21/04/2018 - 07:34

Những bộ sách hay về lịch sử và văn hóa Việt 

Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam 21-4, tại Cần Thơ và nhiều thành phố lớn trong cả nước, nhiều hội sách và các triển lãm sách được tổ chức, góp phần phát triển và lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng. Dịp này, Báo Cần Thơ xin giới thiệu 3 bộ sách Việt Nam mới được phát hành và đánh giá cao tại các hội sách.

 “Chuyện Đông chuyện Tây” của học giả An Chi

“Chuyện Đông chuyện Tây” là chuyên mục thường kỳ trên Tạp chí Kiến thức Ngày nay từ năm 1992-2018, chuyên giải đáp thắc mắc của bạn đọc ở nhiều lĩnh vực, từ kiến thức Đông, Tây, kim cổ đến những vấn đề liên quan đến tiếng Việt. Chuyên mục do An Chi – một học giả có vốn kiến thức uyên thâm, phụ trách.

Những câu trả lời trong suốt 16 năm của học giả An Chi đã được in thành những tập sách lẻ trước đây. Năm 2018, Nhà xuất bản (NXB) Tổng hợp TP Hồ Chí Minh mang đến cho độc giả phiên bản đầy đủ nhất của “Chuyện Đông chuyện Tây” với bộ sách 4 tập. Đặc biệt, ở bản mới này, học giả An Chi có phần “Viết thêm cho lần in năm 2018” ở một số chỗ tác giả cho rằng cần có sự hiệu chỉnh, cập nhật thêm tri thức mới hoặc đã biến đổi theo thời gian.

“Thiệu Bảo bình Nguyên” của tác giả Hồng Thái    

Là bộ tiểu thuyết lịch sử, do NXB Trẻ phát hành, gồm 4 tập, thuật lại cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ 2 của Việt Nam dưới triều Vua Trần Nhân Tông (niên hiệu Thiệu Bảo).

Tuy dựa vào chính sử, nhưng “Thiệu Bảo bình Nguyên” được viết với văn chương trau chuốt và hội đủ những yếu tố cuốn hút của một thiên tiểu thuyết lịch sử, kiếm hiệp. Bắt đầu từ tập 1 “Điệp vụ thám báo”, tác giả đã tái hiện một hành trình bi hùng của những con người nhận nhiệm vụ làm gián điệp trên đất giặc. 3 tập sau: “Trước cơn dông tố”, “Sơn hà rực lửa” và “Khúc tráng ca mùa hạ” tiếp tục đi sâu vào những chiến công hiển hách, những hy sinh thầm lặng, những cuộc đối đầu nghẹt thở… của quân dân ta trước thế lực kẻ thù. Tiêu biểu như khoảnh khắc oanh liệt sau cùng của những người thám báo, ngày công chúa An Tư về với Thoát Hoan để đổi lấy thời gian cho nhà Trần kịp rút quân, những cuộc đi vào “cõi bất tử” của đội quân Yết Kiêu đục thủng thuyền giặc…

Tác phẩm dựa trên nền sự kiện, những nhân vật có thật, lồng ghép vào các tuyến nhân vật hư cấu (có ghi chú ở cuối sách), để làm bật lên bản hùng ca của những anh hùng Đại Việt, hào khí Đông A và sức mạnh của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Bộ ba tác phẩm của nhà văn Phùng Quán

Phùng Quán (1932-1995) là một trong những nhà văn tài hoa của Việt Nam. Ông để lại cho đời hơn trăm tác phẩm tiểu thuyết, thơ, truyện thơ, ký, truyện tranh… Trong đó, có những tác phẩm bất hủ về cách mạng như: “Tuổi thơ dữ dội”, “Vượt côn đảo”… Nhằm giúp độc giả có cái nhìn khái quát về cuộc đời và tài năng của nhà văn Phùng Quán, NXB Văn hóa – Văn nghệ ấn hành bộ ba tác phẩm: “Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào”, “Ba phút sự thật”, “Trăng hoàng cung” của ông.

“Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào” là những lời tự sự chân thật về cuộc đời và mối duyên giữa Phùng Quán và nghiệp văn chương. “Ba phút sự thật” gồm những bài ký viết về bạn bè, đồng nghiệp, người thân... vừa sinh động, lãng mạn và hài hước. “Trăng Hoàng cung” là tác phẩm kết hợp văn xuôi với thơ, được chắt lọc từ những trải nghiệm cuộc đời.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết