30/10/2009 - 20:30

Những chuyến xe nghĩa tình

Đội xe cứu thương phường An Lạc. (Từ trái sang: Anh Phan Anh Tuấn, chị Nguyễn Thị Thanh Loan -Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường An Lạc, anh Phan Anh Dũng, anh Nguyễn Ngọc Duy).

Thỉnh thoảng, có những đêm, khi người dân khu vực II, phường An Lạc đang yên giấc, bỗng nghe tiếng xe cứu thương vang lên rồi xa dần trong đêm khuya thanh vắng. Người dân sau một lúc lo lắng, đã có thể ngủ tiếp vì biết rằng người bệnh và thân nhân của họ đã có sự giúp đỡ tận tình của Đội xe cứu thương phường An Lạc, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ...

* Đội cứu thương từ thiện

Hơn 4 năm trước, khi kinh tế gia đình đã bắt đầu ổn định, anh Phan Anh Tuấn, ngụ khu vực II, phường An Lạc, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ bàn với vợ bỏ nghề chạy xe khách, kinh doanh tại nhà để sắm xe cứu thương, bắt đầu cho những chuyến xe chở bệnh nghĩa tình. Với bà con trong khu vực và bà con có hoàn cảnh khó khăn ở các quận, huyện ngoại thành TP Cần Thơ, anh Tuấn tuyệt đối không nhận tiền dịch vụ, đôi khi còn không nhận cả tiền dầu chạy xe.

Sau một năm đưa xe cứu thương vào hoạt động, thấy việc làm này có ích cho bà con, nên anh Phan Anh Dũng (anh của anh Tuấn) cũng tranh thủ những lúc rảnh rỗi “cầm vô-lăng” xe cứu thương cùng với em trai. Có kinh nghiệm hơn 20 năm làm dịch vụ xe khách nên anh Tuấn không gặp nhiều khó khăn trong bước đầu làm quen với việc chạy xe cứu thương. Thời gian đầu, thông qua các mối quan hệ làm ăn trước đó, anh chạy xe cứu thương chở bệnh nhân của những người thân quen là chủ yếu. Cuối tháng 9 năm 2007, sau sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, nhiều người biết đến anh hơn, do hầu như trong suốt thời gian diễn ra công tác cứu hộ, cứu nạn, ngày nào anh cũng túc trực ở bên bờ Cần Thơ để đưa người bị nạn đi cấp cứu miễn phí. Không những thế, anh còn tự quyên góp và vận động nhiều nhà hảo tâm khác giúp đỡ gạo, tiền cho gia đình những người bị nạn. Hiện nay, đội xe của anh trực thuộc sự quản lý của Hội Chữ thập đỏ phường.

Hỏi về nguyên nhân thúc đẩy anh làm công việc này, anh Tuấn tâm sự: “Ba tôi là bác sĩ, ông thường hay giúp đỡ những người nghèo. Chính ba là người đã gieo vào lòng tôi suy nghĩ: Khi nào kinh tế gia đình ổn định, mình nên làm việc gì đó có ích cho xã hội”. Với suy nghĩ đó, anh Tuấn tình nguyện làm công tác từ thiện này đã gần 5 năm nay. Sau 3 năm kể từ khi “kết thân” với chiếc xe cứu thương, anh thấy nhu cầu của bà con xung quanh còn rất nhiều, do đó anh quyết định mua thêm một chiếc xe nữa và tìm thêm một tài xế cho đội xe cứu thương của mình là anh Nguyễn Ngọc Duy. Công tác cứu thương lúc này không chỉ giúp bà con trong khu phố mà còn mở rộng ra cả các tỉnh thành xa. Biết được việc làm tốt của anh em anh Tuấn, nhiều tài xế xe cứu thương hay các cô, các chị của phòng nấu cơm, phát thuốc từ thiện của các bệnh viện xin số điện thoại để khi có bệnh nhân nghèo không có khả năng mướn xe về quê thì “alô” ngay cho anh Tuấn, để anh giúp đỡ. Chị Lê Thị Thanh Thúy, vợ anh Tuấn, bộc bạch: “Thấy ảnh đi xa, mình cũng lo nhưng hai vợ chồng đã tâm nguyện khi nào trả hết nợ nần, cuộc sống ổn định, sẽ làm việc gì đó có ích cho xã hội. Với lại, tôi nghĩ làm việc thiện để phúc lại cho con nên không cảm thấy ngần ngại gì cả”.

Với hai chiếc xe cứu thương và hai tài xế, anh Tuấn đã làm nên một đội xe cứu thương, sẵn sàng đến bất cứ đâu để giúp đỡ những bệnh nhân nghèo. Anh Nguyễn Hữu Trung, cùng ngụ khu vực II, phường An Lạc, nói: “Chú Tuấn chạy xe cứu thương giúp đỡ bà con ở đây lâu rồi. Nhà tôi cũng có nhờ chú Tuấn chạy xe chở dì đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ mấy lần. Nhờ có chú Tuấn mà dì tôi được cấp cứu kịp thời, qua cơn nguy kịch. Tôi trả tiền dầu, chú ấy cũng không nhận. Bà con kêu đi đâu thì đi đó, cả ma chay từ thiện chú cũng sẵn sàng”. Làm công việc cứu thương từ thiện đòi hỏi người tham gia phải có tấm lòng nhiệt tình, không ngại khó khăn để cùng lo, cùng chia sẻ buồn, vui với thân nhân người bệnh bất kể thời gian nào. Hay có những lúc Đội xe cứu thương chở bệnh nhân về tận quê nhà với đoạn đường vài trăm cây số nhưng chỉ nhận tiền dầu mà không nhận chi phí dịch vụ. Biết việc làm từ thiện của anh Tuấn nên hễ khi nào chuyển bệnh nhân có hoàn cảnh quá khó khăn, anh Dũng và anh Duy cũng không nhận tiền dịch vụ. Anh Dũng bộc bạch: “Tôi tham gia vào Đội xe cứu thương với Tuấn được hơn 3 năm nay. Kinh tế gia đình ổn định, có thời gian rảnh nên tôi chạy xe cứu thương với Tuấn. Mỗi ngày, bỏ thời gian chừng vài giờ chạy xe cho bà con cũng không có gì đáng kể. Những chuyến xe miễn phí, Tuấn không lấy tiền thì tôi cũng không tính công làm chi”.

* Nghĩa cử cao đẹp

Vì Đội xe cứu thương phường An Lạc không chỉ đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu mà còn đưa bệnh nhân từ bệnh viện về quê, nên khi mới bắt đầu tham gia vào đội, anh Dũng và anh Duy cũng không tránh khỏi sự bỡ ngỡ. Anh Duy tâm sự: “Lúc mới tham gia cũng hơi sợ nhưng chạy riết rồi quen. Có những lần khi đang trên đường chở bệnh nhân hấp hối về quê, bệnh nhân bất chợt thở gấp rồi tắt thở, người nhà khóc òa lên, mình là người lái xe cũng không cầm được nước mắt”.

Để đảm bảo cho việc cứu thương được hoàn thiện hơn, ngay từ khi mới vào nghề, anh Tuấn, anh Dũng và anh Duy đều được các cán bộ điều dưỡng ở một số bệnh viện hướng dẫn cách thay băng ca, chuyển bệnh nhân như thế nào cho khỏi động, cách truyền nước biển, lắp máy thở ôxy... Làm nhiệm vụ chạy xe cứu thương, các anh lúc nào cũng phải đặt thời gian cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân lên hàng đầu, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo an toàn cho cả bệnh nhân và người nhà của họ. Khi nhận được điện thoại, các anh hỏi kỹ vị trí nhà của bệnh nhân. Nếu con hẻm chính quá nhỏ, xe không vào được, các anh linh động chọn con hẻm khác rộng hơn và cẩn thận de xe vào trong để tránh trường hợp không có nơi quay đầu xe và đảm bảo bệnh nhân không phải di chuyển nhiều từ nhà ra xe. Cũng vì vậy, nhiều chuyến xe đã để lại cho các anh và người dân nhiều ấn tượng khó phai. Trong một lần đưa bệnh nhân hấp hối về quê ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, vì cố gắng đưa bệnh nhân vào tận trước cửa nhà mà anh Duy để các bánh xe lún sâu xuống khoảng sân mới vừa được thổi bùn và cát, mặt sân vẫn chưa khô. Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của bà con trong xóm và thân nhân người bệnh, anh Duy mới có thể đưa chiếc xe ra khỏi khoảng sân sình lầy và kịp trở về Cần Thơ khi trời vừa tối. Cô Phạm Thị Kim Hương, ngụ phường An Lạc, quận Ninh Kiều, kể: “Nhờ ở phường có thông báo số điện thoại của chú Tuấn, lúc anh tôi bị bệnh, có nhờ chú Tuấn chở đi cấp cứu. Ở đây hẻm nhỏ, chú phải de xe từ đầu hẻm 14 đường Nguyễn Thị Minh Khai vào tận trước cửa nhà để đỡ đoạn đường từ nhà ra xe cho người bệnh. Chú chở bệnh nhân đi lúc 14 giờ rồi lại chở về nhà lúc hơn 21 giờ tối nhưng mấy chú rất nhiệt tình. Xe đi tốc hành, khoảng 20-25 phút sau khi gọi là chú có mặt để chở bệnh nhân đi ngay”.

Thấy việc làm có ý nghĩa của anh Tuấn, anh Dũng và anh Duy, các anh chị hội viên Hội Chữ thập đỏ của phường vận động các anh tham gia vào Hội. Cũng từ đó, tập thể 3 anh em cùng hai chiếc xe cứu thương chính thức có tên gọi là Đội xe cứu thương phường An Lạc. Hội Chữ thập đỏ phường cho in tên và số điện thoại liên lạc của đội, dán ở nhiều nơi trong phường để người dân biết đến Đội xe cứu thương của anh Tuấn hơn. Đến nay, khi nhắc đến Đội xe cứu thương phường An Lạc và số điện thoại 0983.336616, hầu như người dân nào cũng biết đến đó là đội xe cứu thương của phường với sự sẵn sàng giúp đỡ của anh Tuấn, anh Dũng và anh Duy. Những khi các anh cần trợ giúp, Hội Chữ thập đỏ phường cử các tình nguyện viên của Hội đi theo giúp chuyển bệnh nhân lên xuống xe cứu thương.

Nói về Đội xe cứu thương của anh Tuấn, chị Nguyễn Thị Thanh Loan, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường An Lạc, cho biết: “Đội xe cứu thương của anh Tuấn chính thức gia nhập Hội Chữ thập đỏ của phường vào ngày 8-5-2009 nhưng trước đó đã hoạt động rất lâu. Nhờ có Đội xe cứu thương này mà nhiều người dân gần, xa được cấp cứu kịp thời và giảm được rất nhiều chi phí thuê dịch vụ xe chuyển bệnh nhân đi cấp cứu ở bệnh viện và từ bệnh viện về nhà, góp phần chăm lo sức khỏe và bảo đảm vấn đề an sinh xã hội cho người dân trong phường và các địa phương khác, được bà con rất đồng tình”.

Bài, ảnh: Anh Sơn

Chia sẻ bài viết