15/02/2018 - 16:44

Những lá thư thời chiến 

Ghi chép: ĐĂNG HUỲNH

Những lá thư thời chiến không chỉ như sợi dây nối kết tình cảm của những người đang xa cách mà còn là tư liệu tái hiện lịch sử. Vinh quang Tổ quốc, khát vọng hòa bình và những gian khổ, hy sinh thấm đẫm trên từng con chữ. Tôi xin kể về những cánh thư năm Mậu Thân 1968.

1.  Sáng cuối năm. Cô Mười Miên lau dọn bàn thờ chồng- liệt sĩ Lê Văn Chấp (Tư Chấp). Bàn thờ không có di ảnh mà chỉ có khói hương hòa quyện trong hương thơm hoa quả cúng tất niên. Cô Mười tỉ mẩn lấy mấy bức thư ố vàng ra đọc. Lấy là cho có vậy thôi chứ cô Mười vẫn đọc vanh vách mà không cần nhìn, bởi suốt 50 năm qua, cô đọc không biết bao nhiêu lần. Đọc, lại thấy rưng rưng.

Cô Mười Miên tên thật là Trần Thị Miên, năm nay đã 81 tuổi, ngụ phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn. Cô Mười lập gia đình hồi năm 1965, một lễ tuyên hôn ngay mùng 2 Tết năm ấy diễn ra tại nhà dân trong tuyến lửa Vòng Cung. 3 ngày sau, cô chú phải tạm biệt bởi ai cũng có nhiệm vụ. Mấy tháng mới gặp một lần. Năm Mậu Thân 1968, cô Mười là Huyện ủy viên huyện Vòng Cung, Bí thư xã Thới An Đông, còn chú Tư Chấp là Phó Ban Quân báo Huyện đội Ô Môn. Ngày 24-5-1968, chú Tư Chấp hy sinh khi đang đi công tác. Lúc ấy cô Mười có thai 4 tháng. Lội cả ngày đường để nhận xác chồng, rồi sau đó là quãng thời gian “đi biển mồ côi”, là những tháng ngày ngủ trên cây, ôm bụng bầu nhảy mương, đi cầu khỉ; là những lần đối mặt với cái chết chỉ trong gang tấc… cô Mười vượt qua hết thảy. Cô ở vậy đến bây giờ, trọn lòng làm cách mạng và nuôi con. 50 năm sau, con cô- anh Lê Văn Lâm- giờ đã là người đàn ông trụ cột gia đình, thay cha làm điểm tựa cho mẹ.

Cô Mười Miên và những kỷ vật một thời hoa lửa. 

Những chuyện cô Mười trải qua, có lẽ kể hoài không hết. Cô nói, thời đó cô chỉ ước rằng: “Phải có chồng bên cạnh thì mình đâu cực tới cỡ đó”. Nhưng rồi cô tự nén lòng bởi chồng cô đã ngã xuống cho vinh quang Tổ quốc. Điều đó thật xứng đáng! Nhớ chồng, thương con, cô lại mang thư ra đọc. Có hàng chục bức thư cô chú đã gửi cho nhau, những lá thư vượt qua bom đạn của tuyến lửa Vòng Cung. Lá thư mà cô nhận gần nhất từ chồng là vào ngày mùng 6 Tết Mậu Thân (1968). Chú Tư Chấp dặn dò: “Em ăn ở nên cảnh giác kỹ. Còn chỗ nơi (ý nói là hầm tránh bom đạn- NV), em có làm chưa. Em cố gắng làm gấp đi nhé!”. Và rồi, những dòng thư sau đây khiến người trẻ chúng tôi phải rưng rưng cảm phục, tự hào xiết bao về thế hệ cha ông đi trước: “Em cứ yên tâm công tác, đừng băn khoăn gì. Trường hợp công tác thì phải xa nhau. Đó là quy luật. Đừng buồn em nhé!”. Ôi, suy nghĩ ấy thật cao đẹp- “Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau”, hạnh phúc riêng tư đã nhường chỗ cho tình yêu đất nước.

Có một bức thư khác do cô Mười Miên gửi cho chồng, đúng 18 ngày trước khi chú Tư Chấp hy sinh, ngày 6-5-1968. Vẫn là những dòng thư động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ, vẫn là tình yêu Tổ quốc chiếm trọn tình cảm lứa đôi. Cô Mười viết rằng: “Anh Tư à, anh cứ yên tâm CT, em ở dưới này không sao. Có đồng bào bảo vệ tốt. Anh Tư, em- N- A- quá rồi…”. Tôi hỏi “CT” là gì, cô Mười bảo là “công tác”. Vậy còn “em- N- A- quá rồi…”?- là “em nhớ anh quá rồi…”- cô Mười cười móm mém.

2.  Những lá thư mà tôi sắp kể sau đây không được viết vào năm Mậu Thân 1968 mà cách 1 năm sau đó, nhưng kể về những ngày ác liệt của Mậu Thân Cần Thơ, của Vòng Cung tuyến lửa. Người viết thư là người đã được báo tử tròn năm. Người nhận thư thì dù giữa thời bom đạn hay hòa bình, lúc nào cũng coi đó là báu vật, là tài sản.

