19/11/2018 - 21:06

Những góc khuất trong “Chuyến tàu vé ngắn” 

Khắc khoải, day dứt, ngỡ ngàng, nuối tiếc… là những cảm xúc khi đọc tập truyện “Chuyến tàu vé ngắn” của Hoàng Công Danh (NXB Trẻ). Những lát cắt cuộc đời rất thực và có phần trần trụi, gai góc khiến người đọc giật mình suy ngẫm, để từ đó, trân quý những gì mình đang có.

Sinh năm 1987, cây viết trẻ Hoàng Công Danh từng gây ấn tượng với độc giả khi ra mắt tập truyện đầu tay “Cõng nhau trong một cõi người” đầy triết lý và thấm nhuần tư tưởng từ bi hỷ xả của Phật giáo. Rồi đến tập tản văn “Khói sẽ làm mắt tôi cay” lại nhẹ nhàng, da diết những kỷ niệm ấu thơ ở làng quê yêu dấu. Nhưng với tập sách thứ 3 này, có một Hoàng Công Danh rất khác khi trực diện các vấn đề của xã hội và những góc khuất trong tâm hồn con người.

26 truyện ngắn đi sâu vào mối quan hệ tình cảm gia đình, tình yêu. Điều cốt lõi để gắn kết mỗi người trong các mối quan hệ này là tình yêu và niềm tin, bởi thiếu chúng tình cảm con người chỉ là tạm bợ, vô nghĩa. Như người cha trong truyện “Bơi qua sông” nghi ngờ con trai không phải là giọt máu của mình mà hành hạ cậu bé để cuối đời chỉ mong tìm được sự tha thứ trong tâm hồn; như những cặp vợ chồng trong truyện “Nụ hôn”, “Vàng”, “Đồ cổ”, “Im lặng chắc đỡ đau hơn” hụt hẫng, ngỡ ngàng trước sự thật được che giấu bao năm; như nỗi đau không gì bù đắp được của người vợ và đứa con thơ khi niềm tin với chồng bị vụn vỡ trong “Bản án chưa kết thúc”. Bản chất thực dụng, ích kỷ của một số người được tác giả vạch trần qua những câu chuyện: “Trên vực cao”, “Matryoshka”, “Ngắm trăng”, “Một phần ba”, “Sự cố đứt dây”… Dù đó là những mối quan hệ bất chính, lợi dụng nhau giữa những cặp “già nhân ngãi, non vợ chồng” hay lòng tham, sự ích kỷ của những kẻ sống chỉ biết mình… thì người đọc vẫn nhói lòng trước sự xuống cấp đạo đức và nỗi đau của nạn nhân và người trong cuộc.

Giọng văn nhẹ hẫng và có đôi phần lạnh lùng nhưng truyện của Hoàng Công Danh lại đắt ở chi tiết bất ngờ, thường được anh cài vào cuối truyện. Còn gì xót xa hơn khi người cha từng “hôi bia” phát hiện con mình để giấy trắng khi cô giáo cho đề bài làm văn viết về sự việc hôi bia ấy; còn gì đắng cay hơn khi cô gái trẻ lầm lỡ bán đi đứa con mới sinh để làm lại cuộc đời, để rồi nhiều năm sau chính cô lại phải tìm mua con nuôi; món quà của cô người yêu cũ bị lãng quên khiến người đàn ông bất ngờ sau hơn mười năm mới mở ra… Những câu chuyện được kể từ tốn, nhẹ nhàng mà không kém phần day dứt, thấm sâu. Cứ ngỡ mẹ chồng quý con dâu út mà quên sự hy sinh của con dâu cả trong gia đình, thì cái kết lại làm ấm lòng người, khiến người ta tin hơn vào tình nghĩa, “ở hiền gặp lành” (“Người dưng”). Hay chén cơm thơm mùi khói bếp của mẹ già cuối cùng cũng được tri ân (“Cơm mùi khói bếp”); tình nghĩa vợ chồng son sắt thủy chung của đôi vợ chồng già khiến người đời ngưỡng mộ (“Tuổi già”)…    

Với “Chuyến tàu vé ngắn” - truyện ngắn được đặt tên cho cả tập truyện, 3 số phận nhỏ bé gói gọn trên một chuyến tàu và nhân cách của họ chỉ thực sự bộc lộ khi câu chuyện khép lại. Qua đó, tác giả gửi gắm suy nghĩ: “Như một chuyến tàu dẫn ta đến miền xa thẳm, dù vé chỉ rất ngắn và đi được đường dài. Nhưng, có con đường nào dài hơn con đường đi vào chính tâm hồn mình”.

Cát Đằng

Chia sẻ bài viết