09/08/2017 - 09:30

Những mô hình “Dân vận khéo” hiệu quả 

Năm 2017, các ban, ngành, đoàn thể xã Tân Thới đăng ký thực hiện 8 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực. Qua 7 tháng triển khai, các mô hình đều đạt tiến độ, kế hoạch đề ra, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.

Mô hình CLB may áo ấm và gia công các mặt hàng quần áo giúp nhiều hội viên phụ nữ tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. 

Chúng tôi đến tham quan Câu lạc bộ (CLB) may áo ấm của Hội LHPN xã. Theo chị Trần Thị Hồng Nhung, Phó Chủ tịch UBND xã (nguyên Chủ tịch Hội LHPN xã), CLB được thành lập từ năm 2012, tại ấp Trường Trung A, với 15 thành viên. Sau đó, Hội tiếp tục nhân rộng mô hình ra địa bàn các ấp còn lại, với 35 thành viên.

Hiện nay, thu nhập trung bình của mỗi thành viên đạt từ 1,5-3 triệu đồng/tháng. Chị Nguyễn Thị Ngọc Ba, Chủ nhiệm CLB, cho biết thêm: “Hiện nay, ngoài may áo ấm, CLB còn may quần áo trẻ em, đồng phục học sinh, đồ bộ người lớn… Chúng tôi có nguồn khách hàng thường xuyên từ nhiều tỉnh, thành nên rất ổn định đầu ra”.

Chúng tôi đến đúng lúc chị Nguyễn Thị Ngọc Hà, thành viên CLB mang sản phẩm đến giao cho chị Ba. Chị Hà phấn khởi khoe, đợt này chị nhận gia công 150 sản phẩm áo trẻ em, mỗi sản phẩm được trả công 2.000 đồng.

Chị Hà bộc bạch: “Mỗi tháng, tôi nhận khoảng 5-6 đợt hàng, mỗi đợt được trả công khoảng 300-400 ngàn đồng. Tính chung, thu nhập mỗi tháng từ 1,6-2 triệu đồng”. Chị Trần Thị Cẩm Giang (ấp Trường Trung A) tham gia may gia công 2 năm nay, có thu nhập ổn định khoảng 3 triệu đồng/ tháng.

Chị Giang tâm sự: “Gia đình tôi có hoàn cảnh khó khăn, có 2 con nhỏ, không đất đai sản xuất, vợ chồng chỉ làm thuê kiếm sống. Nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của các cán bộ Hội, tôi được hướng dẫn nghề và nhận sản phẩm về gia công tại nhà, vừa có thêm thu nhập vừa chăm sóc con cái”.

Mô hình Tổ hợp tác (THT) trồng sầu riêng do Hội Nông dân xã vận động thành lập tại ấp Trường Đông A và Trường Đông B có 11 thành viên, với diện tích 10,6 ha cũng được đánh giá cao.

Theo ông Lê Minh Triết, Chủ tịch Hội Nông dân xã, tham gia mô hình, các thành viên chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc sầu riêng. THT chú trọng xây dựng mô hình theo tiêu chí “vườn sạch, trái ngon”; không sử dụng chất cấm trong trồng trọt, bảo quản trái, không vứt chai thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi,...

Các thành viên còn được hỗ trợ vay vốn từ nguồn Quỹ hỗ trợ Nông dân để đầu tư sản xuất. Anh Lê Hoàng Thông, Tổ trưởng THT, nói: “Tôi trồng 4 công sầu riêng Ri 6, bán được hơn 400 triệu đồng/năm, trừ chi phí, lãi hơn 300 triệu đồng”. 

Ông Huỳnh Văn Nhơn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Thới cho biết: “Đa số các mô hình “Dân vận khéo” đăng ký đều đạt tiến độ đề ra, mang lại hiệu quả thiết thực. Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo, tạo điều kiện để các mô hình hoàn thành và nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả cao, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân”.

Bài, ảnh: ĐỒNG TÂM

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Dân vận khéo