06/02/2018 - 14:11

Những giải pháp sáng tạo trong đồ dùng dạy học 

Tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật TP Cần Thơ lần IX, năm 2016-2017 (do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật thành phố tổ chức) vừa qua, Trường Tiểu học Bình Thủy đã đoạt 2 giải khuyến khích với “Bộ đồ dùng học tập đa năng lớp 1” và “Chiếc hộp đa năng”. Hai giải pháp này hiện đang được các giáo viên của trường ứng dụng rộng rãi, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, giúp học sinh thêm yêu thích và hứng thú với môn học.

Vui học Toán, Tiếng Việt

Tại lớp 1A2, giờ học Toán và Tiếng Việt thú vị, hấp dẫn hơn khi cô chủ nhiệm Đinh Thị Hoàng Lan cùng các học sinh sử dụng bộ đồ dùng học tập đa năng. Chẳng hạn, khi cô yêu cầu học sinh lấy nhụy hoa có vần “oa” rồi tìm các cánh hoa có vần “oa” tương ứng để ghép lại thành một bông hoa hoàn chỉnh. Nhanh chóng, các cánh hoa có các từ: họa sĩ, toa tàu, cái loa… được các em tìm ra và ghép lại. Khi cô đưa ra các phép tính cộng trừ, học sinh dùng các miếng xốp có hình ảnh con vật, hoa, trái cây… hoặc các thẻ phép tính hai mặt để tính toán rồi trình bày kết quả trên bảng nhóm. Giờ học sôi nổi, các em thực hiện bài tập nhanh nhẹn, thành thạo.

Bộ đồ dùng học tập đa năng lớp 1 gồm các hình ảnh đẹp, sinh động được làm từ miếng xốp màu; các thẻ phép tính hai mặt có minh họa cụ thể bằng các hình ảnh con vật, trái cây; bảng nhóm 4 mặt, bút lông… Trong đó, bảng nhóm 4 mặt được làm từ 2 miếng ván ép, kẻ ô li 2 mặt, dùng giấy kiếng làm nẹp, có lồng thiếc bên trong để học sinh có thể sử dụng từ 2 phía mà không bị hạn chế tầm nhìn, để trưng bày sản phẩm trong nhóm rất tiện lợi. Bảng nhóm 4 mặt này có thể sử dụng cho tất cả các khối lớp.

Đây là công trình của nhóm 4 cô giáo: Hoài Kỷ Ngọc Thúy, Đinh Thị Hoàng Lan, Bùi Thị Ngọc Hồng và Lê Thị Băng Tâm. Theo các giáo viên, trong quá trình truyền thụ kiến thức cho học sinh, giáo viên gặp các khó khăn như: số lượng đồ dùng còn hạn chế, đồ dùng học tập của mỗi học sinh còn rườm rà (hộp đồ dùng, bảng con, bảng cài....) và chỉ sử dụng trong 1 năm học lớp 1 mà không còn sử dụng cho năm học lớp 2. Do đó, các giáo viên sáng tạo ra bộ đồ dùng chung cho cả nhóm học sinh, vừa tiết kiệm chi phí, vừa có màu sắc đẹp, hình ảnh ngộ nghĩnh, dễ thương nên gây sự chú ý, hứng thú học tập cho học sinh. Bộ đồ dùng này được thực hiện từ năm 2014 và ứng dụng rộng rãi trong toàn trường từ đó đến nay.

Cô Đinh Thị Hoàng Lan, chia sẻ: “Bộ đồ dùng được làm bằng những vật liệu rẻ tiền, dễ kiếm, dễ làm như: thiếc, giấy cứng, bút màu sáp, bút lông dầu, xốp... Ưu điểm của bộ đồ dùng là rất nhẹ, dễ dàng di chuyển lên lớp, dễ di chuyển trong nhóm; một bộ có thể dùng cho tất cả học sinh trong nhóm; thực hiện nhiều bài học, nhiều trò chơi; đặc biệt có thể sử dụng nhiều năm học mà không phải trang bị đồ dùng mới cho học sinh. Quan trọng là qua việc thao tác trên bộ đồ dùng, học sinh có thể tiếp thu bài học nhanh hơn, dễ hiểu và nhớ lâu”.  

