13/12/2012 - 21:07

Nhìn nhận đúng hơn về bệnh đái tháo đường

Vào Chủ nhật, 25-11-2012 trong Chương trình Thầy thuốc gia đình chủ đề "Nhìn nhận đúng hơn về bệnh Đái tháo đường" do Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ® Cửu Long tài trợ - phát trên sóng VTV2 Cần Thơ, có đến 32 câu hỏi của bà con chưa được BS. CKI. TRƯƠNG DẠ UYÊN, Trưởng khoa Khám Bệnh - Bệnh Viện Fortis Hoàn Mỹ® Sài Gòn và BS. PHAN HỮU HÊN, Chuyên nghành Nội Tiết - Khoa Nội Tiết - BV Chợ Rẫy TP HCM trả lời trực tiếp. Qua trang Sức khỏe của Báo Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ® Cửu Long xin gởi đến bà con những câu hỏi điển hình.

Trần Văn S, Phường 7, T. Sóc Trăng, SĐT: 0987.729.199

* Hỏi: Một tháng trước mẹ tôi (61 tuổi), đi khám bệnh ở BV Quân Y Sóc Trăng, xét nghiệm máu kết quả glucose 190mg. Sau đó khám tư nhân tỷ lệ glucose 5,6 milimol/lit. Tôi không biết mẹ tôi có bị bệnh tiểu đường không?

Trả lời: Đây là một câu hỏi thường gặp trong quá trình khám bệnh. Chúng tôi xin hướng dẫn một cách cụ thể chung cho bệnh nhân: Để xác định mắc bệnh tiểu đường, người bệnh phải có ít nhất 1 trong 4 yếu tố: Đường huyết nhịn đói 8 tiếng từ 126 trở lên, hoặc đo 2 giờ sau khi uống 75g đường từ 200 trở lên, hoặc HbA1c (phương pháp chuẩn hóa) từ 6.5% trở lên, hoặc khát nước, uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân, kèm với một mẫu đường huyết bất kỳ từ 200 trở lên.

Nếu không có triệu chứng rõ ràng của bệnh, rất cần lặp lại xét nghiệm. Do đó, khi cô bác đến bệnh viện để tầm soát sớm bệnh tiểu đường, chúng tôi thường cho đo đường huyết đói và HbA1c. Nếu kết quả "nghi ngờ", cô bác phải làm thêm nghiệp pháp dung nạp đường. Trường hợp của mẹ anh S., thuộc diện "nghi ngờ", anh nên đưa bác đến bệnh viện, để chúng tôi tiếp tục tầm soát. Tốt nhất nên đến vào buổi sáng, chưa ăn uống gì (có thể uống nước lọc).

Tân Phước L, , Q. Ninh Kiều, TPCT, SĐT: 07103.831.854

* Hỏi: Tôi bị cao huyết áp vô căn, hở van tim 3 lá ¼. Tôi uống thuốc và khám định kỳ nhưng vẫn thấy mệt và hay đi tiểu đêm. Hỏi có phải triệu chứng của tiểu đường?

Trả lời: Do anh không nêu các thông tin khác về tuổi, chiều cao, cân nặng…để xem anh có nguy cơ cao bị đái tháo đường không. Tốt nhất anh nên đến cơ sở y tế khám để tầm soát bệnh càng sớm càng tốt.

Lâm Việt H, Giồng Riềng, Kiên Giang, SĐT: 0915.785.151

* Hỏi: Cách nay 5 tháng tôi bị bệnh và đi khám bác sĩ tư trong 4 ngày liền vô 4 chai đạm. Sau đó, tôi bị mờ mắt, đi khám đo lượng đường là 220, bác sĩ nói là bị tiểu đường, cho thuốc uống 3 ngày thì đường giảm còn 85.

Trả lời: Có thể là anh đã bị đái tháo đường, anh nên đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ kiểm tra lại và được tư vấn, theo dõi bệnh.

Nguyễn Văn P, H. Cao Lãnh, T. Đồng Tháp, SĐT: 01634.275.579

* Hỏi: Tôi 70 tuổi, cao 1.59 m, nặng 53,5 kg, bị tiểu đường đã 7 năm. Điều trị theo phác đồ, nhưng đường huyết không ổn định. Tôi ăn rất nhiều rau, hạn chế ăn cơm, có được ăn thêm các loại trái cây như: xoài, dưa hấu?

Trả lời: Bác giữ cân nặng như vậy là phù hợp. Chế độ dinh dưỡng hợp lý không đồng nghĩa với việc hạn chế ăn cơm, với thể trạng như mô tả thì bác có thể ăn lượng tinh bột mỗi bữa tương đương 1 - 1,5 chén cơm (chế độ ăn 3 bữa/ ngày). Ngoài ra, bác nên hạn chế ăn trái cây, tránh tuyệt đối việc ăn trái cây thay cơm hay vắt nước trái cây để uống.

La Vũ T, H. Trà Ôn, T. Vĩnh Long, SĐT: 0123.955.3225

* Hỏi: Mẹ tôi hiện 70 tuổi, bị tiểu đường type 2, hiện đang điều trị bằng insulin 1 ngày/lần. Xin hỏi, sử dụng insulin với mật độ như vậy có gây hại cho sức khỏe không?

Trả lời: Hiện nay có nhiều loại insulin khác nhau về thời gian tác dụng, thời gian bán hủy… Có những loại chỉ dùng một lần/ngày là đủ. Mục đích của việc dùng insulin là làm ổn định đường huyết và không gây hại gì nếu như được theo dõi chặt chẽ.

Nguyễn Văn T, H. Cái Bè, Tỉnh Tiền Giang, SĐT:0985.429.101

* Hỏi: Bệnh đái tháo đường có làm giảm chức năng tình dục?

Trả lời: Một trong những biến chứng mạn tính của bệnh đái tháo đường là biến chứng thần kinh tự chủ lên hệ niệu dục, người bệnh sẽ bị rối loạn cương hay bất lực. Tuy nhiên, tình trạng này còn bị tác động bởi tâm lý lo lắng về bệnh tật, biến chứng,… Có những bệnh nhân không bị biến chứng thần kinh mà vẫn bị rối loạn cương. Để hạn chế, người bệnh cần phải có kiến thức đúng về bệnh đái tháo đường, giữ đường huyết theo mục tiêu, tham gia các hoạt động xã hội, được sự chia sẻ từ gia đình…

Nguyễn Hùng M, H. Châu Phú, Tỉnh An Giang, SĐT: 0989.223.537

* Hỏi: Tôi 52 tuổi, bị tiểu đường 8 năm. Thời gian gần đây tê tay chân. Có phải bệnh đã biến chứng, nên điều trị như thế nào?

Trả lời: Có thể anh đã bị biến chứng thần kinh ngoại biên, nên đến bác sĩ điều trị của mình để được xác định, điều trị chủ yếu là dùng thuốc giảm tê, đau chân. Anh cần tăng cường chăm sóc bàn chân, tránh các thói quen xấu như đi chân trần, thoa dầu nóng hay các chất khác, hoặc ngâm nước nóng bàn chân…Hậu quả của bệnh đái tháo đường tác động toàn thân, người bệnh thường bị các biến chứng khác như biến chứng võng mạc mắt, biến chứng thận, tắc hẹp mạch máu tim và mạch máu ngoại biên… Do đó cách tốt nhất là tuân thủ chế độ điều trị để giữ đường huyết ổn định như ngay khi phát hiện bệnh.

Trần Văn T, 35 tuổi, H. Tịnh Biên, T. An Giang, SĐT:0918.516.080

* Hỏi: Tôi bị tiểu đường, gần đây mới mổ viêm xoang. Tiểu đường có biến chứng qua viêm xoang không?

Trả lời: Bệnh đái tháo đường nếu kiểm soát không tốt sẽ ảnh hưởng đến hệ miễn dịch cơ thể, người bệnh dễ bị nhiễm trùng, ví dụ viêm xoang, viêm phổi…chứ nhiễm trùng không phải là biến chứng của bệnh đái tháo đường.

Nguyễn Thiện C, Q. Ninh Kiều, TPCT, SĐT: 01278.652.393

* Hỏi: Triệu chứng bệnh đái tháo đường có phải là thèm ăn, uống ngọt?

Trả lời: Triệu chứng điển hình của bệnh tiểu đường bao gồm "4 nhiều": khát nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, ăn nhiều (mau đói, thèm ăn và có thể thèm ăn ngọt, thèm uống nước ngọt) và sụt cân nhanh. Trong cuộc sống công nghiệp, người ta ít vận động thể lực, lại ăn uống nhiều năng lượng, dễ bị căng thẳng nên tỷ lệ người bệnh tiểu đường ngày càng tăng. Đặc biệt, bệnh tiểu đường típ 2 thường khởi phát âm thầm, từ từ, và không có triệu chứng. Vì vậy nên sớm đến bệnh viện để tầm soát.

Nguồn Bệnh viện Đa Khoa Hoàn Mỹ® Cửu Long

Chia sẻ bài viết