09/04/2018 - 20:49

Những điều cần lưu ý về dinh dưỡng của thai phụ 

Trong thai kỳ, thai phụ nên ăn thật nhiều để bổ sung dinh dưỡng, năng lượng gấp đôi cho cả mẹ lẫn con hay thích gì ăn nấy,… là những thắc mắc phổ biến của chị em trong quá trình bầu bí. Phần lớn chị em sợ ăn nhiều thì tăng cân quá mức, khó phục hồi vóc dáng sau sinh; ăn ít thì không đủ dinh dưỡng... Bác sĩ CKI Đào Bích Chiền, chuyên khoa sản - Bệnh viện (BV) Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long có những tư vấn hữu ích giúp chị em nâng cao hiểu biết về chế độ dinh dưỡng hợp lý trong thai kỳ.

Trong 9 tháng thai kỳ, chị em nên tăng từ 10 – 12kg là hợp lý, với chiến lược tăng cân chia làm 3 giai đoạn: 3 tháng đầu nên tăng 1- 2kg; 3 tháng giữa tăng 3- 4kg và 3 tháng cuối tăng nhiều hơn, từ 5- 6kg. Thai nhi tăng cân chủ yếu ở 3 tháng cuối thai kỳ.

Bác sĩ thăm khám, tư vấn cho thai phụ những điều cần lưu ý về chế độ chăm sóc sức khỏe trong thai kỳ.
Bác sĩ thăm khám, tư vấn cho thai phụ những điều cần lưu ý về chế độ chăm sóc sức khỏe trong thai kỳ.

Chị em nên thực hiện chế độ ăn đầy đủ, đúng bữa, đúng giờ và không được bỏ bữa hay ăn bù. Giai đoạn đầu thai kỳ, bị nghén, chị em có thể chia nhỏ, ăn nhiều bữa trong ngày. Nhằm đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé trong thai kỳ, chị em cần được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu có trong khẩu phần ăn hằng ngày. Đó là phải ăn đủ chất bột đường, chủ yếu từ cơm và các chế phẩm từ gạo, giúp cung cấp năng lượng. Thành phần đạm giúp kiến tạo cơ thể em bé, có trong thịt heo, gà, vịt, cá, tôm, trứng, các loại đậu. Chất béo giúp kiến tạo não của bé, cung cấp năng lượng cho mẹ và bé, giúp hấp thu vitamin A, D, E. Chất béo có trong dầu thực vật, sữa, cá; chị em lưu ý hạn chế mỡ động vật.

Các thành phần dinh dưỡng quan trọng khác nữa là một số vitamin và khoáng chất bổ sung trong thai kỳ, có nhiều trong rau tươi và trái cây. Các thực phẩm tự nhiên này còn có chất xơ, giúp thai phụ dễ tiêu hóa, tránh táo bón. Khẩu phần ăn của chị em cũng cần bổ sung chất đường, có nhiều trong các thức ăn như ngũ cốc, mật ong, trái cây ngọt.

Về canxi, các thức ăn có nguồn gốc từ sữa (sữa tươi, phô mai, kem,…) và các loại hải sản (tôm, cua, ốc,…) rất giàu canxi, giúp cơ thể phụ nữ khi mang thai không thiếu canxi cũng như giúp cho sự phát triển của bào thai. Nếu thiếu canxi, thai phụ có nguy cơ sinh non, hậu quả dẫn đến loãng xương về sau, còn thai nhi cũng bị nguy cơ suy dinh dưỡng.

Ngoài ra, một số chất khác như sắt, cũng rất cần thiết cho thai phụ trong thời kỳ mang thai, vì chất sắt tham gia vào quá trình tạo máu, chống thiếu máu ở bé, tăng khối lượng máu cho mẹ để chuẩn bị sinh nở. Sắt có nhiều trong thịt phủ tạng động vật, hải sản, rau, đậu. Trong thành phần chủ yếu của sắt có chứa acid folic, tạo hồng cầu cho mẹ và thai nhi, cần thiết cho thai nhi tăng trưởng, giúp phòng ngừa dị tật ống thần kinh trên thai nhi. Bên cạnh bổ sung các dưỡng chất trên từ nguồn thực phẩm thiên nhiên, khi thai phụ khám thai đầy đủ với bác sĩ chuyên khoa sản, sẽ được hướng dẫn uống viên sắt và viên canxi đều đặn trong thai kỳ, duy trì ngay cả thời gian đầu sau sinh.

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, chị em cần lưu ý làm việc vừa sức, nghỉ ngơi xen kẽ, không nên làm việc nặng nhọc, ở môi trường độc hại. Tâm lý trong thai kỳ rất quan trọng, nên chị em cần giữ cuộc sống thoải mái, tránh lo lắng, buồn phiền; song song đó, tập thể thao nhẹ nhàng, tránh vận động gắng sức. Thời kỳ mang thai, tránh quan hệ vợ chồng các tuần đầu và 4 tuần cuối. Khi bệnh, chị em không nên tự ý mua thuốc mà nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn điều trị phù hợp. Tránh tiếp xúc với người có bệnh dễ lây. Đặc biệt, chị em tránh sử dụng chất kích thích, không nên uống rượu bia, cà phê, hút thuốc; không nên ăn thức ăn quá mặn, nhiều gia vị.

Thời kỳ mang thai, chị em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, nhất là quan tâm chăm sóc sức khỏe răng miệng. Nên vệ sinh bộ phận sinh dục hằng ngày, nhưng tránh bơm rửa sâu trong âm đạo. Nên rửa sạch hai đầu vú, tránh cố lau, cạy vẩy đầu vú. Chị em cần lưu ý khi đầu vú bị sưng, đau, tránh tự bôi đắp thuốc lên vú bị đau. Tránh mặc quần áo quá chật, bó sát, không nên mang giày cao gót; nên mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát.

Theo bác sĩ Đào Bích Chiền, để có một thai kỳ khỏe mạnh, chị em nên khám thai định kỳ đều đặn với bác sĩ chuyên khoa, thực hiện chỉ dẫn tiêm ngừa vắc-xin uốn ván đầy đủ, ăn uống với chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất cho bà bầu, bổ sung thêm vitamin và khoáng chất trong thai kỳ, giữ gìn vệ sinh hợp lý và nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng, đều đặn.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết