09/05/2013 - 20:22

Nhồi máu cơ tim và những nguy cơ tiềm ẩn

Trong chương trình Thầy thuốc gia đình chuyên đề "Nhồi máu cơ tim và những nguy cơ tiềm ẩn" do Bệnh Viện Đa Khoa Hoàn Mỹ® Cửu Long phối hợp với VTV Cần Thơ 2 phát sóng vào 20h Chủ nhật, 28-4-2013, có những câu hỏi, 2 diễn giả là BS Trần Nguyễn An Huy, Khoa Tim mạch Can thiệp - Bệnh viện Fortis Hoàn Mỹ® Sài Gòn và BS Đặng Duy Phương, Khoa Tim mạch Can thiệp - Viện Tim TP Hồ Chí Minh chưa trả lời trực tiếp. Chuyên trang Sức khỏe Báo Cần Thơ xin giới thiệu những câu hỏi điển hình.

Nguyễn Thị Tám, Châu Thành, Tiền Giang, SĐT: 0938.255.151

* Hỏi: Tôi đã 70 tuổi, bị thiếu máu cơ tim cục bộ, hở van 3 lá ¾, hở động mạch chủ lớn hơn ¼, thiếu máu não. Bác sĩ bảo tôi có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim? Nhưng hiện tại đi đứng, ăn uống bình thường, chỉ thường bị chóng mặt. Vậy, tôi phải điều trị và chăm sóc bản thân như thế nào?

Trả lời: Với tình trạng này bác nên đi khám chuyên khoa tim mạch để làm thêm các xét nghiệm sâu hơn, nhằm xác định xem mạch máu nuôi tim có hẹp không? Khi đó bác sẽ được bác sĩ chỉ định điều trị thích hợp, đồng thời, nên đi khám nội thần kinh để diều trị chóng mặt. Bác cần cữ ăn mỡ, mặn, tập thể dục hằng ngày.

Trương Hoàng Vũ (44 tuổi), Trà Ôn, Vĩnh Long, SĐT: 01222.997.683

* Hỏi: Tôi bỏ thuốc lá, tăng được 10 kg, nhưng huyết áp lại giảm, hay bị nhói tim, khó thở. Vậy tôi có bị bệnh tim không?

Trả lời: Anh 44 tuổi, lại có hút thuốc lá, nên anh có yếu tố nguy cơ mắc bệnh hẹp mạch máu nuôi tim. Anh nên sớm đến chuyên khoa tim mạch khám để được chẩn đoán chính xác bệnh.

Trần Văn Sắc (53 tuổi), Vĩnh Châu, Sóc Trăng, SĐT: 0985.862.431

* Hỏi: Tôi làm xây dựng, gần đây khi lên cao, tôi thấy khó chịu. Xuống tới đất là xỉu. Tim đập mạnh lắm. Đây có phải triệu chứng của nhồi máu cơ tim không? Hướng điều trị?

Trả lời: Đây không phải là triệu chứng nhồi máu cơ tim, nhưng khi lên cao anh thấy khó chịu, tim đập mạnh thì có thể là do nguyên nhân khác. Anh nên đến khám chuyên khoa tim mạch để loại trừ thêm các bệnh về nhịp tim hay van tim.

Nguyễn Trọng Thảo, Trà Ôn - Vĩnh Long, SĐT: 01669.919.7137

* Hỏi: Hở van tim 3 lá 2/4 thì có nguy hiểm lắm không? có thể điều trị dứt điểm bằng thuốc không?

Trả lời: Hở van tim 3 lá 2/4 thì không nguy hiểm, nhưng cần làm siêu âm tim mỗi năm tại trung tâm tim mạch để theo dõi đánh giá độ hở van.

Nguyễn Hoàng Nam (36 tuổi), Tam Bình, Vĩnh Long, SĐT: 0909.704.818

* Hỏi: Tôi hay bị hồi hộp, tim đập mạnh, thấy máu hay choáng. Lúc trước khám bác sĩ nói tim tôi đập chậm. Vậy tôi có bị bệnh mạch vành hay nhồi máu cơ tim không?

Trả lời: Tim anh đập chậm thì phải kiểm tra kỹ hơn vì nhịp tim quá chậm là bệnh nguy hiểm có thể cần đặt máy trợ tim, khi đó sẽ kiểm tra đồng thời bệnh mạch vành cho anh.

Đặng Tuấn Khoa (57 tuổi) Hồng Dân, Bạc Liêu, SĐT: 01246.254.764

* Hỏi: Hơn nửa năm nay huyết áp của tôi là 18. Sinh hoạt lao động bình thường. Nhưng gần đây nói chuyện phát âm không đúng nữa. Đây là dấu hiệu của bệnh gì?

Trả lời: Đây có thể là dấu hiệu anh bị tai biến mạch máu não, làm tổn thương não, cần đến khám chuyên khoa để có hướng điều trị cần thiết. Đồng thời phải đi kiểm tra thêm về mạch máu tim.

Lê Thị Thanh Thúy, Châu Thành, Đồng Tháp, SĐT: 01204.764.477

* Hỏi: Trước đây tôi có khám ở Viện Tim TP. HCM, bác sĩ chẩn đoán hở van tim 2 lá, 3 lá mức độ ¼ và bị rối loạn thần kinh tim. Sau 4 tháng điều trị, bác sĩ nói điều trị vậy đã ổn định và cho thuốc về nhà uống. Sau 1 năm tôi thấy bị mệt, khó thở và đau ở ngực. Mỗi lần đau tay và chân không có cảm giác. Xin hỏi có phải tôi bị nhồi máu cơ tim không? Nên điều trị bệnh thế nào?

