13/09/2011 - 20:52

PHÁT TRIỂN KINH TẾ HỢP TÁC Ở TP CẦN THƠ

Nhu cầu tất yếu trong hội nhập

Thu hoạch cá tra tại HTX Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Ảnh: MINH HUYỀN

Theo Liên minh Hợp tác xã (HTX) TP Cần Thơ: “Nâng cao hợp tác- phát triển bền vững” vừa là khẩu hiệu vừa cũng là mục tiêu mà Liên minh và các HTX trên địa bàn thành phố đang tập trung phấn đấu từ nay đến năm 2016. Liên minh HTX thành phố xác định sẽ tập trung nâng cao chất lượng hợp tác, hiệu quả hoạt động cả về mặt kinh tế và xã hội của các HTX.

* Phát triển theo nhu cầu

Liên minh HTX TP Cần Thơ vừa tổ chức Đại hội lần thứ IV (nhiệm kỳ 2011-2016) và đề ra nhiều mục tiêu, phương hướng phát triển kinh tế hợp tác trên địa bàn thành phố. Mặc dù còn hạn chế trong phát triển kinh tế hợp tác, nhưng những mô hình HTX thành công của thành phố đã khẳng định nhu cầu cần “liên kết” của người dân để hướng tới một mô hình kinh tế phát triển bền vững.

HTX Vận tải thủy Nhơn Hòa ra đời năm 1997 ở quận Thốt Nốt trên cơ sở những hộ có phương tiện vận tải riêng lẻ muốn liên kết, hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển của các doanh nghiệp tại địa phương. Nếu tính khối lượng vận chuyển thực hiện hằng năm, hiện HTX không chỉ đứng đầu trong các HTX vận tải đường sông chuyên chở gạo, mà còn đứng đầu so với các doanh nghiệp cùng chức năng vận tải tại địa phương. Khi mới thành lập, HTX Vận tải thủy Nhơn Hòa chỉ có 13 xã viên, với 11 phương tiện vận chuyển (tổng trọng tải 1.625 tấn), vốn điều lệ 110 triệu đồng. Đến nay, HTX có 40 xã viên, với 35 phương tiện (tổng trọng tải 15.327 tấn), vốn điều lệ 57 tỉ đồng. Nhiều năm qua, HTX đều có lãi và tạo việc làm ổn định cho gần 200 lao động, với thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/người/tháng (năm 2010). Năm 2010, doanh số của HTX đạt 56 tỉ đồng.

Ông Lê Văn Hòa, Chủ nhiệm HTX Vận tải thủy Nhơn Hòa, chia sẻ: “HTX chỉ có thể tồn tại phát triển bền vững khi nó được hình thành trên cơ sở nhu cầu hợp tác thực sự và quá trình hoạt động phải đem lại lợi ích cho xã viên và lợi ích phải cao hơn khi chưa tham gia HTX. Tùy theo nhu cầu và điều kiện cụ thể từng nơi mà mỗi HTX có thể lựa chọn mô hình hoạt động khác nhau, nhưng cần có kế hoạch ngắn hạn và chiến lược phát triển lâu dài cho HTX. Đồng thời, phải xây dựng thương hiệu cho HTX, uy tín trên thị trường”. Theo ông Hòa, thành công của HTX Vận tải thủy Nhơn Hòa là biết nắm bắt cơ hội liên kết, hợp tác xuất phát từ nhu cầu thực sự. Đến nay, HTX Vận tải thủy Nhơn Hòa đã ký hợp đồng ổn định với 20 đối tác (doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo tại địa phương và các tỉnh lân cận) đảm bảo cho xã viên có hàng hóa vận chuyển thường xuyên.

* Thành công nhờ năng động

Thời gian qua, TP Cần Thơ có nhiều mô hình HTX hoạt động có hiệu quả, giúp nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Cụ thể như: HTX Thủy sản Thới An, HTX Giống nông nghiệp Thốt Nốt, HTX Tiểu thủ công nghiệp Kim Hưng, HTX Xây dựng Hưng Thịnh, HTX Vận tải thủy Nhơn Hòa, Tổ hợp tác Sản xuất lúa giống An Lợi... Trong số các HTX, tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả và phát triển tốt nhờ có điểm chung giống nhau là: HTX được thành lập xuất phát từ nhu cầu hợp tác thực tế của xã viên và biết phát huy nội lực từ sức mạnh tập thể, tận dụng ưu thế của mô hình liên kết, hợp tác. Ban quản trị và chủ nhiệm HTX năng động, có kiến thức trong sản xuất và kinh doanh, đem lại lợi ích thiết thực cho xã viên, luôn quan tâm đến việc nâng cao lợi ích cho xã viên...

-Tính đến cuối tháng 6-2011, trên địa bàn TP Cần Thơ có 235 HTX, tăng 111 HTX so với đầu nhiệm kỳ III. Các HTX này có tổng vốn điều lệ 386 tỉ đồng, với 8.399 xã viên và thu hút trên 10.700 lao động.

-Nhiệm kỳ 2011-2016 xác định: nâng tỷ lệ HTX hoạt động ổn định, có lãi trên 80%, HTX khá giỏi trên 70%, HTX yếu dưới 10%. Bình quân mỗi năm thành lập mới ít nhất 20 HTX, nâng tổng số HTX lên 300 đơn vị vào năm 2016, với 12.000 xã viên và thu hút 17.000 lao động.

Xuất phát từ nhu cầu hợp tác của các hộ nông dân để nuôi cá tra xuất khẩu, HTX Thủy sản Thới An đã được thành lập đi vào hoạt động năm 2005. Ban đầu HTX chỉ có 10 xã viên, hiện nay là 36 xã viên. Vốn điều lệ từ 500 triệu đồng lên 5,6 tỉ đồng và doanh số từ 15 tỉ đồng/năm, hiện tăng lên 300 tỉ đồng/năm. HTX đã mở rộng liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khá ổn định. Ngoài ra, HTX còn mở thêm ngành nghề vận tải thủy, hình thành đội đánh bắt cá nuôi, thu hút trên 200 lao động (trong đó lao động thường xuyên khoảng 100 người), với thu nhập gần 3 triệu đồng/người/tháng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Thới An, những năm qua, HTX đã đàm phán với các nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu, thỏa thuận ký hợp đồng liên kết sản xuất theo phương thức: Nhà máy cung cấp thức ăn, thuốc thú y, con giống, hướng dẫn quy trình kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm; HTX tổ chức nuôi, giao sản phẩm cho công ty và hưởng giá trị trên cơ sở sản lượng và phần chi phí do tiết kiệm được trong quá trình nuôi. Với cách làm này, trong 3 năm qua dù nhiều người nuôi cá tra riêng lẻ bên ngoài bị lỗ nặng do giá cả biến động thất thường, nhưng các xã viên trong HTX có lợi nhuận ổn định từ 1.500-2.000 đồng/kg cá thương phẩm. Năm 2011, HTX phấn đấu đạt sản lượng cá giao cho Công ty Cổ phần Hùng Vương (tỉnh Tiền Giang) 20.000 tấn cá tra nguyên liệu. Ông Hải cho rằng, xây dựng HTX phải coi trọng việc phát huy quyền làm chủ của xã viên, xác định trách nhiệm chung trong sản xuất kinh doanh, lời cùng chia, lỗ cùng chịu. Ban chủ nhiệm có vai trò quan trọng trong việc đưa đến thành công của HTX, việc điều hành phải năng động, nhanh nhạy thị trường, nắm vững kỹ thuật, phát huy sức mạnh nội lực, tranh thủ ngoại lực. Ngoài ra, tài chính của HTX phải công khai, minh bạch vì đó là cơ sở để xây dựng sự đoàn kết, thống nhất.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Thu hoạch cá tra tại HTX Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết