15/05/2010 - 20:53

Những đền thờ Bác Hồ ở ĐBSCL

Ngay sau khi hay tin Hồ Chủ tịch qua đời, trong niềm kính yêu và nỗi tiếc thương vô hạn, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã trân trọng lập các miếu thờ, phủ thờ, đền thờ… để ghi nhớ công đức của Bác và không ít người lập bàn thờ Bác ngay tại nhà riêng. Theo thống kê chưa đầy đủ, ĐBSCL có trên 30 đền, phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Báo Cần Thơ xin giới thiệu một số đền thờ, phủ thờ, bàn thờ từng xây dựng tồn tại trong chiến tranh từ cuối năm 1969 đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước - năm 1975.

Đền thờ Bác Hồ ở Trà Vinh

Đền thờ Bác Hồ ở Trà Vinh từng được nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng gọi là “Công trình trái tim”. Đó là một biểu tượng của tấm lòng người dân Trà Vinh đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh – tọa lạc tại ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thị xã Trà Vinh, cách trung tâm nội ô chưa đến 5 cây số, về hướng Đông Bắc.

Sau khi hay tin Bác mất, từ một ấp nhỏ bên thị xã Trà Vinh có một lễ truy điệu Hồ Chủ tịch được tổ chức trang nghiêm và cảm động. Sau đó, Chi bộ và nhân dân Long Đức quyết định xây đền thờ Bác để cho đồng bào, chiến sĩ có chỗ thắp nhang cúng Bác. Đền thờ Bác được đặt tại ấp Vĩnh Hội, ngay giữa lòng địch, chỉ cách bót giặc về phía Bắc 300m, phía Nam cách bót Ông Xe không đầy 100m. Đặc biệt, điểm xây dựng đền thờ chỉ cách dinh tỉnh trưởng khoảng 5 cây số. Đền thờ nằm cách sông Tiền 600m, cứ một tiếng đồng hồ là có tàu chiến ngụy tuần tra kiểm soát. Nghĩa là đền thờ nằm gọn trong tầm súng các cỡ của kẻ thù.

Đền thờ Bác Hồ ở Trà Vinh. Ảnh: BÁ THI  

Đền được khởi công xây dựng vào ngày 10-3-1970 và khánh thành ngày 26-1-1971. Khi mới xây dựng, đền có kết cấu đơn sơ với vật liệu tre, lá trên một diện tích khiêm tốn 16m2. Trong chiến tranh, đền đã nhiều lần bị địch tàn phá. Ngày 10-3-1971, đền bị đốt cháy. Đầu năm 1972, nhân dân Long Đức lại góp tiền của và công sức xây lại ngôi đền mới. Ngày 29-4-1975, đền lại bị bom đạn làm hỏng một phần. Sau ngày giải phóng, đền được trùng tu, tôn tạo nhiều lần.

Ngôi đền hiện tại có kết cấu theo kiểu hình khối vuông, nóc bánh ú, mái lợp lá, nền láng xi măng. Di tích có nhiều hạng mục như: cổng chào, nhà dừng chân, đền thờ Bác, nhà bao che, nhà truyền thống, đài tưởng niệm, ao sen... trên diện tích rộng khoảng 7ha.

Ngày nay, vào những dịp lễ, tết, ngày cưới hoặc khi đạt thành tích trong lao động, học tập và công tác, nhiều gia đình cán bộ và quân dân trong tỉnh Trà Vinh đến viếng, thắp hương tại đền. Khu di tích này đã được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia vào năm1989.

Đền thờ Bác Hồ ở Hậu Giang

Đền thờ Bác Hồ tọa lạc tại ấp III, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, được lập nên từ năm 1969, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh mất. Năm 1972, đền bị chiến tranh phá hỏng. Sau năm 1975, nhân dân Long Mỹ dựng lại đền với kiến trúc đơn sơ trên nền cũ. Năm 1995, đền được xây dựng lại và không ngừng được trùng tu qua các năm. Đến đầu năm 2000, đền được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia và được xây dựng qui mô tọa lạc trên một khu đất rộng gần 2 ha, gồm có 7 hạng mục công trình. Mặt chính đền thờ có ba cửa ra vào, mỗi mặt bên có một cửa ra vào. Đền thờ có lối kiến trúc mang tính dân tộc, trang trọng, tôn kính của một công trình tưởng niệm. Bên cạnh đền thờ có nhà trưng bày. Nhà có diện tích 312 m2, trưng bày hai chuyên đề lớn: thời thơ ấu - cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch và Hồ Chủ tịch với miền Nam – miền Nam với Hồ Chủ tịch. Trung tâm phòng trưng bày là tượng Hồ Chủ tịch làm bằng gỗ giáng hương cao 2,4 m. Việc trùng tu tôn tạo lại Đền thờ Bác mở rộng thêm phủ thờ chính thuận tiện cho việc làm lễ được tiến hành với kinh phí trên 4,5 tỉ đồng, đã hoàn thành trước Tết âm lịch năm 2010.

Hằng năm, vào ngày sinh và ngày mất Bác Hồ, đền là nơi tổ chức nhiều hoạt động văn hóa thể thao phong phú như: kéo co, nhảy bao bố, cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền, biểu diễn văn nghệ, đờn ca tài tử, chiếu phim...

Đền thờ, Phủ thờ Bác ở Cà Mau

Cà Mau là địa phương có nhiều đền, phủ thờ Bác nhất. Theo báo cáo của Tỉnh ủy Cà Mau năm 1972 thì số đền, phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được lập sau ngày Người mất lên đến trên 20. Ngoài nhà sàn Bác Hồ đặt trong Công viên văn hóa thành phố Cà Mau mới xây dựng gần đây theo mô hình nhà sàn của Bác tại Thủ đô Hà Nội, hầu hết các đền thờ khác đều xây cất trong chiến tranh ác liệt, dưới bom, đạn của kẻ thù. Đặc biệt có 8 ngôi đền hoàn thành xong ngay trong năm Bác mất (1969).

- Ngôi đền thờ Bác xây cất đầu tiên trên đất mũi Cà Mau dựng bằng gỗ đước ở hậu Nà Chim, gần ngã ba Kinh Đào, ấp Biện Trượng, xã Đất Mới (Viên An), huyện Ngọc Hiển do tỉnh đội Cà Mau và tổ đảng cùng nhân dân địa phương hợp sức thi công và hoàn thành vào trung tuần tháng 9-1969 (sau Bác mất 7-8 ngày). Đền lúc đó nhỏ gọn, mỗi cạnh hơn 4m, kê táng lên sàn cao. Ván lót sàn bằng gỗ đước. Hai đầu song dừa lá, còn phía sau đóng bằng ván mắm. Thợ chánh xây dựng đền là ông Ba Long, ông Hai Khá. Hương khói cho đền là vợ chồng ông Ba Thu.

- Ngôi đền ở ngọn Ngã Quát (Đồng Ông Nghệ), ấp Hàm Rồng (nay là xã Hàm Rồng) cất chữ đinh, lót sàn gỗ, đầu song quay xuống sông. Hương khói cho đền là chú Năm Tấn, chú Hai Minh. Đến tháng 2-1974 bị bom, cả xóm dời vào ngọn Cái Trăn. Đền Bác được dời theo dựng tại ngọn ngã tư Kinh Ba.

- Ngôi đền ở Tắt Năm Căn (rạch Lô Ráng – Tắt Ông Kiểng), xã Năm Căn. Địch ở Năm Căn mấy lần tràn đến hòng phá đền nhưng không vào được nơi thờ cúng Bác Hồ. Sau đó, đội thiếu niên vào đội du kích, hương khói cho đền có Tư Đốc, Tư An, Ba Dữ...

- Đền ở Máng Chim, ấp Cái Xép, xã Viên An dựng bằng gỗ đước. Do hơn 100 hộ nơi đây đề xuất ý kiến, rồi cùng tổ đảng và lực lượng du kích địa phương xây dựng. Đền có cột vuông, to rộng 60m2, có nhà họp, có hành lang, sân lót gỗ đủ cho vài ba trăm người ngồi, có cầu thang phía trước, phía trong. Vài tháng sau Bác mất, đền dựng xong. Tháng 2-1970, bọn giặc vào phá đền. Bà con nơi đây lại ra ngã Sáu Cái Mú, dựng đền lại, tiếp tục thờ cúng Bác và quyết liệt đánh giặc để bảo vệ đền thờ.

- Ngôi đền dựng ở Ong Bọng, ấp Khai Long (Cái Xép), xã Viên An cũng làm bằng gỗ đước. Tháng 10 và 11-1969, xã họp dân nói về công ơn Bác Hồ. Bà con ngư dân đề nghị cất đền thờ Bác Hồ. Bà con chọn cây đước 5-6 tấc hoành, đẽo vuông, lợp lá chằm. Ảnh Bác chưng ở giữa đền là ảnh in từ thời kháng Pháp do ông Hai Ngàn giữ lại. Sau Phòng Điện ảnh Tây Nam Bộ tặng ảnh mới của Bác, in từ Hà Nội.

- Đền thờ Bác ở ấp Rau Dừa (Đầu Sấu), xã Hưng Mỹ do ông Hai Sảnh, ông Mai Xuân Bình và bà Nguyễn Thị Bảy đề xuất và phát động xây cất. Ông Nguyễn Văn Cung là chủ đất xây nền đền thờ và người chăm lo hương khói, thờ phụng Bác ở đây. Đền khánh thành vào đầu tháng 11-1969.

- Đền thờ Bác trên đất Bàu Hầm tọa lạc giữa một cù lao, giữa các con kinh Bàu Hầm – Tám Lẫm, Rạch Nhum – Rạch Cái Keo, thuộc xã Quách Văn Phẩm B. Có 400 lượt người tham gia xây cất đền thờ Bác.

- Đền thờ Bác ở rạch Nhà Hội, ấp Kinh 17, xã Tân Ân do ông Năm Thới cùng bà con địa phương lập. Năm 1972, du kích ấp diệt gọn đội bảo an biệt kích càn vào khu đền, bắn rơi một trực thăng gần kinh Cây Cóc, rạch Nhà Hội.

Đền thờ Bác Hồ ở Bạc Liêu

Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh bên bờ sông Bà Chăng, thuộc ấp Bà Chăng A, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, cách trung tâm tỉnh Bạc Liêu khoảng 18 km theo Quốc lộ 1A về hướng Bắc. Đền được xây dựng vào tháng 3-1970, khánh thành ngày 19-5-1972. Trong chiến tranh, đền thờ nhiều lần bị bom đạn tàn phá, nhiều đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ đền. Đền được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1998.

Đây được xem là địa chỉ đỏ, nơi hành hương về nguồn của nhân dân địa phương và du khách gần xa. Hằng năm, đền thờ là nơi tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhân ngày sinh của Bác (19-05), ngày Bác mất (02-09), nhiều đoàn viên thanh niên của huyện và tỉnh thường xuyên tổ chức về thăm đền thờ, tổ chức sinh hoạt Đoàn, Đội và các loại hình sinh hoạt văn hóa khác.

Khuôn viên đền rộng hơn 6.000m2. Phía sau đền có nhà trưng bày với khoảng trên 300 tài liệu, hiện vật và hình ảnh về: cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quân dân xã Châu Thới chiến đấu bảo vệ đền thờ Bác. Phía trước đền thờ, nhìn từ nhà trưng bày, có hai bức phù điêu kích thước 3 x 11 m. Giữa trung tâm nhà trưng bày có tháp sen cao 4 m. Khu di tích còn có hoa viên và hội trường để chiếu phim tài liệu giới thiệu với du khách khái quát về lịch sử chiến đấu, xây dựng và bảo vệ đền của quân và dân Châu Thới.

