01/06/2018 - 07:21

Những “điểm nóng” tại Đối thoại Shangri-La 

Ngoài “điểm nóng” bán đảo Triều Tiên, Hội nghị cấp cao an ninh châu Á hay còn gọi Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 tại Singapore dự kiến sẽ tập trung vào những vấn đề cấp bách khác trong khu vực, đặc biệt là động thái gần đây của Trung Quốc nhằm củng cố yêu sách chủ quyền trên biển.

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters

Đối thoại Shangri-La là hội nghị thường niên về an ninh khu vực do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tổ chức, diễn ra từ ngày 1 đến 3-6 với sự hiện diện của bộ trưởng quốc phòng và quan chức cấp cao từ hơn 50 quốc gia. Vấn đề hạt nhân Triều Tiên với diễn biến xoay quanh cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ -Triều vào ngày 12-6 ở Singapore chắc chắn chi phối hội nghị năm nay. Tuy vậy, Giám đốc IISS Tim Huxley cho biết diễn đàn sẽ không bỏ lỡ những vấn đề “nóng” khác trong khu vực, bao gồm việc Trung Quốc tăng cường hoạt động ở Biển Đông hay mục tiêu chiến lược của Mỹ tại châu Á.

 Trước câu hỏi lớn về vai trò của Mỹ dưới chính sách “Nước Mỹ trên hết”, Giám đốc Chương trình sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Greg Poling cho rằng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (ảnh) phải chứng minh Washington có thể giải quyết nhiều hơn một vấn đề Triều Tiên. Theo ông Poling, hạt nhân Triều Tiên là vấn đề cấp bách nhưng Mỹ mặt khác phải chứng tỏ họ có khả năng tập trung vào những thách thức khác trong khu vực, bao gồm tình hình Biển Đông, mối đe dọa “cưỡng chế kinh tế” thông qua sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc...

Trong văn kiện chiến lược quốc phòng mới công bố đầu năm nay, Bộ trưởng Mattis nhấn mạnh tầm nhìn chiến lược của Lầu Năm Góc ưu tiên đối phó thách thức từ Nga và Trung Quốc. Đây là tín hiệu cho thấy Mỹ đang thay đổi mục tiêu chiến lược quốc phòng sau hơn 15 năm tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố. Do đó, ông Mattis tại diễn đàn ở Singapore được kỳ vọng có thể định hình rõ hơn sách lược mà quân đội Mỹ sẽ thực thi. Tuy vậy, giới quan sát cho rằng cái khó là làm cách nào Washington có thể tìm kiếm hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên lại vừa kiềm chế hành vi của Bắc Kinh ở Biển Đông cũng như trong vấn đề Đài Loan.

Trung Quốc tìm cách “định hình” Shangri-La

 

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu Đoàn đại biểu Quân sự cấp cao Việt Nam tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 tại Singapore.

Đối thoại an ninh châu Á diễn ra giữa lúc Trung Quốc đang đối mặt chỉ trích từ Mỹ và các đồng minh xung quanh hành vi của Bắc Kinh trên Biển Đông. Trên đường đến Singapore, Bộ trưởng Mattis hôm 29-5 tuyên bố Washington sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện ở Biển Đông như biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải khu vực. Dự kiến tại diễn đàn, lãnh đạo Lầu Năm Góc sẽ có bài phát biểu về “Sự lãnh đạo của Mỹ và những thách thức an ninh tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, đề cập sự cạnh tranh hàng hải ngày càng tăng giữa Trung Quốc với các nước lớn như Mỹ và Ấn Độ. Tại diễn đàn, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng có bài phát biểu quan trọng về xung đột tiềm năng trong khu vực mà qua đó có thể làm rõ chiến lược mở rộng vai trò an ninh của New Delhi tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Dự đoán các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông sẽ là điểm nóng trong chương trình nghị sự, giới chuyên gia cho biết Trung Quốc đang tìm cách định hình Đối thoại Shangri-La thành hội nghị “trao đổi học thuật” thay vì tranh luận chính sách.

Cụ thể, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hồng Công cho biết thay vì cử chuyên gia hoạch định chính sách quân sự hàng đầu, Trung Quốc đã chỉ định Phó Giám đốc Học viện Khoa học Quân sự He Lei dẫn đầu đoàn đại biểu tham dự Đối thoại Shangri-La. Một nguồn tin thân cận với phái đoàn Trung Quốc còn cho hay, nước này cũng cử Giám đốc Trung tâm hợp tác an ninh của Bộ Quốc phòng Zhou Bo đăng đàn về quan hệ cạnh tranh, hợp tác giữa Trung Quốc với Ấn Độ, ngay trước bài phát biểu quan trọng của Thủ tướng Modi. “Sự kiện này thiên về tính trao đổi lý thuyết quân sự, với việc cử các đại diện hàn lâm, chúng tôi có thể phản bác những quan điểm sai trái. Đồng thời, chúng tôi không muốn việc trao đổi dẫn đến đối đầu quá mức” – cựu Đại tá Trung Quốc Yue Gang lập luận.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết