏ, bày bán các nhu yếu phẩm, quà bánh, vừa có đồng ra đồng vào, vừa có người lui tới, trò chuyện để mẹ khuây khỏa hơn.

Nghe chúng tôi hỏi han về chuyện hạnh phúc riêng tư của anh, mẹ anh rưng rưng nước mắt: “Anh chị nó đều lập gia đình, có con hết rồi, riêng phần nó hiền lành, siêng năng nhưng chắc vì nghèo, nặng lo cho cha mẹ già bị bệnh nên không ai dám bước tới…”. Anh Non an ủi mẹ: “Tôi chỉ mong cha mẹ khỏe. Gia đình mình khó khăn quá, lấy mình người ta sẽ khổ, tội lắm!”. Anh chỉ tay về phía chiếc xe lăn đã hỏng, để trong xó bếp và nói rằng việc trước mắt là cố gắng dành dụm tiền mua cho mẹ chiếc xe lăn mới…Với anh, không có niềm hạnh phúc nào lớn hơn khi được nhìn thấy nụ cười của mẹ mỗi ngày.   

Nhiều cách thể hiện lòng hiếu kính

Gia đình anh Đỗ Hoàng Khải (ấp Trường Thắng, xã Trường Thành, huyện Thới Lai) sống bằng nghề làm ruộng. Nhà có 9 anh em, anh là con trai út trong gia đình. Tuy cuộc sống khó khăn nhưng cha anh (nguyên là cán bộ Huyện ủy Ô Môn) quyết tâm lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Nhờ vậy, 9 người con đều tốt nghiệp THPT, trong đó có một người anh trai làm y sĩ, một chị tốt nghiệp đại học. Còn anh Khải đã học năm thứ 2 ngành Kế toán, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ thì nghỉ học để tập trung chăm sóc cha mẹ bị bệnh. Anh Khải tâm sự: “Nghỉ học cũng tiếc lắm nhưng sức khỏe cha mẹ mới là quan trọng nhất. Trước kia, cha mẹ tôi vất vả lo cho các con ăn học. Mẹ tôi sáng sớm phải bơi xuồng bán rau, bán cá kiếm thêm thu nhập. Mẹ nhịn ăn, nhịn mặc để mua quần áo mới, sách vở cho con. Tình thương cha mẹ bao la như biển trời, phụng dưỡng cha mẹ già cũng là đạo lý làm người”.

Anh Đỗ Hoàng Khải gác lại ước mơ học cao đẳng, về quê làm kinh tế, phụng dưỡng cha mẹ. Ảnh: Q. THÁI

Chị Võ Thị Kim Xuyến, vợ anh Khải, cũng rất mực hiếu thảo với cha mẹ chồng.10 năm trước, khi kết hôn với anh Khải, gia đình anh đang gặp nhiều khó khăn. Cha mẹ chồng đều đau yếu, mẹ chồng lại bị tiểu đường, thận nước, mỗi tháng, vợ chồng chị phải đưa mẹ đi khám bệnh 2 lần. Nhiều năm chăm sóc cha mẹ, chị hiểu tường tận tánh ý, thói quen của từng người. Năm nay, mẹ chồng đã 79 tuổi, sức khỏe yếu, trí nhớ kém nên hay quên trước quên sau. Vì vậy, chị rất cẩn thận, thường xuyên nhắc mẹ uống thuốc đúng giờ. Để mẹ vui, chị đặc biệt lưu ý ăn nói nhẹ nhàng, lễ phép, nấu những món nào mẹ thích, tránh những món mẹ kiêng… Năm 2011, cha anh Khải bị bệnh tim rồi qua đời, vợ chồng anh càng cố gắng lo cho mẹ chu đáo hơn.

Để có điều kiện phụng dưỡng mẹ tốt hơn, vợ chồng anh Khải càng chăm chỉ lao động để vực dậy  kinh tế gia đình. Từ chỗ chỉ có 5 công đất trồng lúa, đến nay anh phát triển lên 1 héc-ta trồng cam xoàn, trồng lúa chất lượng cao. Việc nhà ổn định, anh nhận nhiệm vụ làm công an viên. Năm 2015, anh vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Từ giữa năm 2016 đến nay, anh được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng ấp Trường Thắng, xã Trường Thành. Sinh ra trong gia đình truyền thống cách mạng nên anh tâm niệm bản thân không chỉ nỗ lực làm tốt mọi nhiệm vụ được giao mà phải sống tốt, gương mẫu, cống hiến nhiều hơn cho quê hương. Đó cũng là cách mà anh thể hiện sự hiếu kính với ông bà, cha mẹ…

*   *    *

Còn rất nhiều những câu chuyện cảm động về 25 người con hiếu thảo vừa được Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên TP Cần Thơ tuyên dương trong tháng 10-2017. Và chắc chắn, ở nhiều nơi, nhiều gia đình, còn rất nhiều tấm gương hiếu thảo mà chúng tôi chưa có dịp gặp gỡ, giới thiệu. Những việc làm của những người con hiếu thảo dành cho cha mẹ là những điều bình dị, đơn giản trong cuộc sống hằng ngày mà bất kỳ người con nào cũng có thể làm được, nếu hết lòng thương yêu cha mẹ của mình. Chúng tôi tin rằng câu chuyện sẽ còn được nối dài…, góp phần điểm tô cho cuộc sống tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn.

QUỐC THÁI - PHƯƠNG LAM

Chia sẻ bài viết