Năm 2009, tỉnh Bạc Liêu đã đầu tư gần 32 tỉ đồng nâng cấp, mở rộng di tích. Theo dự án, đền thờ Bác sẽ được mở rộng thêm 4,5 ha, với hơn 10 hạng mục, công trình mới. Trước mắt, 2 hạng mục nhà bao che phủ thờ Bác và nhà trưng bày hiện vật về Bác sẽ được triển khai xây dựng với kinh phí hơn 3 tỉ đồng, dự kiến năm 2010 hoàn thành và đưa vào hoạt động. Các hạng mục còn lại sẽ được triển khai trong những năm tiếp theo.

Đền thờ Bác Hồ ở Sóc Trăng

Đền thờ Bác Hồ thuộc xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, cách trung tâm huyện Cù Lao Dung hơn 5 km về hướng Đông. Đền được xây dựng vào năm 1969, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Ban đầu, đây chỉ là một ngôi đền nhỏ, dựng bằng tre lá đơn sơ. Trong chiến tranh, đền không ít lần bị bom đạn bắn phá, sau đó người dân địa phương dựng lại.

Sau nhiều lần tôn tạo, trùng tu, ngôi đền nhỏ đơn sơ ngày nào đã trở thành khu di tích lịch sử quy mô, với nhiều hạng mục: cổng chào, đền thờ Bác, nhà truyền thống cùng nhiều hiện vật khác. Khu di tích này được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia vào năm 2001.

Tháng 8-2009, tỉnh Sóc Trăng đã phê duyệt dự án xây dựng mới đền thờ Bác Hồ với kinh phí 16 tỉ đồng. Đền thờ Bác Hồ được thiết kế hình tượng hoa sen cách điệu với trung tâm hoa sen là ngôi đền và hai ao sen hai bên. Bên cạnh khu nhà lưu niệm, công viên cây xanh, còn có sân lễ rộng để vừa phục vụ việc hành lễ vừa là nơi để thanh niên trong tỉnh tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ.

Đền thờ Bác Hồ ở Tiền Giang

Theo nhiều vị cán bộ cách mạng lão thành, trước ngày 30-4-1975 ở huyện Cái Bè còn có 2 đền thờ Bác Hồ được dựng vào năm 1972 ở xã Mỹ Thiện (sau này tách thành 2 xã Thiện Trung và Thiện Trí) và một Hậu Mỹ Nam để tưởng nhớ và hun đúc lòng cán bộ, nhân dân xã nhà trong kháng chiến chống Mỹ. Tại xã Mỹ Thiện, đền thờ được dựng ở ấp Mỹ Phúc gần rạch Cả Sơn, trong khoảnh đất vườn của ông Đỗ Văn Điệu. Đền thờ lúc bấy giờ lợp fibro xi măng (bây giờ là tole), vách đóng bằng cây, có bàn thờ và ảnh Bác bằng vải với chiều rộng khoảng 6m và trước đền có cột cờ. Đền thờ Bác Hồ tại xã Hậu Mỹ Nam đặt ở ấp Mỹ Tường, mái và vách lợp lá, có bàn thờ với ảnh Bác bằng giấy in. Suốt thời gian chiến tranh, hai đền thờ này được bảo vệ nguyên vẹn.

***

Những đền, phủ thờ Bác Hồ ở ĐBSCL quy mô lớn nhỏ khác nhau nhưng mỗi công trình là một huyền thoại diệu kỳ, một câu chuyện cảm động về lòng kính yêu Bác của nhân dân Đồng bằng sông Cửu Long. Hàng năm, vào các dịp lễ, Tết, kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mọi người đều tề tựu về các đền, phủ thờ thăm viếng, dâng hương tưởng nhớ, biết ơn công lao to lớn của Người trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

DUYÊN KHÁNH (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết