03/07/2017 - 20:46

Những điểm cần lưu ý khi triển khai, thực hiện Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị

Ngày 26-12-2016, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 10-KL/TW về việc "Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí" (KL số 10). Đây là Kết luận có ý nghĩa rất quan trọng, vừa đánh giá, rút ra những kết quả đạt được cũng như nêu lên những hạn chế, nguyên nhân, đưa ra các giải pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X). Kết luận cũng cụ thể hóa những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ về phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

 

 Một buổi kiểm tra công tác PCTN tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ. Ảnh: L.P

Bộ Chính trị xác định trong thời gian tới, cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp về PCTN, lãng phí theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết TW3 (khóa X) và Kết luận số 21-KL/TW ngày 25 tháng 5 năm 2012, Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về việc "Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí". Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả mục tiêu, quan điểm và các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu cụ thể trong KL số 10 của Bộ Chính trị. Khi quán triệt, triển khai và thực hiện, các sở, ban, ngành, địa phương cần lưu ý một số điểm sau:

Về mục tiêu: Bộ Chính trị xác định rõ trong 5 năm tới, phấn đấu đạt mục tiêu: ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Đây là yêu cầu lớn, quyết tâm rất cao của Bộ Chính trị về PCTN, lãng phí trong nhiệm kỳ này.

Về quan điểm: Kết luận số 10 tiếp tục nhấn mạnh sự tương quan về vai trò, vị trí và mối quan hệ giữa "phòng" và "chống" trong đấu tranh PCTN, lãng phí: Phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách, cần có sự kết hợp chặt chẽ tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý.

Kết luận thể hiện rất rõ tinh thần, thái độ quyết liệt của Đảng trong PCTN, lãng phí: Xử lý nghiêm minh cả người có hành vi tham nhũng, lãng phí và người bao che, dung túng, tiếp tay, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, lãng phí. Kết luận khẳng định: Không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai. Điều này được thể hiện rất rõ qua kết quả của công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp trong thời gian gần đây. Nhiều vụ đại án đã được đưa ra xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội, xử lý cả cán bộ đương chức và cán bộ về hưu, kể cả cán bộ cao cấp của Đảng. Qua đó, từng bước tạo được niềm tin trong nhân dân.

Đấu tranh PCTN, lãng phí phải được tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục và phải có những bước đi vững chắc; tích cực, chủ động và phải có trọng tâm, trọng điểm. Trước yêu cầu PCTN, lãng phí hiện nay là rất cấp bách, bức thiết, nhưng không thể nóng vội, chạy theo dư luận, sa vào chủ nghĩa dân túy, dễ làm mất ổn định tình hình và bị kẻ địch lợi dụng. PCTN, lãng phí phải được tiến hành ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực nhưng phải tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn trọng tâm, trọng điểm, dễ phát sinh tham nhũng.

Về nhiệm vụ, giải pháp: Kết luận số 10 của Bộ Chính trị đã đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện, trong đó nổi bật một số vấn đề chính sau: nhấn mạnh vai trò nêu gương, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu trong PCTN, trong xây dựng thể chế; tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ cán bộ, đảng viên; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn; xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí; tập trung xác minh, điều tra làm rõ, xử lý kịp thời, nghiêm minh những vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí.

Nội dung của các nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể, phù hợp với những nội dung về PCTN, lãng phí trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII), xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể. Một số nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về công tác cán bộ, về PCTN, lãng phí được nhắc lại, nhấn mạnh, làm sâu sắc thêm, thể hiện tính thống nhất, đồng bộ trong chủ trương, đường lối của Đảng.

Kết luận đã kết hợp các hoạt động có mối quan hệ gắn bó hữu cơ, tương hỗ nhau làm cho các nội dung này đảm bảo tính khoa học, đồng bộ và toàn diện hơn: Kết hợp phòng – chống; thường xuyên – cấp bách; kiên quyết – kiên trì; tăng thẩm quyền – tăng cường giám sát; tăng trách nhiệm – cải cách chế độ công vụ, cải cách chính sách tiền lương…

Tóm lại, KL số 10 của Bộ Chính trị thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng trong đấu tranh PCTN, lãng phí, khẳng định sự đúng đắn và tính nhất quán trong các mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp về PCTN, lãng phí trong quá trình lãnh đạo của Đảng. Bên cạnh đó, Kết luận thể hiện tinh thần nói thẳng, nói thật về thực trạng và những hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác PCTN, lãng phí thời gian qua. Từ đó, xác định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của tập thể, cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy đảng các cấp trong khắc phục hạn chế, yếu kém và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.

Các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Kết luận có nhiều điểm đột phá mới, trong đó đặc biệt nhấn mạnh các giải pháp triển khai thực hiện, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cần khẩn trương quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, quyết liệt để đạt được mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

GIANG SƠN

Chia sẻ bài viết