22/11/2017 - 10:29

Đồng chí Phạm Văn Tửu, Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến, phường Trường Lạc, quận Ô Môn:

Nhớ mãi một giai đoạn hào hùng 

Đồng chí Phạm Văn Tửu cùng vợ xem lại những bằng khen, huân chương được Nhà nước khen tặng.

Tận mắt chứng kiến bà con trong xóm bị giặc đàn áp, giết hại, từ nhỏ, tôi đã nung nấu quyết tâm tham gia cách mạng để giải phóng quê hương. Năm 15 tuổi, tôi bắt đầu nhận nhiệm vụ truyền tin mật ở Lộ Vòng Cung, rồi dần trưởng thành trong công tác, chiến đấu…

Năm 1968, tôi là  Xã đội trưởng Tân Thới, Ô Môn. Từ cuối năm 1968 đến năm 1972, tôi là Bí thư xã Tân Thới. Kỷ niệm trên tuyến Vòng Cung rất nhiều, nhưng ấn tượng sâu sắc là khi tham gia 2 trận đánh tại Vàm Ông Bố và Vàm Trà Luộc (phường Trường Lạc), nhất là trận đánh tại Vàm Trà Luộc, đồng đội của tôi phối hợp với đội địa phương quân Ô Môn tác chiến.

Lúc đó, ở trận Vàm Trà Luộc, đơn vị của tôi có 12 người. Trước lúc tấn công, với vai trò chỉ huy đơn vị, tôi cùng đồng đội thống nhất tùy theo tình hình thực tế mà triển khai thế trận khác nhau. Nếu quân địch đông, sẽ đánh du kích. Khi phía địch còn ít, thì cả đội đánh tập trung. Cho dù đánh du kích hay tập trung thì phương châm của đội là “Đánh nhanh, thắng nhanh và nắm chắc 90% thắng trận thì mới đánh”. Trận chiến diễn ra ác liệt, một số đồng chí hy sinh. Khi đó, đội đã tiến vào Lộ Vòng Cung, nơi mà trong vòng 500-600 thước (từ cầu sắt Giáo Dẫn đến cầu Nhiếm) có đến 10 đồn địch, tôi và đồng đội không thoái chí, vẫn kiên định đánh du kích diệt gọn từng tên.

Trong 2 trận chiến trên, không ít lần, tôi cùng đồng  đội vào sinh, ra tử. Để dọ thám tin tức phía địch, trời tờ mờ sáng, tôi mang súng ngắn lần ra ấp chiến lược; khi chạm chán với địch, thì phải diệt nhanh, gọn, lẹ mới có thể thoát thân. Những lúc như thế, tôi vẫn luôn tự nhắc mình phải bình tĩnh, không chủ quan, và phải nắm rõ thông tin, vì càng nhiều thông tin, càng có lợi cho trận chiến.

Trong những trận đánh năm 1968, rồi sau đó kéo dài đến năm 1970, tôi chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh ngay trước mắt, trong đó có 2 đồng chí thân thiết nhất là Phan Văn Phát và Phan Văn Thâu. Bản thân tôi cũng bị nhiều thương tật: Đạn bắn trúng đùi, vết thương có thể để cả bàn tay vào được; cổ tay trái bị liệt phải điều trị, tập vật lý trị liệu thời gian dài; tai điếc… Thân thể đầy thương tích nhưng nỗi đau mất mát hy sinh của đồng đội càng khiến tôi hun đúc quyết tâm chiến đấu để giành lấy độc lập, tự do cho dân tộc.

Tôi không thể quên ân tình của bao người dân đã bảo bọc, che chở, bảo vệ cách mạng. Còn nhớ, trong những năm khó khăn, ác liệt nhất, có khi tôi và đồng đội phải ẩn nấp dưới hầm từ nửa tháng đến vài tháng, mỗi ngày bà con mang từ 5-10 lít gạo cho chiến sĩ. Chính sự gắn kết quân- dân đã tạo nên mối duyên đẹp cho bản thân tôi. Vợ tôi là Nguyễn Thị Em, cũng có công nuôi chứa bộ đội.

Năm 1972, tôi bị địch bắt kêu án 25 năm ở Côn Đảo. Đến năm 1975, khi đất nước hoàn toàn giải phóng, tôi mới được đoàn tụ với gia đình. Chiến tranh đã qua, đến giờ tôi vẫn nhớ những hy sinh, mất mát, những giây phút bom rơi máu chảy; nhưng tôi cùng các đồng đội, đồng chí đã xác định chỉ có đánh cho địch thất bại hoàn toàn, mới đem lại hòa bình, độc lập cho dân tộc, mang lại no ấm cho nhân dân.

ĐẶNG NGỌC (ghi)

Chia sẻ bài viết