23/11/2017 - 15:14

Những công nghệ tương tác mới 

Nhận dạng giọng nói, điều khiển cử chỉ và hệ thống giao diện não-máy tính đang thay đổi cách chúng ta tương tác với nó. Nhưng đừng quên ánh mắt huyền bí của bạn cũng có thể điều khiển thiết bị kỹ thuật số. Dưới đây là những công nghệ có thể “tiễn” chuột và bàn phím máy tính vào bảo tàng trong tương lai gần.

1. Nhận dạng giọng nói

Nếu bạn đã có cuộc trò chuyện gần đây với trợ lý ảo Siri của Apple, Cortana của Microsoft hay Google Assistant (OK Google), bạn có thể thấy công nghệ nhận dạng giọng nói đã làm việc rất tốt. Những “đường dây nóng” phục vụ khách hàng với nhân viên trực xuyên suốt truyền thống đang chuyển dần sang công nghệ trả lời tự động và hoạt động hiệu quả hơn.

Tất cả là nhờ Trí tuệ Nhân tạo (AI), hệ thống máy học chuyên dụng đã có những bước tiến lớn, có thể liên tục xử lý một lượng dữ liệu khổng lồ để phân tích, tìm kiếm mẫu và trả lời hợp lý.

Các hãng công nghệ lớn như Google và Apple đang phát triển những chương trình truyền thông di động (dùng AI) để lưu trữ dữ liệu ghi âm qua nhiều năm, từ đó cho phép các thuật toán độc quyền của họ dự đoán và hiểu được những gì bạn đang nói. Các công nghệ này khi kết hợp với micrô và loa thông minh (như Amazon Echo hoặc Apple HomePod), sẽ giúp người dùng giao tiếp với máy tính bằng giọng nói dễ dàng hơn.

2. Điều khiển bằng cử chỉ

Hiện nay, hàng trăm công ty và phòng nghiên cứu trên khắp thế giới đang tích cực làm việc về các hệ thống điều khiển cử chỉ, và ngành công nghiệp ô tô đang đóng vai trò dẫn đầu.

Các mẫu xe công nghệ cao, như BMW 7 Series giờ đây cho phép kiểm soát đài phát thanh (radio) và màn hình điều khiển bằng cử chỉ của tay mà không cần chạm vào thiết bị.

Tại nơi làm việc, các thiết bị ngoại vi như bộ điều khiển Leap Motion đã được công bố về việc nhận dạng cử chỉ và đang phát huy tác dụng. Các công nghệ này cơ bản là sử dụng máy ảnh và cảm biến hồng ngoại, theo dõi hoạt động của tay và các ngón tay của bạn trong vùng điều khiển được chỉ định, sau đó nhập các lệnh tùy thuộc vào phần mềm bạn đang sử dụng và đưa ra quyết định cho máy phù hợp với cử chỉ bạn chỉ định.

3. Theo dõi ánh mắt

Máy tính không thể biết những gì bạn suy nghĩ, nhưng có thể dự đoán những gì bạn muốn tìm kiếm. Công nghệ được gọi là theo dõi mắt sẽ theo dõi vị trí và sự xuất hiện của nhãn cầu để xác định xem bạn đang nhìn gì và trong bao lâu. Dữ liệu đầu vào là những thông tin được các thiết bị công nghệ tinh vi chụp từ nhãn cầu của bạn. Hệ thống sẽ phân tích để nhận ra những điều bạn muốn tìm và tự nhấp chuột. Việc xử lý dữ liệu qua ánh mắt có thể chậm hơn so với nhận dạng cử chỉ nhưng ổn định. Phương pháp này đã được phát triển để giúp người tàn tật trong những năm gần đây. Microsoft cũng thông báo sẽ hỗ trợ công nghệ theo dõi ánh mắt trong bản cập nhật tiếp theo của Windows 10.

4. Giao diện não-máy tính

Các nhà khoa học tiên đoán sự hợp nhất giữa con người và máy tính không chỉ là có thể, mà đó là không tránh khỏi. Giao diện não-máy tính (Brain-computer interface hay BCI), là một tên đặt mới cho các hệ thống thiết lập kết nối trực tiếp giữa não con người và thiết bị bên ngoài. Công nghệ này với tai nghe đặc biệt có thể đọc được sóng não qua da đầu, sau đó chuyển thông tin đến một thiết bị đầu vào cho hệ thống máy tính.

Công ty MyndPlay của Anh và NeuroSky của Mỹ là hai công ty tiên phong phát triển công nghệ này. Công ty MyndPlay đã phát triển toàn bộ dòng game (trò chơi) và các ứng dụng của họ sử dụng tai nghe gắn cảm biến EEG để thu nhận các tín hiệu cụ thể từ não người chơi. Trong khi đó, công ty NeuroSky dùng các bộ cảm biến sinh học, tương tự EEG, bao gồm cả MindWave Mobile có khả năng tương tác với sóng não. Tất cả có nhiệm vụ thực hiện các yêu cầu khi nhận thông tin trực tiếp từ não người dùng.

HOÀNG THY (Theo Computerworld)

Chia sẻ bài viết