20/11/2017 - 21:41

Những di chứng của bệnh zona 

Nhiều người mắc bệnh zona (bệnh do Herper zoster) dân gian gọi là bệnh giời leo và thường tìm các thầy phán để chữa bệnh. Khi cách chữa dân gian không hiệu quả, người bệnh mới đến bệnh viện (BV). Hệ quả của việc không điều trị kịp thời dễ để lại di chứng, ảnh hưởng sức khỏe và tốn kém nhiều chi phí.

Hệ lụy của tự việc làm “bác sĩ”

Bác sĩ CKI Phạm Đình Tụ thăm khám cho bệnh nhân zona. 

Ghi nhận từ thực tế khám chữa bệnh, bác sĩ CKI Phạm Đình Tụ, Phó Trưởng Khoa nội trú, BV Da liễu TP Cần Thơ cho biết, bác sĩ thường nghe bệnh nhân zona nói là: “Bác sĩ ơi tôi mắc bệnh không dám gọi tên”. Các trường hợp mắc bệnh zona chỉ đến BV Da liễu thành phố sau khi đã tìm đến các thầy phán hoặc điều trị đủ cách theo mẹo dân gian mà bệnh không khỏi. Như cụ bà Nguyễn Thị Huế (75 tuổi, ở quận Cái Răng) đã tìm đến nhà 4 thầy phán để trị bệnh “không dám gọi tên và họ dùng bút lông viết tên họ bà lên tàu lá chuối, rồi để lên nóc nhà. Bệnh không khỏi, bà Huế phải đến bệnh viện điều trị.

Nhiều người bị bệnh giời leo còn dùng bút khoanh tròn chỗ nổi bóng nước để tránh lây lan, hoặc đắp lá thuốc cây cỏ vườn. Theo các bác sĩ da liễu, những việc làm đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm trùng cho vết loét. Cô Trần Thị Nga Hoàng (65 tuổi, ở huyện Cờ Đỏ) nổi bóng nước ở đầu chân mày, đau mắt, cô giã lá gòn tươi đắp lên bóng nước. Qua một đêm, bệnh diễn tiến nặng, các bóng nước chuyển màu tím thẫm, lan lên trán, trên da nửa bên đầu và lan xuống mắt, mũi. Cô Hoàng đến BV Mắt – Răng Hàm Mặt thành phố thăm khám, được các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh zona, chuyển đến BV Da liễu TP Cần Thơ điều trị. Cô Hoàng kể: “Sau 1 tuần điều trị, tôi xuất viện về nhà nhưng đau nhức vẫn châm chích, rớt nước mắt, tưởng chừng không chịu đựng nổi, mấy đêm liền không ngủ được. Sau đó, tôi đến phòng mạch bác sĩ chuyên khoa da liễu để tiếp tục điều trị di chứng của bệnh zona thêm 5 tuần nữa mới khỏi”.

Bác sĩ CKI Phạm Đình Tụ cho biết: “Bệnh nhân Hoàng có các triệu chứng điển hình của bệnh zona. Mặc dù các bác sĩ chuyên khoa đã điều trị rất tích cực nhưng hậu quả để lại sau khi điều trị lành sẹo là các cơn đau nhức dữ dội. Thậm chí bệnh tổn thương đến mắt, khiến mắt bệnh nhân sưng đỏ, đau nhức”. Theo bác sĩ Phạm Đình Tụ, bệnh giời leo theo cách gọi dân gian, do virus Herper zoster tấn công vào hệ thống thần kinh ngoại biên nên được gọi là zona thần kinh. Sau cơn phát bệnh, nếu điều trị đúng, bệnh nhân hồi phục trong vòng một tuần; nếu điều trị chậm trễ bệnh nhân phải chịu di chứng đau nhức do thần kinh bị tổn thương. Điều trị di chứng tích cực, bệnh nhân có thể hết đau nhức trong vòng 2- 3 tháng. Tuy nhiên, nếu bệnh không được chữa trị đúng mức, các tổn thương thần kinh diễn tiến âm ỉ dẫn đến các cơn đau nhức kéo dài cả năm, thậm chí lâu hơn.

