24/11/2017 - 10:25

Đồng chí Huỳnh Long Thạnh, Nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Ô Môn:

Nhớ mãi sự đùm bọc của nhân dân 

Năm 10 tuổi, tôi tận mắt chứng kiến giặc nổ súng bắn chết cha tôi và đồng đội của ông. 13 tuổi, tôi tham gia cách mạng, được tổ chức giao nhiệm vụ đưa thư, thu thập tin tức… Sau đó tôi là chiến sĩ Đại đội địa phương quân (1965 – 1967), rồi trở thành chiến sĩ Đội Giải phóng Long An (1967-1968). Sau đó, tôi  bị thương và trở về công tác tại xã Thới Long (huyện Ô Môn cũ), làm Bí thư Chi bộ xã Thới Long (1969-1970)… Tôi vẫn nhớ những năm chiến tranh ác liệt nhất và tinh thần kiên cường bất khuất của đồng chí, đồng đội.

Từ 1965 đến 1970, địch bố ráp ta ác liệt, chúng tôi sống và chiến đấu trong sự yêu thương, bảo vệ của nhân dân địa phương. Người dân xã Thới Thạnh bố trí hầm bí mật nuôi chứa bộ đội thời gian dài.

Thời gian này, chúng tôi nhiều lần hành quân qua Lộ Vòng Cung. Vì đây là “yết hầu” của địch, nên địch thường xuyên phục kích, bố ráp, nã đạn pháo. Có khi đạn nổ sát bên tai, cả đội vẫn bình tĩnh ứng phó. Khi đạn pháo qua đi, mỗi thành viên trong đội gọi tên nhau, điểm lại xem có ai bị thương hoặc hy sinh. Người không bị thương sẽ chăm sóc, cõng người bị thương; hoặc đưa đồng đội hy sinh tìm nơi chôn cất. Có lần, trong lúc hành quân, tôi chứng kiến đồng đội bị trúng đạn, hy sinh nhưng không thể đưa về, vì địch quá đông. Tôi và các anh em phải chờ đến đêm tối mới đưa được đồng đội về. Trải qua mất mát, chúng tôi càng quyết tâm đánh địch để giành lại độc lập, tự do, thống nhất đất nước.

Năm 1971, tôi về công tác ở Huyện đoàn Ô Môn, làm nhiệm vụ giao bưu của huyện. Cuối năm 1971, do hậu quả của chiến tranh, nhiều cán bộ chủ chốt xã Thới Thạnh hy sinh, tôi cùng 2 đồng chí khác là Bùi Thanh Hà và Lê Tấn Phương được điều động về xã Thới Thạnh, thành lập Chi bộ xã.

Tôi vẫn nhớ năm 1972, lực lượng chúng tôi kết hợp lực lượng địa phương đi trong đêm, hỗ trợ châm ngòi pháo bắn vào kho sân bay Trà Nóc, làm nổ kho chứa pháo, bom, đạn… của địch. Từ tháng 5-1973 đến 1975, với vai trò Bí thư xã Thới Thạnh, tôi chỉ huy lực lượng đánh địch. Lúc đó địch bố trí mỗi ấp 1 tiểu đội phòng vệ xung kích (10-15 người), tôi đưa người mình vào đội này để tìm cơ hội hạ địch.

Trong mỗi trận chiến, tôi cùng các đồng chí, chiến sĩ tìm cách đánh tối ưu, với quyết tâm giành thắng lợi. Anh em vượt sông Ô Môn hay sông Ba Se đánh địch, phải cởi quần áo, lấy cao su quấn lại làm phao nổi lội sông, vừa có thể gác súng chiến đấu khi gặp địch trong lúc vượt sông. Kết thúc trận đánh, các chiến sĩ cứ theo cách này mà vượt sông trở về.

Chiến tranh đã đi qua, điều đọng lại trong tôi là tinh thần chiến đấu dũng cảm, không sợ hy sinh, gian khổ của đồng chí, đồng đội, là sự đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân. Nhờ quân với dân một ý chí mà 2 cuộc kháng chiến đã qua của quân dân ta mới giành được thắng lợi vẻ vang.

ĐẶNG NGỌC (ghi)

Chia sẻ bài viết