Học nhạc với chiếc hộp đa năng

Âm nhạc là môn học vừa dễ, vừa khó, đòi hỏi sự cảm âm cao cũng như năng khiếu của từng học sinh. Giáo viên dạy nhạc Nguyễn Hoàng Minh Trang tâm tình: “Qua nhiều năm giảng dạy, tôi nhận thấy: giáo viên thường thực hiện mẫu cho học sinh làm theo, không tạo điều kiện cho học sinh phát huy khả năng tự học, tìm tòi kiến thức mới, dẫn đến lớp học thiếu sự năng động, tích cực. Để khắc phục tình trạng này, tôi đã nghiên cứu và thực hiện Chiếc hộp đa năng, có thể thực hành được nhiều kiến thức mới và thực hiện được nhiều trò chơi vui, bổ ích, giúp cho lớp học thêm năng động”. 

Học sinh tập gõ nhịp trong giờ học nhạc với chiếc hộp đa năng. Ảnh: Minh Trang (giáo viên Trường Tiểu học Bình Thủy).

Học sinh tập gõ nhịp trong giờ học nhạc với chiếc hộp đa năng. Ảnh: Minh Trang (giáo viên Trường Tiểu học Bình Thủy).

Từ những vật liệu đã qua sử dụng như: ăng-ten, hộp bánh, ống nhựa, bạc đạn, decal, giấy form… cô Trang đã tạo ra một bộ đồ dùng học tập hiệu quả. Chiếc hộp có hình tam giác với các bảng nhóm 2 mặt, được lắp trên nắp hộp bánh bằng thiếc có gắn bạc đạn, chiếc hộp có thể xoay nhiều vòng. Trong hộp có các nhạc cụ gõ, các nốt nhạc làm bằng giấy xốp… Khi giảng dạy, giáo viên chia 6 bộ đồ dùng cho 6 nhóm học sinh, hướng dẫn cho học sinh tự tìm tòi kiến thức, làm các bài tập, chơi trò chơi.

Hàng loạt các hoạt động như: gõ nhịp, gõ phách, nhận biết vị trí 7 nốt nhạc, tập đọc nhạc… được học sinh thao tác dễ dàng trên chiếc hộp. Đặc biệt, trong các bài học, giáo viên  thường lồng ghép các trò chơi nhằm khắc sâu kiến thức, giúp học sinh có sự thư giãn, thoải mái để những tiết học sau các em sẽ học tốt hơn. Chẳng hạn khi chơi các trò chơi: “Nghe giai điệu đoán tên bài hát”, “Ghép hình”, “Chiếc bàn xoay”… học sinh rèn luyện sự tập trung, khả năng thính giác, thị giác, rèn luyện trí nhớ về khả năng hát, gõ đệm và vận động phụ họa. Em Lê Ngọc Bích Sơn, học sinh lớp 4A4, bộc bạch: “Học nhạc với chiếc hộp đa năng rất vui, rất hay, chúng em dễ nhớ bài hơn”.

Chiếc hộp đa năng đã được áp dụng chính thức trong Trường Tiểu học Bình Thủy hơn 1 năm qua và được giới thiệu rộng rãi với các giáo viên dạy nhạc trong toàn thành phố.

***

Theo cô Trịnh Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Thủy, nhà trường luôn tạo điều kiện và động viên, hỗ trợ giáo viên tham gia các hội thi đồ dùng học tập của ngành giáo dục và hội thi sáng tạo kỹ thuật của thành phố. Những giải pháp hiệu quả sau đó đều được ứng dụng trong trường, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

LỆ THU

Chia sẻ bài viết