06/05/2018 - 16:29

Nhờ được học nghề... 

Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm Hội Nông dân (HND) quận Thốt Nốt thực hiện thời gian qua. Qua đó, nhiều hội viên nông dân mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả có thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Thu nhập khá từ trồng hoa

Vườn hoa gần 1.000m2 của bà Tăng Thị Kim Sữa, khu vực Long Thạnh 2, phường Thốt Nốt phủ kín sắc màu rực rỡ của hoa cúc, vạn thọ. Năm 2017, bà Sữa tham gia lớp kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa do HND quận Thốt Nốt phối hợp các ngành tổ chức. Sau 3 tháng, bà Sữa tiếp thu những kiến thức cơ bản về kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại hoa cúc, vạn thọ, lan, hồng và mai… Cuối năm 2017, bà Sữa trồng trên 2.000 chậu hoa cúc, vạn thọ để bán dịp Tết Mậu Tuất 2018, cho lợi nhuận khả quan. Bà Sữa phấn khởi nói: “Hơn 10 năm kinh nghiệm trồng hoa, vụ hoa Tết năm 2018 tôi trồng đạt kết quả khá cao, tỷ lệ hao hụt ít, hoa nở đúng dịp Tết nên được các thương lái đến nhà thu mua. Sau khi trừ chi phí, tôi còn lời hơn 40 triệu đồng”.

Trồng hoa quanh năm, bà Kim Sữa có thu nhập từ 2 đến 6 triệu đồng/tháng. 

Theo bà Sữa, trong các loài hoa, cúc và vạn thọ là loại ít vốn, nhẹ công chăm sóc nhưng mang lại lợi nhuận khá. Ngoài dịp Tết, bà Sữa còn trồng chuyên canh các giống hoa cúc tiger và vạn thọ để bán những ngày lễ, rằm trong năm. Bà Sữa cho biết: “Tôi trồng hoa cúc tiger và vạn thọ quanh năm. Thu hoạch xong đợt hoa này, tôi cải tạo đất trồng lại hoa khác. Trung bình, tôi thu nhập từ 2 đến 6 triệu đồng/ tháng”. Nhờ tham gia lớp kỹ thuật trồng hoa, bà Sữa chủ động bón phân, phun thuốc định kỳ nên hoa phát triển xanh tốt, năng suất cao, còn tiết kiệm chi phí sản xuất, nhẹ công chăm sóc.

Chuyên sản xuất lúa giống

Những năm gần đây, nhiều nông dân khu vực Tràng Thọ 1 chủ động chuyển đổi hướng canh tác, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất để giảm giá thành, tăng lợi nhuận trên cùng diện tích đất canh tác. Trong đó, mô hình trồng lúa giống của ông Nguyễn Văn Hừng bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Hừng cho biết: “Năm 2013, tôi tham gia lớp kỹ thuật trồng lúa giống do HND quận phối hợp tổ chức. Qua đó, tôi quyết định thử nghiệm mô hình này vì hiệu quả kinh tế cao và đầu ra ổn định”.

Để phát triển mô hình, ông Hừng thay đổi dần tập quán sản xuất cũ, áp dụng một số chương trình canh tác trên cây lúa như: sạ thưa, sạ hàng và bón phân cân đối nên đạt năng suất cao hơn. Trước khi xuống giống, ông Hừng được tập huấn về kỹ thuật và nhận lúa giống nguyên chủng từ doanh nghiệp về gieo sạ. Đến ngày bón phân, phun thuốc trừ sâu, cán bộ kỹ thuật đến thăm đồng, hướng dẫn. Ông Hừng cho biết: “Từ năm 2013 đến nay, 5,4ha đất của gia đình chuyên sản xuất giống lúa OM5451 cho doanh nghiệp. Sản phẩm làm ra được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn thị trường 500 đồng/ký”. Vụ lúa đông xuân năm 2018, năng suất lúa đạt 1,1 tấn/ha và được thu mua với giá 6.100 đồng/ký lúa tươi, mang lại cho ông Hừng trên 300 triệu đồng. Ngoài vụ lúa đông xuân, ông Hừng ký hợp đồng với các doanh nghiệp thu mua lúa giống các vụ hè thu và thu đông. Năm 2017, ông Hừng được UBND thành phố tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2012-2016.

 Ông Đoàn Văn Quân, Chủ tịch HND quận Thốt Nốt, cho biết: “Các lớp nghề trồng lúa giống, trồng mè, chăm sóc hoa kiểng… giúp hội viên trang bị kiến thức, kỹ thuật nông nghiệp, có việc làm, thu nhập ổn định. Năm 2018, HND quận tiếp tục phối hợp tổ chức các lớp nghề trồng rau an toàn, trồng và chăm sóc cây ăn trái, trồng hoa và tạo dáng cây cảnh…”. l

K.V

Chia sẻ bài viết