30/12/2017 - 17:00

Nhìn lại thế giới 2017: Những gam màu sáng tối 

KIẾN HÒA

Năm 2017 đã trôi qua với nhiều thành tích giải quyết các thách thức an ninh và tạo đà phát triển kinh tế ấn tượng, nhưng đồng thời nổi lên những nguy cơ mới đe dọa hòa bình và thịnh vượng toàn cầu.

1. Sau 3 năm “tác oai tác oái” không chỉ ở Iraq và Syria mà còn làm chấn động thế giới qua các cuộc tấn công đẫm máu do các “thuộc hạ” thực hiện tại nhiều nước, cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) đã bị tiêu diệt với sự can dự mạnh mