06/10/2018 - 16:12

Những điểm sáng tăng trưởng kinh tế

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP 9 tháng năm 2018 tăng 6,98%. Đây là mức tăng cao nhất cùng kỳ kể từ năm 2011 trở lại đây. Xu hướng tăng trưởng khả quan này cũng tạo thêm nhiều động lực cho doanh nghiệp (DN) phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là các tháng cao điểm cuối năm, nhu cầu tiêu thụ tăng. Chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đảm bảo yếu tố tăng trưởng bền vững và tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc bên ngoài trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng. Đồng thời phải tăng cường hỗ trợ các DN, gỡ khó cho DN, nhất là khối DN tư nhân, DN trong nước để tăng quy mô phát triển và năng lực cạnh tranh. Thủ tướng cũng lưu ý Ngân hàng Nhà nước cần đánh giá và dự báo chính xác các tác động của thị trường tài chính tiền tệ quốc tế đối với tỷ giá, lãi suất trong nước để kịp thời ổn định lãi suất, tỷ giá, tạo sự an tâm cho DN hoạt động…

Tính đến ngày 20-9-2018, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,74% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 tăng 9,59%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 9,15% (cùng kỳ năm 2017 tăng 10,08%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 9,52% (cùng kỳ năm 2017 tăng 11,02%). Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng nói chung tương đối ổn định, cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển hướng theo hướng tích cực tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các dự án lớn, trọng tâm trọng điểm theo chủ trương của Chính phủ. Vốn tín dụng là mạch máu của nền kinh tế và thời điểm cuối năm, nhiều dự báo lạc quan về cầu thị trường tăng kể cả trong nước và xuất khẩu sẽ tác động đến dòng vốn ra thị trường. Nhiều ý kiến cho rằng, dù dư địa tăng trưởng tín dụng còn khá rộng nhưng DN cũng rất thận trọng với bài toán chiến lược sản xuất kinh doanh cuối năm, nên nhu cầu vốn tăng đột biến sẽ khó xảy ra. Bởi trên thực tế, DN vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Trong 9 tháng, cả nước có trên 96.000 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 963,4 nghìn tỉ đồng, tăng 2,8% về số DN và tăng 6,7% về số vốn. Còn có gần 23.000 DN quay trở lại hoạt động, tăng 8,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số DN tạm ngừng hoạt động là 73.103 DN, tăng 48,1% so với cùng kỳ năm trước. Về tình hình từ nay đến cuối năm 2018, các tổ chức quốc tế dự báo triển vọng kinh tế của Việt Nam tiếp tục khả quan, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 dự kiến dao động trong khoảng 6,6-6,9%. Mặc dù trên thực tế, chất lượng tăng trưởng kinh tế đã được cải thiện rõ rệt thời gian qua nhưng để đảm bảo tính bền vững và giữ nhịp độ tăng cho cả ba khu vực là vấn đề rất khó. Và để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,6-6,9% năm nay cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong việc gỡ khó cho DN, thúc đẩy kết nối sản xuất kinh doanh, cung - cầu thị trường.

SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết