18/06/2016 - 15:58

Những bí quyết giúp dễ ngủ ngon

Theo các chuyên gia sức khỏe, giấc ngủ ngon sẽ giúp cơ thể phục hồi, duy trì năng lượng, tăng cường trí nhớ, phát triển khả năng học hỏi và ngăn ngừa bệnh tật. Để hạn chế tình trạng mất ngủ, ngủ không đủ giấc, chuyên gia về giấc ngủ Patrick Fuller thuộc Trường Y của Đại học Harvard (Mỹ) đã đưa ra một số lời khuyên giúp chúng ta dễ dàng có được giấc ngủ ngon mỗi đêm.

Ngủ và thức dậy theo giờ cố định

Giáo sư Fuller cho biết việc tuân thủ giờ giấc thức dậy vào buổi sáng và đi ngủ vào mỗi tối, kể cả những ngày cuối tuần giúp bạn điều chỉnh nhịp sinh học. Đây là yếu tố quan trọng để có được giấc ngủ ngon và tinh thần sảng khoái vào sáng hôm sau.

Ảnh: popsugar

Thiết lập "chế độ ngủ"

Theo Giáo sư Fuller, chúng ta nên thiết lập thói quen chuẩn bị cho thời gian ngủ. Chẳng hạn trước khi ngủ, bạn nên giảm bớt ánh sáng để tạo môi trường dịu nhẹ, thúc đẩy sản xuất hoóc-môn melatonin vốn giúp cơ thể nhanh đi vào giấc ngủ. Hoạt động này về lâu dài sẽ tạo thành thói quen giúp chúng ta ngủ dễ dàng hơn.

Hạn chế tiếp xúc màn hình vi tính

Nếu ánh sáng mờ tối hỗ trợ sản xuất hoóc-môn melatonin thì ánh sáng xanh từ thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng khiến não bộ "hiểu nhầm" nguồn sáng này là ánh sáng ban ngày, dẫn đến ức chế sản sinh melatonin. Theo thời gian, tác hại của ánh sáng xanh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhịp sinh học, tăng nguy cơ trầm cảm, béo phì, thậm chí một số bệnh ung thư. Do đó, Giáo sư Fuller khuyến cáo nên tránh hoặc hạn chế sử dụng thiết bị điện tử ít nhất một giờ trước khi ngủ.

Giảm nguồn sáng

Ngoài hạn chế ánh sáng từ thiết bị điện tử, chúng ta cũng nên tránh để ánh sáng từ tivi, đèn đường len lỏi vào phòng ngủ nếu bạn muốn có một giấc ngủ sâu.

Chỉnh nhiệt độ phòng thích hợp

Các nhà khoa học cho biết, cơ thể chúng ta trước khi ngủ bắt đầu giảm thân nhiệt so với lúc thức. Do đó, nhiệt độ tốt nhất cho một giấc ngủ ngon là không quá nóng và cũng không quá lạnh (khoảng giữa 200C và 220C). Ngoài ra, một căn phòng sạch sẽ, thoải mái sẽ giảm vi khuẩn, các yếu tố dị ứng gây rối loạn giấc ngủ, giúp bạn ngủ ngon và sâu hơn.

Tránh caffeine và các chất kích thích vào buổi chiều

Một số người dễ bị mất ngủ vào buổi tối khi uống cà phê vào buổi chiều do tác dụng của cafein kéo dài khoảng 6 tiếng. Vì vậy, Giáo sư Fuller khuyến cáo chỉ nên uống cà phê vào giữa buổi sáng và thay bằng một tách trà xanh sau buổi trưa nếu bạn không muốn bị mất ngủ vào ban đêm.

Tránh uống ruợu

Cũng giống như cafein, tác dụng của rượu có thể kéo dài suốt đêm và khiến chúng ta bị mất ngủ. Đặc biệt, nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia Mỹ cho thấy uống rượu trước khi ngủ làm giảm thời gian dành cho giai đoạn ngủ mơ (REM) - giai đoạn sau ngủ sâu và phục hồi của giấc ngủ.

Vận động ít nhất 20-30 phút/ngày

Nhiều nghiên cứu từng cho thấy tập thể dục làm giảm căng thẳng, ngăn ngừa bệnh tim, đột quỵ, bệnh tiểu đường, mất trí nhớ và một số loại ung thư. Thêm vào đó, tập thể dục vào buổi sáng và một số bài tập nhỏ vào buổi chiều còn tăng chất lượng giấc ngủ vào ban đêm. Lưu ý nên tránh bài tập đòi hỏi sức lực trước khi lên giường vì nó làm tăng thân nhiệt, căng cơ khiến bạn bị khó ngủ.

ĐƯỜNG THẤT (Theo Tech Insider)

Chia sẻ bài viết