Chủ nhân của những dòng thư là chú Phạm Việt Hùng, một thương binh 68 tuổi, hiện đang sống tại phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều. Người giữ những bức thư ấy là chị Năm của chú- cô Phạm Thu Hương- nguyên cán bộ Dân y Khu Tây Nam bộ. Chuyện đời của chú Hùng dài và ly kỳ không kém một bộ phim. Chỉ xin kể về năm Mậu Thân 1968, khi ấy chú là cán bộ của Trung đoàn 962, một năm liền 3 lần bị thương trên lộ Vòng Cung. Gãy chân, đạn găm vào phổi… nhưng sức trẻ và nhiệt huyết của người cộng sản tuổi 18 đã giúp chú đứng dậy, cầm súng chiến đấu.

Chị em cô Thu Hương và chú Việt Hùng cùng đọc lại những lá thư thời chiến. 

Tháng 1-1969, chú lại bị thương trong trận đánh vào sân bay Lộ Tẻ. Hai chân bị gãy, chú gắng lết tìm về với đồng đội nhưng không may bị giặc bắt, tra khảo, cầm tù và 3 lần bị cưa chân. Đôi chân tàn tật mà tấm lòng với Đảng, với cách mạng của chú Phạm Việt Hùng vẫn vẹn nguyên và thanh xuân như tuổi trẻ của chú vậy. Gần 1 năm trời mất tích, đồng đội tưởng chú đã hy sinh nên gửi giấy báo tử về nhà. Gia đình nhang khói cho chú trong nỗi đau vô hạn. Nhưng, chú đã trở về trên đôi nạng gỗ…

Có thể cảm nhận nỗi đau của gia đình chú Phạm Việt Hùng khi đọc bức thư mà cậu Ba của cô Thu Hương gửi cho cô vào đầu năm 1970: “Cách đây 1 năm cậu có ghé nhà cháu Nguyệt (chị Hai của chú Việt Hùng- NV) có tin là Việt Hùng hy sinh… Thấy cảnh ấy cậu không quên được!”. Từ cõi chết trở về, bức thư cuối năm 1969 chú Phạm Việt Hùng gửi cho cô Thu Hương, có đoạn: “Em tưởng em không bao giờ còn sống để trở về quê hương và không bao giờ được gặp gia đình lần cuối”.

Mang trên người vết thương bom đạn, đôi nạng gỗ như lấy đi thanh xuân của người thanh niên Bạc Liêu dạn dày sương gió, nhưng chú Hùng không buồn nhiều. Cái làm chú buồn thật lớn lao và cao cả biết dường nào: “Em cũng biết vì nhân dân, vì Tổ quốc, vì sự nghiệp cách mạng… 19 tuổi đời, thù kia chưa rửa được sao người em trở thành vô dụng. Em trai chế chưa bao giờ phải khóc nhưng nay phải khóc!” (trích thư gửi ngày 23-11-1969). Càng cảm nhận được những tâm ý cao đẹp của người thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh- Phạm Việt Hùng khi trong bức thư gửi chị gái ngày 21-1-1970, có đoạn: “Từ đây em không còn là một chiến sĩ tung hoành ngang dọc như thuở nào… Em ước gì em được còn nguyên vẹn để thay gia đình mình rửa hận cho gia đình và cho Tổ quốc”.

Đằm sâu trong những trang thư mà chú Việt Hùng gửi cho chị gái là nhiệt huyết trẻ, khát khao yêu thương và cống hiến. Chú nhớ quê hương, thương gia đình, khóc đồng đội hy sinh và luôn đặt Tổ quốc lên đầu trong trái tim mình. Gần 50 năm, cô Thu Hương và chú Việt Hùng cùng ngồi lại bên nhau, cùng đọc những dòng thư úa màu, nước mắt ai cũng lưng tròng. Cô Thu Hương chợt khóc: “Có lúc chế nghĩ vĩnh viễn không được gặp lại cậu nữa rồi”. Chú Việt Hùng thì ân cần: “Chế khóc hoài sanh bệnh bây giờ”. Hai con người từng trải qua khói lửa chiến tranh, hai chị em từng xa cách xiết bao năm trời để bảo vệ Tổ quốc, giờ ngồi lại bên nhau, cùng ôn chuyện xưa qua những dòng thư.

*   *   *

Đây chỉ là hai trong hàng ngàn, hàng vạn câu chuyện anh dũng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên tuyến lửa Vòng Cung Cần Thơ năm Mậu Thân 1968. Còn bao nhiêu cánh thư thời chiến chất chứa tình yêu lớn lao dành cho đất nước; còn bao nhiêu người gạt hạnh phúc riêng tư để hiến dâng thanh xuân cho Tổ quốc kiên cường. Xin được cúi đầu tri ân tất cả!

Xin kết thúc bài viết này bằng lời Đại tá Khưu Ngọc Bảy, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962, nói trong buổi “Giao lưu với các nhân chứng lịch sử nhân dịp kỷ niệm 50 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968-2018)” tại quận Bình Thủy, đại khái rằng: Thời chiến, ai từng qua Vòng Cung đều là những anh hùng. Khi đã qua được Vòng Cung rồi thì khó khăn gì trên đời này cũng có thể vượt qua!

 

Chia sẻ bài viết