14/11/2017 - 16:46

Đồng chí Phạm Ngọc Trác, Nguyên Trung đội trưởng Trung đội thông tin của Tiểu đoàn Tây Đô, Nguyên Phó Ban Chính trị, Tỉnh đội Cần Thơ:

Những chiến công thầm lặng 

Từ năm 15 tuổi, tôi được kết nạp vào  Đoàn Thanh niên Lao động, tích cực tham gia các hoạt động bí mật của chi đoàn ở địa phương huyện Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ (cũ). Sau đó, tôi được tổ chức đưa lên Cần Thơ học trường đệ tứ, tham gia hoạt động phong trào học sinh, sinh viên. Sau khi tốt nghiệp, tôi trở về chiến khu ở Phụng Hiệp, thoát ly gia đình, tham gia cách mạng.

Từ năm 1960-1962, tôi lần lượt làm văn thư ở Văn phòng Huyện ủy Phụng Hiệp, Văn phòng Tỉnh ủy Cần Thơ rồi được chuyển về Phòng Quân báo của Tỉnh đội. Tại đây, tôi có nhiều đóng góp trong việc giải mã các điện tín của địch, phát hiện được nhiều âm mưu, ý đồ, kế hoạch của địch trong tác chiến. Khi Bộ Chỉ huy Quân sự của Khu thành lập Tổ trinh sát kỹ thuật, tôi được phân công đảm nhiệm vai trò tổ trưởng, tiếp tục phát huy công tác giải mã điện tín của địch.

Năm 1963, tôi được điều về đơn vị C31 và C20 (những đại đội độc lập của tỉnh) để hỗ trợ, tham mưu cho lãnh đạo về công tác điện tín, kỹ thuật. Năm 1964, tôi trở thành Trung đội trưởng Trung đội thông tin của Tiểu đoàn Tây Đô, kiêm lực lượng trinh sát kỹ thuật, phục vụ công tác chiến đấu của Tiểu đoàn.

Cung cấp nhiều thông tin quan trọng

Thời gian ở Tiểu đoàn Tây Đô, tôi đã cùng các đồng đội tham gia phục vụ nhiều trận đánh trên Lộ Vòng Cung, đồng thời, tham gia các đợt võ trang tuyên truyền. Biết một số bạn học cũ thời thiếu sinh quân đang làm trong hàng ngũ của địch, tôi làm công tác binh vận, nắm được những thông tin quan trọng.  Mặt khác, tôi làm thân các hộ dân trên lộ Vòng Cung có con em bị bắt đi lính hoặc làm việc cho địch, vận động họ cung cấp những thông tin hữu ích về tình hình quân sự của địch. Với những lợi thế trong công tác binh vận và phương tiện kỹ thuật (thông tin liên lạc, giải mã điện tín), tôi cùng các đồng đội giúp Tiểu đoàn nắm được trên 50% tình hình của địch, góp phần cho những thắng lợi trong các kế hoạch tác chiến của quân ta.

Một trong những trận đánh đáng nhớ trên Lộ Vòng Cung là khi tổ thông tin kỹ thuật nắm được kế hoạch càn quét của Tư lệnh Vùng 4 chiến thuật vào Ông Hào (xã Trường Long) ngày 8-6-1965. Chúng tôi phát hiện 2 thông tin quan trọng. Một là máy bay sẽ ném bom Nhà thờ Ông Hào, nơi có nhiều giáo dân trú ẩn. Tôi được giao nhiệm vụ đến gặp bà con thông báo máy bay sẽ ném bom và yêu cầu sơ tán, nhiều người rời khỏi nhà thờ. Tuy nhiên, một số người già, phụ nữ và trẻ em không đi kịp và bị nạn. Việc thứ hai là địch sẽ đổ quân xuống ngọn Càn Đước để tăng lực lượng đánh vào Đại đội 20. Tiểu đoàn Trưởng chỉ thị cho Đại đội 28 sẵn sàng tác chiến. Đúng 17 giờ, quân địch lọt vào khu vực Đại đội 28 phục kích. Đợi địch đến gần, ta đồng loạt nổ súng diệt và bắt sống một số tên, khai thác biết nó ở Trung đoàn 33, Sư đoàn 21 và chúng tạo cớ để đánh sập nhà thờ. Trận đánh tạo ra cục diện mới: Đại đội 23 và Đại đội 28 tập kích tiêu diệt gọn Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 33, Sư đoàn 21) của địch, thu nhiều súng đạn, máy thông tin.

Một trận đánh lớn khác tiếp giáp với lộ Vòng Cung làm tôi nhớ mãi. Đó là trận đánh Tiểu đoàn 44 – Biệt động quân của Ngụy ở Ô Môn, Thới Lai vào tháng 10-1966. Tôi phát hiện trên mã thám, địch sẽ hành quân đến Kinh Xáng Thị Đội để giải cứu tù binh và tấn công tiêu diệt địa phương quân của Ô Môn. Từ thông tin này, Tiểu đoàn đã có kế hoạch tác chiến, phục kích. Trận đánh diễn ra ác liệt với nhiều diễn biến phức tạp suốt một ngày trời, nhưng cuối cùng, quân ta đã giành chiến thắng. Đây là chiến công lớn của Tiểu đoàn Tây Đô khi đối đầu với tiểu đoàn mạnh nhất thuộc Vùng 4 chiến thuật của địch. 

Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành

Năm 1968, tôi bị thương ở rạch Bà Bộ khi cùng Tiểu đoàn Tây Đô tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân cùng cả nước. Mảnh bom trúng mặt bên má trái khiến tôi bị bể gò má, mất luôn mắt trái (thương binh hạng 2/4 – PV). Sau trận này, tôi chuyển ngành về Phòng Chính trị của Tỉnh đội, làm Phó Ban Chính trị.

Năm 1975, sau khi đất nước được thống nhất, tôi chuyển ngành, làm Bí thư Chi bộ xã Thạnh Thắng, huyện Thốt Nốt (cũ). 5 năm sau, tôi được rút về huyện, tại Đại hội Đảng bộ huyện, tôi đắc cử Thường vụ Huyện ủy, làm Trưởng Ban dân vận kiêm Chủ tịch Mặt trận huyện Thốt Nốt. Năm 2001, tôi về hưu, tham gia Hội Khuyến học xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh. Năm 2004, tôi được bầu làm Chủ tịch Hội Khuyến học Vĩnh Thạnh từ đó cho đến nay.

LỆ THU (ghi)

Chia sẻ bài viết