13/09/2011 - 20:59

Nhọc nhằn đường đến lớp

Ông Nguyễn Thống Nhất, Thành ủy viên, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Cần Thơ (bìa phải), trao xe đạp cho học sinh nghèo của Trường Tiểu học Vĩnh Bình 2 trong dịp khai giảng năm học.

Buổi lễ khai giảng ở Trường Tiểu học Vĩnh Bình 2, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ diễn ra trong niềm hân hoan của nhiều học sinh. Tuy nhiên, ngày đầu tiên của năm học mới khá nhiều học sinh vẫn mặc đồng phục cũ, vàng màu nước phèn. Ở vùng quê này, trẻ em sớm phải lo cái ăn, cái mặc cùng gia đình nên con đường đến trường của các em cũng lắm nhọc nhằn...

Đa số người dân xã Vĩnh Bình sống bằng nghề nông. Cả xã có 1.490 hộ, trong đó có 182 hộ dân tộc Khmer, 100 hộ nghèo. Nhiều gia đình sống bằng nghề làm mướn nên con em của họ dù chưa rành mặt chữ nhưng đã quen với việc bắt ốc, giăng câu, cắt lúa mướn phụ giúp gia đình. Để được đến trường, các em phải tự thu xếp thời gian học tập và làm việc nhà. Trong niềm vui của ngày khai giảng, nhiều học sinh nghèo với vẻ mặt ngây thơ càng rạng rỡ hơn khi được nhận những quyển tập, cây viết hay chiếc xe đạp mới tinh. Nhiều bậc phụ huynh thấy con mình nhận được chiếc xe đạp đã không nén được xúc động, rưng rưng nước mắt...

Em Thái Thị Ngọc Tiên, lớp 4A, Trường Tiểu học Vĩnh Bình 2, từ lâu đã quen với cuộc sống xa cha mẹ, anh chị. Vì cuộc mưu sinh, cha mẹ của Ngọc Tiên đã rời bỏ vùng quê nghèo đi làm thuê ở TP Hồ Chí Minh, để chị em Ngọc Tiên lại cho ông bà nội chăm sóc. Ông bà nội đã lớn tuổi nhưng hàng ngày vẫn phải đi làm mướn nên Ngọc Tiên sớm biết tự chăm lo sức khỏe, việc học hành của mình và em trai. Từ năm học lớp 1, Ngọc Tiên đã quen đi bộ đoạn đường khoảng 2km từ nhà đến trường. 3 năm trôi qua, giờ em trai Ngọc Tiên cũng vào mẫu giáo. Mỗi sáng, Ngọc Tiên dắt em đến trường rồi trở về giúp bà nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. Đến giờ tan học Ngọc Tiên đến trường đón em về, lo cơm nước cho em xong, Ngọc Tiên tranh thủ đến trường cho kịp giờ lên lớp vào buổi chiều. Ngọc Tiên tâm sự: “Đầu năm học lớp 3, em theo cha mẹ đi làm thuê nên suýt phải nghỉ học. Do thấy em còn nhỏ lại ham học, cha mẹ đưa về quê cho đi học lại. Cuối năm học ấy, em vẫn giữ vững thành tích học sinh giỏi”.

Cùng học Trường Tiểu học Vĩnh Bình 2, gia đình em Nguyễn Văn Bắc, học sinh lớp 3A, cũng khó khăn không kém. Gia đình Bắc đông anh em, lại không có ruộng đất. Cả nhà phải ở nhờ trên đất người khác và kiếm sống bằng nghề làm mướn. Tuy còn nhỏ nhưng Bắc đã cùng cha đi giăng lưới, cắm câu mỗi sáng mùa nước nổi hoặc theo mẹ đi cắt lúa mướn, đi bắt ốc hái rau,.. để kiếm thêm vài chục ngàn đồng. Ngày tựu trường, Bắc mặc bộ đồng phục cũ, không còn nguyên vẹn vì cha mẹ em chưa có tiền mua đồng phục mới. Dường như chính những khó khăn của gia đình đã cho Bắc động lực học tập. Bắc học rất giỏi, tuy nhiên, khi nghe tôi hỏi “sau này em có muốn thi vào đại học không?”, Bắc trầm ngâm hồi lâu mới khẽ gật đầu.

Cuộc sống còn quá nhiều khó khăn, vất vả nhưng Ngọc Tiên và Bắc vẫn luôn mơ ước tương lai sẽ trở thành cô giáo, thầy giáo. Bao nhiêu học sinh nghèo khác cũng từng ngày ấp ủ những ước mơ về một tương lai tươi sáng nhưng con đường đi đến ước mơ đó của các em còn quá chông chênh. Việc trao tặng những phần quà là dụng cụ học tập cho các em học sinh nghèo của một số tổ chức, cơ quan như một động lực giúp các em vượt qua khó khăn, tiếp tục đến trường. Ngọc Tiên hồn nhiên kể: “Thấy con được tặng chiếc xe đạp mới, bà nội mừng lắm, bà khen con học giỏi”. Còn Bắc cũng vui không kém khi nhận được học bổng trong ngày khai giảng, em nói: “Số tiền này, em sẽ đem về cho cha mẹ mua những dụng cụ học tập mà em còn thiếu”.

Cảm thương hoàn cảnh của học sinh nghèo, các giáo viên của Trường Tiểu học Vĩnh Bình 2 hết lòng giúp đỡ khi các em gặp khó. Thầy Trương Văn Út, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Bình 2, chia sẻ: “Đời sống người dân ở đây còn nhiều khó khăn nhưng thật đáng quý là các bậc phụ huynh hiểu rất rõ tầm quan trọng của việc học đối với con em mình. Tôi biết có nhiều em, vì hoàn cảnh phải theo cha mẹ đi làm ăn xa nhưng vẫn không bỏ học. Ban Giám hiệu trường luôn quan tâm lập danh sách những học sinh khó khăn nhất để kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ học bổng, tập sách kịp thời cho các em”.

Xã Vĩnh Bình hiện có 1 trường mẫu giáo và 2 trường tiểu học với 600 học sinh. Trong đó, một trường tiểu học của xã đang nằm trong khuôn viên của một ngôi chùa nhưng chưa có điều kiện di dời. Đa số các em học sinh THCS và THPT ở đây phải đến học ở các trường thuộc quận, huyện khác, gần thì khoảng 6km còn xa thì đến 13km. Các tuyến đường trong xã mới được bê tông hóa khoảng 55% (18/33km), do vậy cũng ảnh hưởng phần nào đến việc đi lại, học tập của các em học sinh.

Ông Nguyễn Thống Nhất, Thành ủy viên, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Cần Thơ, được Thành ủy Cần Thơ phân công chỉ đạo việc xây dựng nông thôn mới ở xã Vĩnh Bình, cho biết: “Cơ sở vật chất ở xã Vĩnh Bình còn nghèo nàn, trong đó có hệ thống trường học. Vì vậy, xã rất cần các nguồn vốn hỗ trợ, đầu tư về lâu dài. Mới đây, chúng tôi vừa kiến nghị Thành ủy có chính sách ưu tiên vốn ngân sách cho một số lĩnh vực trọng yếu, trong đó có trường học, nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục cho con em của xã”. Đồng thời, chúng tôi cũng cố gắng tạo điều kiện hỗ trợ kịp thời cho học sinh nghèo ở đây. Cụ thể, dịp khai giảng vừa qua, Đoàn cơ sở Viện Kiểm sát nhân dân TP Cần Thơ đã vận động Công ty Cổ phần nhà đất Mekong hỗ trợ được 10 chiếc xe đạp, tổng trị giá 11 triệu đồng, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam-chi nhánh TP Cần Thơ hỗ trợ 5 triệu đồng tiền mặt cho quỹ Hội Khuyến học của xã và nhiều đơn vị, cá nhân khác hỗ trợ tập, viết cho các em”.

Bài, ảnh: MỸ TÚ

Chia sẻ bài viết