Trả lời: Chị cần quay lại Viện Tim TP HCM để làm lại các xét nghiệm, kiểm tra tim mạch thêm để được điều trị kịp thời .

* Nguyễn Thị Chung, Thới Lai, TPCT, SĐT: 0169.302.9269

Hỏi: Tôi 38 tuổi, bị thông liên nhĩ, hở van 3 lá. Khi đi thông tim lần đầu kết hợp siêu âm cách đây 5 tháng, bác sĩ cho biết tình trạng thông liên nhĩ bị phì đại. Đến nay, tôi chỉ uống thuốc cầm chừng, mong muốn đi thông tim tiếp nhưng chưa được. Hỏi thông liên nhĩ phì đại có nguy hiểm không? có tiến triển nhanh không? tôi nên điều trị theo hướng nào?

* Trả lời: Chị nên đến bệnh viện chuyên khoa Tim mạch để được bác sĩ chuyên khoa đánh giá lại và tiên lượng chính xác hơn về các vấn đề như: kích thước lỗ thông, có tăng áp động mạch phổi hay chưa, luồng thông thế nào, có thể dùng các biện pháp như phẫu thuật đóng lỗ thông, đóng lỗ thông bằng dụng cụ (căn cứ vào những xét nghiệm chị đã có hoặc bổ sung thêm)

Phạm Vũ Đức, Châu Thành, Đồng Tháp, SĐT: 0655.211.408

* Hỏi: Gần đây tôi ngủ thì có cảm giác hồi hộp, lo sợ, chỉ 1 tiếng động nhẹ cũng bị giật mình và khó thở. Trước đây, đi khám bác sĩ đã chẩn đoán tôi đã bị nhồi máu cơ tim nhẹ. Xin hỏi biểu hiện bệnh của tôi như vậy có phải bị nhồi máu cơ tim không? Tôi phải điều trị như thế nào?

Trả lời: Triệu chứng trên không thuộc về triệu chứng điển hình của bệnh thiếu máu cơ tim hay còn gọi là bệnh mạch vành. Tuy nhiên, do bạn đã được chẩn đoán nhồi máu cơ tim nhẹ, bạn nên đến các trung tâm tim mạch để được thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán chính xác hơn về bệnh mạch vành, như điện tâm đồ gắng sức, siêu âm tim gắng sức, chụp MSCT động mạch vành.

Phạm Thị Hoàng (58 tuổi), Vĩnh Thạnh, TPCT, SĐT: 07103.652.931

* Hỏi: Tôi bị rối loạn mỡ máu hơn 10 năm nay. Trong đó thành phần Triglyceride cao gấp 5 lần so với bình thường. Thỉnh thoảng tôi bị đau thắt ngực, rất khó chịu. Hỏi triệu chứng này có chuyển sang nhồi máu cơ tim? Xin phân biệt việc đau thắt ngực và đau bao tử. Mỗi khi tôi uống thuốc giảm mỡ máu thì lại thèm ăn. Nên mỡ máu không giảm được. Xin lời khuyên về chế độ lao động, ăn uống cho phù hợp với độ tuổi và sức khỏe của tôi?

Trả lời: Chị Hoàng 58 tuổi, có nồng độ triglyceride tăng cao, cũng thuộc nhóm có nguy cơ nhồi máu cơ tim. Nguy cơ này càng tăng nếu chị có thêm những yếu tố khác như đái tháo đường, tăng huyết áp… Có những cơn đau dạ dày có thể chẩn đoán nhầm với đau thắt ngực do tim và ngược lại. Một số tính chất đau điển hình của đau thắt ngực do tim là: đau kiểu thắt nghẹt, bóp, đè nặng,…, đau liên quan đến gắng sức, hay stress, lo lắng, đau có thể lan cổ, vai, tay trái, hay xuống thượng vị (vị trí dạ dày), giảm đau khi ngậm thuốc nhóm nitrate hoặc nghỉ ngơi. Đau do dạ dày thường liên quan đến bữa ăn, no quá hoặc đói quá, có thể kèm ợ hơi, ợ nóng, ợ chua, đôi khi cảm giác nóng rát sau xương ức. Để chẩn đoán chính xác cần làm thêm các cận lâm sàng như đo ECG, siêu âm tim, nội soi dạ dày,…Về vấn đề mỡ máu, chị phải có kế hoạch thực hiện nghiêm ngặt chế độ ăn kiêng đối với người bị rối loạn mỡ trong máu, và phải thường xuyên tập thể dục, đi bộ, hoặc bơi lội ít nhất 30 phút/ngày.

Trần Thị Ly, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, SĐT: 0919.846.373

* Hỏi: Tôi hay bị hồi hộp, hốt hoảng, tim đập mạnh, dù bị tác động rất nhẹ từ công việc và mọi người xung quanh. Vậy tôi có bị bệnh về tim không?

Trả lời: Chị có triệu chứng của bệnh rối loạn thần kinh tim, nên khám chuyên khoa tim mạch loại trừ bệnh về nhịp tim và được điều trị giảm các triệu chứng trên.

Đỗ Trung Tiên (38 tuổi), Thoại Sơn, Kiên Giang, SĐT: 0121.599.3240

* Hỏi: Sau khi nong van 2 lá tại viện Tim TPHCM, tôi trở về thì có triệu chứng đau ngón tay, ngón chân. Bác sĩ bảo là do thiếu canxi, như vậy có đúng không? xin cho tôi lời khuyên?

Trả lời: Nong van hai lá không gây đau các ngón tay, ngón chân. Bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa về chỉnh hình hoặc cơ xương khớp để được chẩn đoán và điều trị chính xác.

Nguồn Bệnh viện Đa Khoa Hoàn Mỹ® Cửu Long

Chia sẻ bài viết