19/10/2016 - 15:29

Những anh hùng “Mũ nồi trắng” tại Syria

Trong khi nhiều người tìm đường chạy trốn khỏi sự khốc liệt của cuộc nội chiến kéo dài 6 năm qua tại Syria, thì một đội cứu hộ tình nguyện luôn túc trực, sẵn sàng quên mình để giải cứu những người bị mắc kẹt trong các đống đổ nát sau các đợt không kích. Đó là những anh hùng "Mũ nồi trắng".

Ammar al-Selmo không nhớ bao nhiêu thi thể mà anh đã kéo ra từ các đống đổ nát ở thành phố Aleppo. Số người chết nhiều đến nỗi lực lượng cứu hộ không thể xác định được tên, thay vào đó họ gắn số thứ tự vào mỗi thi thể rồi chôn xuống các chiến hào, thường là 10 thi thể/ngôi mộ. Đôi khi đang nỗ lực tìm kiếm những người sống sót giữa đống đổ nát của những tòa nhà bị các cuộc không kích phá hủy, Selmo nhìn thấy bàn tay bị đứt lìa của trẻ con. Khi đêm đến, anh luôn tự hỏi bàn tay đó là của ai, và gia đình nào đã mất con vào ngày hôm ấy. "Điều tồi tệ nhất của công việc tôi làm là chứng kiến người ta chết trên xe cứu thương. Họ nắm chặt tay tôi rồi trút hơi thở cuối cùng. Ước gì tôi có thể làm được điều gì để cứu họ thoát khỏi bàn tay tử thần" – Selmo chia sẻ.

Nhân viên "Mũ nồi trắng" giải cứu một người dân bị thương trong cuộc không kích của quân Chính phủ Syria. Ảnh: EPA

Trước khi nội chiến nổ ra, Selmo là một giáo viên nhưng hiện nay anh là người đứng đầu một đơn vị của tổ chức Phòng vệ Dân sự Syria tại Aleppo. Đội ngũ tình nguyện viên của anh là những người đầu tiên xuất hiện sau khi các đợt dội bom kết thúc. Họ đào bới các đống đổ nát mong cứu được những người may mắn sống sót. Hoạt động trên khắp đất nước, tổ chức Phòng vệ Dân sự Syria đã phát triển không ngừng, từ một nhóm tình nguyện viên không được huấn luyện trở thành lực lượng tìm kiếm cứu hộ chuyên nghiệp. Kể từ năm 2014 đến nay, lực lượng này đã giải cứu hơn 60.000 người. Được biết đến như những anh hùng "Mũ nồi trắng", tổ chức Phòng vệ Dân sự Syria từng được đề cử giải Nobel Hòa bình năm nay (nhưng không được chọn).

Đây được xem là một công việc cực kỳ nguy hiểm. Ước tính cứ 6 tình nguyện viên thì có một người thiệt mạng hoặc bị thương nặng khi thực hiện nhiệm vụ. Được biết, đa phần trong số 3.000 thành viên đội tìm kiếm cứu hộ này là thợ mộc, thợ điện hoặc thợ sửa ống nước trước khi cuộc chiến nổ ra.

Đội tìm kiếm cứu hộ Syria được thành lập từ năm 2012 khi chiến đấu cơ của quân đội Chính phủ Syria bắt đầu dội bom vào các tòa nhà dân sự ở các khu vực do phe đối lập kiểm soát. Lúc đầu, họ chỉ làm việc tại Aleppo nhưng thời gian sau bắt đầu xuất hiện trên khắp cả nước. Tuy nhiên, bước ngoặt có lẽ là vào năm 2013 khi họ nhận được sự hỗ trợ từ Anh và Mỹ. Nhờ đó, họ đã được gửi đi Thổ Nhĩ Kỳ để tham gia khóa huấn luyện các kỹ thuật tìm kiếm cứu hộ cơ bản. Tại đây, họ lần đầu được làm quen với các thiết bị cứu hộ từ đơn giản đến phức tạp như các dụng cụ cầm tay hoạt động bằng pin, còi báo động, thiết bị dự báo địa chấn, xe cứu thương, xe cứu hỏa cũng như các công cụ thủy lực.

TRÍ VĂN (Theo Economist)

Chia sẻ bài viết