21/02/2009 - 20:45

Tạp văn

Nhớ quê xưa

Ai cũng có quê hương. Có người xa xứ lâu ngày, sống nhiều nơi, họ còn có thêm khái niệm quê hương thứ hai, thứ ba... Với tôi, hai chữ quê hương là nơi tôi sinh ra, lớn lên và trải qua thời thơ ấu. Tôi đã xa quê gần hai mươi năm... Trong những ngày gió xuân trở lạnh, nhiều giấc ngủ tôi vẫn cơn mơ quen thuộc, lại thấy tôi đi trên quê xưa. Nơi ấy có con kênh Trùm Thuật ngoằn ngoèo chảy ra dòng sông Ông Đốc, ngày ngày má tôi cất vó. Nơi những cánh đồng nứt nẻ vết chân chim và những ngày đầu tôi trốn học...

Khánh Hải – quê tôi là một xã nghèo ở Cà Mau. Vào những năm còn bao cấp, nhà ai cũng xoay xở khó khăn, tìm ra được một cái trường tiểu học cho con em đi học là không dễ. Tôi thì may mắn nhà gần trường. Nói là trường cho sang, chứ nó chỉ là hai cái mái lá che (dạng nhà hai mái), làm bằng cây tạp, lá dừa nước của bà con trong xóm gom góp, được ông Hai Kiệt tốt bụng cho miếng đất cất lên.

Nhà nghèo lại đông con, má tôi phải làm việc quần quật mỗi ngày. Ba tôi thì lênh đênh, làm khách thương hồ với chiếc xuồng chèo mua bán rau củ quả, rày đây mai đó, lúc thì Cà Mau, lúc thì Ngã Bảy - Phụng Hiệp. Lên lớp hai, tôi vẫn chưa có được bộ đồ lành lặn. Tôi còn nhớ như in: một hôm đến giờ đi học, tôi mặc vội cái quần cụt vào, khi nhìn xuống cái đáy, tôi mới thấy nó đã rách nát bét. Chị tôi loay hoay tìm mà không gặp cây kim khâu vá. Sợ trễ học bị cô giáo đánh, tôi liền nghĩ ra cách lấy cái áo thun đỏ đã bạc màu, rộng thùng thình dài đến đầu gối của anh Tư, tôi mặc vào chống chế. Không có cái quần, tôi kéo gập hai chỗ rách của tà áo, choàng qua háng, rồi lấy cọng dây cột thật chặt, cố che “thằng nhỏ” lại. Đến lớp, tôi rón rén lựa cái bàn chót ngồi cho chắc. Cô giáo vừa bước vào, cả lớp đứng lên đồng thanh: “Học sinh kính chào!”. Bất ngờ từ phía sau, tôi nghe một tiếng kêu cái “roét” và cơn gió mát cả người. Vậy là tôi biết “thằng nhỏ” của tôi không thể giấu được. Bị người ta “lật tẩy”, tôi đỏ mặt tía tai quay lại, thấy thằng cùng xóm to xác (học trường xã) khoái chí nhe răng cười. Tôi tức lồng lộn lên như một con trâu lên cơn điên, liền xông vào cắn nó, rồi chạy một hơi về nhà, bỏ học...

Những ngày trốn học, tôi lén má, rủ chị Mười tôi và lũ trẻ hàng xóm bưng cái thúng ra đồng “mót lúa”. Ai chưa từng mót lúa kiếm sống, thì khó có thể đồng cảm được cái túng quẫn của những người sống ở quê. Trước Tết Nguyên đán, trên những cánh đồng khô hạn, nứt nẻ, người thì quẩy bao, người bưng thúng... miệt mài đi qua những cánh đồng mót lúa. Thường thì sau vụ lúa đông xuân khoảng một tháng trở lại, những bụi lúa được gặt xong, để lại những cọng lúa non chưa kịp chín được đâm tược, hoặc do người thợ gặt (gặt bằng giòng gặt) không kỹ còn sót lại bông, đứng đợi trước gió... Những cánh đồng mênh mông, vậy là có biết bao bông lúa chín muộn cho hạt, cứu vãn cái đói của những hộ mất mùa hay không có đất. Người mót lúa thường ngủ bằng chiếc nóp bện lác và sống nhiều ngày trên những cánh đồng như người du mục mà không sợ đói. Ngoài cái đìa cá, cái ranh ngăn giữa những thửa ruộng, người quê tôi gọi là “mương phèn” cũng là chỗ lý tưởng, giải quyết được cơn đói cục bộ. Mương phèn được đào từ trước đó để làm đường dẫn nước từ sông ra vào ruộng. Mùa khô, nhiều loại cá sẽ tìm về chỗ có nước. Khô hạn đến mức chỉ còn lại vũng bùn nhỏ, cá dồn về một chỗ. Cá ngoi lên từ bùn, người ta có thể thấy được hình dạng và phán đoán là loại cá trê hay lóc... đang cựa quậy. Chỉ rửa cá cho hết bùn, không cần làm sạch, rồi ta bứt nhiều gốc rạ chất vào. Cứ một lớp rạ, là ta cho một lớp cá, đốt lửa lên, sau khoảng mười phút nướng trui cá sẽ chín. Cá đồng chín, thơm lừng, chấm với muối ớt, kèm rau đắng đất - loại rau độc nhất, chỉ mọc vào một mùa hạn trên đồng. Người có tuổi thường mang theo rượu nếp nhâm nhi, thế là có một bữa ăn...

Lũ trẻ trong xóm, mót lúa không bằng hai chị em tôi. Sau phần lúa cho má, phần còn lại, chị em tôi giấu lúa dưới đống rơm, hằng ngày đợi ông bán sương xáo chèo xuồng qua, đổi sương xáo ăn. Cứ một thau lúa đổi được nửa ổ sương xáo. Tôi khoái ông bán sương xáo khi cầm con dao rẹt rẹt mấy đường là xong. Sương xáo được cho vào ly, vài muỗng nước đường chảy, cộng thêm ít dầu hoa ni thơm ngát. Vậy là chúng tôi được một bụng no nê, rồi ngủ vùi trong đống rơm. Trong mơ màng, nghe tiếng máy tàu về, chị em tôi dụi mắt thức dậy, cùng lũ trẻ đón đợi người thân, xem có ai cho quà bánh không! Con tàu quê chạy qua mặt. Thế là chẳng ai về, lũ trẻ lại buồn thiu. Chẳng biết tại sao, mỗi trưa, chị em tôi và lũ trẻ ở quê lại thích ra đón đợi chuyến tàu về, rồi cứ chạy trông theo cho đến khi con tàu khuất dạng.

Một hôm ba tôi về, biết được chuyện tôi bỏ học, vì không có quần mặc, tôi không bị ăn đòn. Ba tôi không nói, khuôn mặt ông buồn buồn, rồi nhìn má. Sau lần đó, những khi về, ba tôi thường mua cho tôi nhiều phần quà hơn. Cũng từ năm đó ba tôi lao lực nhiều hơn để lo cho gia đình. Ở cái tuổi năm mươi bảy, ba tôi đã đột ngột trút hơi thở cuối cùng... Má tôi một mình nuôi đàn con trong nghèo đói. Anh chị tôi cũng lần lượt bỏ học, người đi làm mướn kiếm miếng sống giúp má, người có chồng có vợ trôi dạt tứ xứ. Tôi là con trai Út trong nhà, má bảo: “Con ráng học, học đến đâu má lo cho con đến đó...”. Nghe lời má dặn, tôi lao vào học...

***

Rời Khánh Hải gần hai mươi năm, tôi mang theo biết bao ấp ủ từ một miền đất quê nghèo. Đâu đó, hình ảnh lũ trẻ trên những cánh đồng sau những mùa giáp hạt lại hiện về trong tôi. Chuyện những chuyến tàu đã chạy rất xa và tôi còn đứng đợi. Chuyện tôi không có cái quần cụt mặc đi học. Và, câu chuyện về cuộc đời tần tảo của má tôi, vất vả của ba tôi...

HUỲNH VĂN ÚT

Chia sẻ bài viết