08/04/2012 - 18:10

Những điều cần biết về đái tháo đường thai kỳ

Nhiều sản phụ tham dự Hội thảo đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK), do BVĐK Hoàn Mỹ® Cửu Long tổ chức (vào ngày 18-3-2012), đã có nhiều câu hỏi hay được ThS. BS Châu Văn Nhịnh, Trưởng khoa Sản BVĐK Hoàn Mỹ® Cửu Long và BS Thạch Thị Phola, Chuyên khoa Nội tiết BVĐK Hoàn Mỹ® Cửu Long giải đáp. Chuyên trang sức khỏe do bệnh viện phối hợp với Báo Cần Thơ thực hiện, xin giới thiệu:

Câu 1: Thưa Bác sĩ, tôi rất thích ăn ngọt và béo, gần đây chân tôi bị phù, đó có phải triệu chứng của bệnh tiểu đường trong thai kỳ? Thai tôi được 35 tuần, như vậy làm xét nghiệm đường huyết trong thời điểm này có chính xác không?

Trả lời: Phù chân là triệu chứng thường hay gặp ở sản phụ mang thai, đặc biệt là những tháng cuối thai kỳ. Không phải ăn đồ béo hay đường nhiều là bị tiểu đường. Chẩn đoán xác định bệnh là chị phải xét nghiệm máu và thử nước tiểu. Xét nghiệm ở thời điểm nào không quan trọng, quan trọng nhất là phát hiện sớm được bệnh để điều trị tốt nhất.

Câu 2: Khi thai phụ bị đái tháo đường thì cần phải khám và theo dõi thai như thế nào? Cần phải tăng cân như thế nào là đủ?

Trả lời: Bạn nên khám cả 2 chuyên khoa nội tiết và khám thai để cả 2 bác sĩ chuyên khoa cùng theo dõi và có chế độ điều trị thích hợp. Tăng cân trung bình trong thai kỳ khoảng 12 - 18kg là đủ.

Câu 3: Vợ tôi đã có thai được 30 tuần, bị chẩn đoán là tiểu đường thai kỳ và cho tiêm insulin, tôi rất lo sẽ bị ảnh hưởng đến em bé và nguy hiểm lúc sinh nở, xin bác sĩ cho tôi biết mức độ nguy hiểm của bệnh này như thế nào?

Trả lời: Tiêm insulin không ảnh hưởng đến em bé. Tuy nhiên phải giữ mức đường huyết phù hợp thì mới không ảnh hưởng đến thai, nếu đường huyết cao hoặc thấp cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của thai. Do đó, sản phụ phải gặp bác sĩ chuyên khoa để được theo dõi và dùng thuốc đúng.

Câu 4: Làm sao để biết mình có bị tiểu đường hay không? Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến thai kỳ như thế nào?

Trả lời: Nếu bạn có triệu chứng ăn nhiều, khát nhiều, tiểu nhiều và sụt cân thì nên đi khám và xét nghiệm máu. Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến thai kỳ rất nhiều trước trong và cả sau sinh.

Câu 5: Để tầm soát bệnh đái tháo đường thai kỳ, tôi cần phải làm những xét nghiệm gì? Làm trong thời điểm nào là tốt nhất? Có cần nhịn ăn, uống hay không, và thời gian nhịn ăn, uống là bao lâu?

Trả lời: Chị nên đến khám thai định kỳ để được làm xét nghiệm cụ thể và điều trị một cách hợp lý. Thời điểm tầm soát ĐTĐTK là lúc thai kỳ được 24 – 28 tuần.

Câu 6: Tôi lập gia đình được một năm, tôi có tiền sử mắc bệnh tiểu đường (do di truyền), xin bác sĩ cho biết tôi có thể sinh con được không? Khi con tôi sinh ra có bị tiểu đường giống tôi hay không?

Trả lời: Chị vẫn có thể mang thai bình thường nhưng trước khi mang thai nên đi khám Bác sĩ chuyên khoa Nội tiết để được tư vấn và làm một số xét nghiệm cần thiết. Tỷ lệ con chị mắc ĐTĐ 50%.

ĐÌNH KHÔI (lược ghi)

Chia sẻ bài viết