20/07/2018 - 16:21

Những giải pháp y khoa “lợi bất cập hại” đối với người trên 50 tuổi 

Bước sang tuổi trung niên, nhiều người bắt đầu chịu đựng những cơn đau nhức và thường được khuyên đi làm một số xét nghiệm. Tuy nhiên, các chuyên gia sức khỏe cho rằng có những xét nghiệm không cần thiết và tiềm ẩn nguy hiểm, nhất là với người trên 50 tuổi, chẳng hạn như:

Ảnh: Cheatsheet

Sàng lọc bệnh động mạch cảnh – có thể dẫn đến phẫu thuật xâm lấn

Hẹp động mạch cảnh là căn bệnh tiềm ẩn nguy cơ đột quỵ, nhưng nếu không có triệu chứng gì nghiêm trọng, tốt nhất là bỏ qua xét nghiệm sàng lọc bệnh động mạch cảnh. Bởi theo bác sĩ Glen Stream, xét nghiệm này hại nhiều hơn lợi vì nó có thể dẫn tới nhiều xét nghiệm khác và trong một số trường hợp, bệnh nhân phải phẫu thuật xâm lấn và có thể làm tăng nguy cơ đột  quỵ. 

Kiểm tra mật độ xương – mất xương nhẹ là tiến trình tự nhiên, không cần điều trị tốn kém

Người dưới 65 tuổi và không có nguy cơ cao bị mất xương thì khỏi cần kiểm tra mật độ xương. Lý do là khi phát hiện giảm mật độ xương, dù rất nhẹ, bác sĩ vẫn kê đơn với những loại thuốc tiềm ẩn tác dụng phụ mà lợi ích thì không kéo dài.

Chụp CT – nguy cơ phơi nhiễm bức xạ

Chụp CT giúp xác định khối u, u nang và các mô bất thường. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu ở Mỹ cho thấy có tới 2% trường hợp ung thư là do chụp CT. Lý do là máy chụp CT sinh ra bức xạ nhiều gấp 200 lần so với X-quang. Vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị nên chụp ảnh cộng hưởng từ (MRI) thay cho CT vì nó an toàn hơn.

Xét nghiệm chức năng tuyến giáp - có thể dẫn đến phẫu thuật không cần thiết

Chỉ những người có tiền sử gia đình mắc bệnh về tuyến giáp mới cần tầm soát, nếu không thì nên bỏ qua xét nghiệm này. Bởi khi siêu âm, bác sĩ sẽ phát hiện các cục bướu nhỏ (có khi đã ngừng phát triển và vô hại) và khuyên người bệnh cắt bỏ hoặc bỏ luôn tuyến giáp, sau đó phải dùng liệu pháp thay thế hóc-môn đến suốt đời.

Xét nghiệm căng thẳng về tim - có thể dẫn đến điều trị xâm lấn không cần thiết

Người khỏe mạnh và không có tiền sử cao huyết áp, tiểu đường hay cholesterol cao thì không cần làm xét nghiệm này, bởi nó có thể chỉ ra những bất thường dù trái tim đang hoạt động bình thường và dẫn tới các xét nghiệm xâm lấn khác.

Liệu pháp thay thế hoóc-môn – có thể tổn thương tim lâu dài

Liệu pháp này thường được chỉ định cho phụ nữ mãn kinh để giúp chị em giảm bớt các triệu chứng khó chịu. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo chỉ áp dụng trong thời gian ngắn vì nghiên cứu cho thấy liệu pháp này có thể làm suy yếu chức năng tim.

Chụp X-quang kiểm tra đau lưng – phơi nhiễm bức xạ và chữa trị vô ích

Học viện Bác sĩ gia đình Mỹ cho biết chụp X-quang lưng thường chỉ ra “những bất thường” không đáng bận tâm nhưng lại dẫn đến các phương pháp điều trị vô ích hoặc thậm chí gây hại. Ngoài ra, phơi nhiễm bức xạ dù ít cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư.

Xét nghiệm công thức máu toàn diện – chỉ thêm lo lắng

Người khỏe mạnh và chưa từng gặp biến chứng do phẫu thuật hoặc dùng thuốc thì không nên làm xét nghiệm này. Bởi ngoài sơ sót thường gặp của phòng xét nghiệm, kết quả có thể hiển thị những chỉ số vượt ngưỡng bình thường (không đáng lo) nhưng lại khiến người ta lo lắng, căng thẳng quá mức.

Chụp mạch vành - có thể dẫn tới biến chứng nghiêm trọng hoặc tử vong

Phương pháp này đòi hỏi chèn một ống thông vào động mạch để kiểm tra nó có bị tắc nghẽn hay không. Điều này có thể cứu mạng nhưng không phải lúc nào cũng cần thiết. Nghiên cứu cho thấy 1/50 người áp dụng cách này gặp biến chứng nghiêm trọng hoặc tử vong. Do đó, hãy hỏi bác sĩ những giải pháp thay thế trước khi chụp.

Đặt ống thông tiểu – nguy cơ cao nhiễm trùng đường tiểu

Nghiên cứu cho thấy 50% bệnh nhân không cần đến ống thông đường tiểu. Nhưng nếu việc điều trị bệnh cần làm điều này thì phải yêu cầu bác sĩ lấy nó ra càng sớm càng tốt. Lý do nếu để lâu, người bệnh có nguy cơ cao bị nhiễm trùng đường tiết niệu – một trong những bệnh nhiễm trùng nguy hiểm thường gặp trong bệnh viện.

Cắt túi mật - thay đổi cách ăn uống vĩnh viễn

Nhiều người phẫu thuật loại bỏ túi mật dù triệu chứng bệnh ít nghiêm trọng. Tuy ít gây biến chứng, song nó sẽ khiến người bệnh thay đổi thói quen ăn uống, như khó dung nạp một số thực phẩm hoặc dễ đi ngoài khi dùng thức ăn béo.

Trồng răng giả - có thể tổn thương thần kinh

Trồng răng giả có thể gây tổn thương dây thần kinh nếu sơ sót, dẫn tới các biến chứng ở xoang. Ngoài ra, vệ sinh răng miệng kém hoặc xỉa răng giả không đúng cách cũng dễ dẫn đến nhiễm trùng.

Phẫu thuật giảm kích cỡ ngực – rủi ro cao

Theo nghiên cứu, phụ nữ trên 50 tuổi làm phẫu thuật này có nguy cơ bị nhiễm trùng cao gấp 2,7 lần so với người dưới 40 tuổi, hơn nữa thời gian phục hồi cũng lâu hơn.

Uống thuốc ngủ - dễ té ngã và gãy xương

Hội hưu trí Mỹ (AARP) cảnh báo người lớn tuổi nên cẩn trọng với thuốc ngủ vì chúng làm tăng nguy cơ té ngã và gãy xương. Tuổi càng cao thì nguy cơ càng lớn. Do đó, người bị mất ngủ nên hỏi bác sĩ về các liệu pháp khác an toàn hơn.

Xét nghiệm tiền phẫu thuật - có thể không cần thiết, tốn kém và trì hoãn quá trình điều trị

Đây vốn là một thủ tục cần thiết nhưng AARP lưu ý nó không đúng cho mọi loại phẫu thuật. Trong nhiều trường hợp, xét nghiệm máu và chụp X-quang chẳng những tốn kém mà còn có thể hiển thị kết quả bất thường dù thực tế là bình thường, khiến người ta căng thẳng và làm chậm trễ kế hoạch phẫu thuật. 

Chia sẻ bài viết