Nguy cơ mắc thêm bệnh khác

Theo bác sĩ Phạm Đình Tụ, các cơn đau nhức nhối dữ dội và ban đêm đau nhiều hơn ban ngày là nỗi khiếp đảm dai dẳng của người bệnh zona, nếu điều trị trễ. Bệnh nhân thường chỉ đau vùng tổn thương, như viêm cánh tay thì đau dữ dội dọc cánh tay. Nổi mụn rộp ở bên nào, đau bên đó. Nhiều người bệnh không chịu đựng nổi các cơn đau, phải uống thuốc liên tục. Trong nhiều trường hợp, các bác sĩ buộc phải sử dụng các phương pháp phong bế thần kinh để giảm đau cho người bệnh. Các thuốc giảm đau kèm nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng đến gan thận, hoặc các thuốc đau nhức thần kinh dạng trầm cảm ba vòng, chủ yếu điều trị các bệnh thần kinh nhưng bác sĩ phải sử dụng mới giúp bệnh nhân giảm đau được. Như vậy, người bệnh có nguy cơ mắc thêm nhiều bệnh khác sau khi điều trị khỏi di chứng của zona.

Triệu chứng đầu tiên của zona thần kinh là gây sốt 1 – 2 ngày rồi bắt đầu nổi những chùm bóng nước lên nền da ửng đỏ. Sau khi hạ sốt thì mật độ bóng nước nổi lên dày thêm, lan theo đường dây thần kinh liên sườn, nửa lưng phía sau, đi vòng ra trước của cơ thể. Một số trường hợp bệnh xuất hiện sớm triệu chứng nóng sốt rồi mới nổi bóng nước. Nhiều người cảm thấy ngứa, gãi vỡ bóng nước, chảy dịch gây vết loét nhiễm trùng rộng. Bác sĩ da liễu khuyến cáo, muốn điều trị bệnh hiệu quả, khi những chùm bóng nước xuất hiện trên da, người bệnh phải đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu để được điều trị đúng cách, giảm di chứng về sau.

Theo các bác sĩ, zona thần kinh thường gặp ở trẻ em và người già vì sức đề kháng của nhóm này yếu. Bệnh lây qua đường hô hấp. Hiện chưa có thuốc ngừa bệnh. Thời gian ủ bệnh từ 1 – 3 tuần. Vì thế, nếu trong quá trình phát bệnh, người bệnh không được phát hiện, điều trị sớm, cách ly đúng cách có thể lây bệnh cho người thân trong gia đình và những người xung quanh. Khi tiếp xúc với người bệnh, người thân phải mang khẩu trang để tránh lây nhiễm bệnh.

Về vấn đề điều trị bệnh zona tại tuyến y tế cơ sở, theo bác sĩ CKII Từ Tuyết Tâm, Phó Giám đốc BV Da liễu TP Cần Thơ, các đơn vị y tế cơ sở còn thiếu nhân lực chuyên khoa da liễu, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị cho người bệnh tại địa phương. Các đơn vị còn ít quan tâm đến lĩnh vực điều trị các bệnh lý da liễu nói chung, bệnh zona nói riêng, chưa chủ động đưa cán bộ lên tuyến trên học tập nâng cao trình độ chuyên môn lĩnh vực này hoặc yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật theo đề án 1816. Theo đó, một số đơn vị chưa dự trù thuốc điều trị bệnh zona, nên ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, có thể dẫn đến di chứng sau bệnh nặng nề. Theo quy định, các BV quận, huyện được chuyển bệnh nhân zona đến BV Da liễu TP Cần Thơ, để đảm bảo quyền lợi của người bệnh BHYT.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết