22/12/2016 - 09:22

Nhớ những ngày chiến đấu giúp bạn

10 năm làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn Campuchia (1979-1989), lực lượng vũ trang Cần Thơ lập nên những chiến công hiển hách giúp bạn thoát khỏi họa diệt chủng, nhưng cũng đổ nhiều máu xương, nhiều hy sinh, mất mát. Vượt lên mọi hy sinh, gian khổ là tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm và thắm tình đồng chí, đồng đội. 27 năm sau ngày trở về nước, ký ức của những người lính vẫn còn tươi mới, nguyên vẹn như vừa bước ra khỏi cuộc chiến...

* Xuôi vùng sông nước, ngược núi Ural

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân,
Đại tá Phạm Hồng Thấy. Ảnh: P.T

Tôi gặp Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Phạm Hồng Thấy (Bảy Thấy), ở nhà riêng tại xã Đông Phước A, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang vào một sáng mưa tầm tã giữa tháng 12. Nghe tôi hỏi về những ngày chiến đấu giúp bạn Campuchia, ông Bảy Thấy rất hào hứng. Ông hớp ngụm trà, đôi mắt nhìn về xa xăm hồi lâu, rồi nói: "Mưa là tôi rầu muốn thúi ruột vì chẳng đi đâu, làm gì được. Nhưng hồi ở trong dãy núi Ural, mỗi lần trời mưa là mừng lắm". Ural là căn cứ lớn của quân Pôn Pốt, với địa hình vô cùng hiểm trở, dày đặc bãi mìn… Đây là nơi Pôn Pốt tiếp nhận và vận chuyển vũ khí, lương thực vào trong nội địa. Để nắm chắc tình hình địch, kịp thời chỉ huy tác chiến, tháng 11-1985, ông Bảy Thấy lúc bấy giờ là Đoàn phó - Tham mưu trưởng Đoàn 9902 đã chỉ huy một đơn vị tiến vào Ural. Ural có đỉnh cao 1.700m nhưng đơn vị lên tới độ cao 1.200m đã mất hơn 20 ngày. Đường đi vòng xoắn ốc nên có khi cả ngày, ông Bảy Thấy và đồng đội chỉ đi lên chừng 30m. Trong thời gian ở núi Ural, ông Bảy Thấy tổ chức theo dõi và phục kích tiêu diệt địch. "Pôn Pốt chỉ đi vài ba tên nên khi phát hiện ra chúng tôi thì chạy tuốt. Nhưng cũng có lúc địch phục kích vì đây địa bàn hoạt động của chúng. Ở đó khá lâu nhưng chúng tôi chỉ diệt được chừng 20 tên địch. Vừa tổ chức đánh địch, chúng tôi vừa nhổ khoai mì phơi khô để Pôn Pốt mất đi nguồn lương thực" – ông Bảy Thấy nhớ lại.

Theo ông Bảy Thấy, trong 10 năm chiến đấu giúp bạn, chỉ có Tiểu đoàn Tây Đô (TĐTĐ) là đơn vị thực hiện được những cuộc hành quân vào núi Ural, khiến quân Pôn Pốt vô cùng bất ngờ, khiếp đảm. Để vào được núi, đơn vị sử dụng bản đồ, nhưng có lúc không chính xác do được vẽ quá lâu. Có khi trên bản đồ thể hiện con suối nhưng đơn vị đến nơi thì suối đã cạn. Những cuộc hành quân bí mật, liên tục đã vắt kiệt sức lực bộ đội, nhất là khi không tìm thấy nguồn nước. "Việc di chuyển liên tục dẫn đến thiếu nước trầm trọng. Ban đêm, chúng tôi nằm ngủ nhưng vẫn căng ni lông bốn góc để chờ mưa xuống. Tuy gian khổ nhưng cán bộ, chiến sĩ đều đồng lòng, quyết tâm vượt khó hoàn thành nhiệm vụ" - ông Bảy Thấy kể. Ural còn là nơi nguy hiểm vì Pôn Pốt gài mìn khắp nơi. Bên cạnh đó, địch dùng chiến thuật đánh du kích khiến việc truy quét của ta vô cùng khó khăn.

Chiến sĩ Tiểu đoàn Tây Đô vượt sông cạn truy kích địch ở tỉnh Kongpong Ch’năng tháng 11-1987. Ảnh: TÔ HOÀNG VŨ

Đại tá Phan Thanh Tâm (Bảy Tâm), Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố - là một trong những người đầu tiên vào núi Ural, vẫn còn nhớ: Đầu năm 1984, quân Pôn Pốt hoạt động mạnh nhằm mở đợt phản công trên toàn quốc. TĐTĐ nhận được lệnh tiến vào núi Ural để nắm tình hình, triển khai kế hoạch cắt đứt con đường tiếp tế của chúng. Ông Bảy Tâm và 20 đồng chí vào núi thăm dò tình hình địch. Lên đến nơi, ông hết sức ngỡ ngàng vì địch đã xây dựng nơi đây thành căn cứ địa hết sức quy mô, đảm bảo chiến đấu lâu dài. "Chúng tôi ăn gạo sấy để sống qua ngày. Nhiều lúc phát hiện địch nhưng chúng tôi không đánh để bảo đảm bí mật. Ban đêm, chúng tôi nghe tiếng súng của địch khắp nơi nhưng mọi người động viên nhau bình tĩnh, giữ bí mật" - ông Bảy Tâm kể. Sau khi tìm hiểu đường đi và quy luật hoạt động của Pôn Pốt, đơn vị của ông Bảy Tâm rút về để chuẩn bị tấn công. Tuy nhiên, cuộc hành quân vào núi sau đó không đạt được thắng lợi lớn khi Pôn Pốt đều rút đi. TĐTĐ có 3 đồng chí bị trúng mìn. Dù không đánh được chủ lực của địch, nhưng đơn vị đã phá hủy nhiều cơ sở vật chất của chúng. Từ đó, các đại đội của ta thay phiên nhau vào núi truy quét địch cho đến khi trở về nước.

Nếu Ural là chốn núi rừng hiểm trở thì Biển Hồ là nơi sông nước mênh mông. Vùng sông nước trải dài trên địa bàn 3 tỉnh Kongpong Ch’năng, Kongpong Chàm và Kongphong Thơm. Tỉnh Kompong Ch’năng là nơi các tiểu đoàn của tỉnh Hậu Giang đứng chân nhưng bộ đội không có phương tiện hoạt động, chủ yếu mượn xuồng của dân để đi lại. Trong khi đó, Pôn Pốt được trang bị hàng trăm xuồng, sức chứa từ 3 - 7 người, bố trí được súng máy cao xạ 12,8mm. Vì vậy, vùng sông nước là nơi ta và địch đánh nhau trong thế giằng co, bất phân thắng bại. Ông Nguyễn Hoàng Me, ở ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, nhớ lại: "Anh em quen chiến đấu trên bộ nên chuyển sang đi bằng xuồng thì lúng túng vì xuồng nhỏ, thường hư hỏng. Có lúc chúng tôi vừa bơi xuồng vừa lấy đất sét trám lại chỗ nước vô". Ông Me kể, vũ khí thì đơn vị được trang bị đầy đủ nhưng lương thực rất hạn chế. Trước khi hành quân, bộ đội thức dậy từ 3 giờ sáng để nấu cơm mang theo. Khi đi nhiều ngày thì đơn vị tìm chỗ nào có nhành cây cao rồi treo bếp lên, phía dưới lót tấm tôn để đặt củi nấu. Xuồng nhỏ nên mỗi lần gặp địch phải xoay xuồng ngang để giữ thế cân bằng rồi chiến đấu...

*Nghĩa tình trên đất bạn

Sau nhiều năm ở thế giằng co, tháng 9-1987, với quyết tâm tiêu diệt địch ở vùng sông nước, Bộ Chỉ huy Đoàn 9902 tổ chức trận đánh địch với quy mô lớn. Trong đó có sự phối hợp của Hải quân Quân đội Nhân dân Campuchia vừa mới được thành lập. Lúc này, quân Pôn Pốt ở vùng sông nước có khoảng 400 tên, với trên 100 chiếc xuồng. Trận đó, ông Bảy Thấy làm chỉ huy trưởng, đồng chí Phum Sóc, Cục trưởng Cục hải quân nước bạn làm chính trị viên. Các lực lượng tổ chức đưa bộ binh phục kích ở trên bờ, đưa hải quân tấn công từ dưới lên. Quân ta diệt tại chỗ gần 20 tên, lấy hơn 10 súng. Mặc dù vậy, nhiều xuồng địch đã thoát được vòng vây. Đầu tháng 11-1987, Đoàn 9902 bố trí một trận đánh với lực lượng như trên. 8 giờ sáng, ta phát hiện địch tập trung sau một đêm xem chiếu bóng. Các lực lượng của ta và bạn bao vây, phục kích tiêu diệt gần như toàn bộ địch, lấy trên 100 chiếc xuồng, 100 khẩu súng các loại… "Sau này, anh Phum Sóc tặng cho các tiểu đoàn của ta 200 chiếc xuồng để đi lại, chiến đấu. Từ đó đến năm 1989, chúng ta đã làm chủ vùng sông nước. Thắng lợi của trận sông nước cùng với việc đánh địch hiệu quả ở dãy núi Ural đã góp phần ổn định tình hình tỉnh Kongpong Ch’năng. Khi chúng tôi bàn giao để về nước thì đây là tỉnh ổn định nhất so với các tỉnh khác" – ông Bảy Thấy cho biết.

Do tỉnh Hậu Giang kết nghĩa với tỉnh Kongpong Ch’năng nên các tiểu đoàn của ta vừa chiến đấu vừa giúp bạn xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng chính quyền. Đơn vị cấp nào thì có chuyên gia cấp đó hỗ trợ. Các vấn đề hằng ngày đều được ta và bạn trao đổi thường xuyên, thống nhất. Theo ông Bảy Thấy, sau một thời gian sống dưới chế độ Khmer đỏ, đời sống của người dân Campuchia hết sức khổ cực, với: bệnh tật, thiếu ăn… Lúc này, dù lương thực thiếu thốn, bộ đội phải ăn khoai mì, gạo sấy nhưng các đơn vị đóng quân tại tỉnh Kongpong Ch’năng đều giúp đỡ người dân trong khả năng, chia từng chén cơm, miếng nước. Do thiếu lương thực, các đơn vị ở những huyện vùng sông nước thường cử bộ đội theo kiều bào đánh cá trên Biển Hồ để làm khô, làm mắm gởi cho các đơn vị chiến đấu ở các huyện vùng núi...

Cuộc sống khó khăn, vất vả nhưng cán bộ, chiến sĩ các đơn vị rất đoàn kết, thương nhau như anh em ruột thịt. Ông Nguyễn Hoàng Me nói ông không bao giờ quên bữa cơm chỉ có canh lá giang nấu với con cá trê bé tí, ốm nhách, xanh lè, bắt được bên con suối cạn. Cả đại đội dầm con cá ra rồi chia nhau ăn giữa rừng núi hoang vắng, quân thù rình rập. Trong hoàn cảnh như vậy, tình cảm đồng chí, đồng đội như ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn người lính tình nguyện. "Có lần, đơn vị của tôi truy kích địch từ sáng đến chiều. Chạng vạng, địch bất ngờ phản công với sự yểm trợ của xe tăng. Chỉ huy đơn vị ra lệnh rút, nhưng tôi không đi nổi vì bị sốt rét hơn một tháng rồi, không ăn gì được. Tôi ôm khẩu B40, tính trong bụng chờ chiếc xe tăng của địch tới gần là bắn một phát rồi chết. Ai ngờ anh Nguyễn Văn Thêm bò tới cõng tôi thoát ra trận địa" – ông Me kể. Ông Thêm đã cõng bạn đi hơn một cây số trước khi dừng lại cùng đơn vị lập trận địa phòng ngự. "Lúc đó, tôi mới biết anh Me mấy tháng thôi. Tôi nghĩ đồng đội chết mới buông tay chứ quyết không để anh Me nằm lại. Lúc này, quân Pôn Pốt đã tiến đến gần khoảng 30m nhưng do trời tối nên chúng không phát hiện, chứ không chúng tôi đã chết cùng nhau" – ông Thêm cười hiền, chia sẻ.

Gần 38 năm sau, ông Thêm mua đất và cất nhà ở xã Mỹ Khánh. Vậy là ông Thêm và ông Me trở thành bạn thân của nhau, cùng sinh hoạt trong Ban Liên lạc Cựu chiến binh TĐTĐ. Ông Me cho biết: "Tôi và anh Thêm vừa cùng Ban Liên lạc Cựu chiến binh TĐTĐ tiếp mấy anh ở Đại đội 31 hiện sống ở tỉnh Tây Ninh về chơi. Những ngày này, gặp nhau ôn chuyện cũ thật là vui, nhưng tôi vẫn còn tiếc nuối khi thiếu nhiều đồng chí, đồng đội cũ…". Với ông Me và cựu chiến binh từng làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, ký ức về cuộc chiến năm xưa không bao giờ phôi phai. Và họ luôn nhớ về đồng đội - những người đã gởi lại một phần thân thể hoặc nằm xuống vĩnh viễn giữa núi rừng đất bạn…

Phạm Trung

Chia sẻ bài viết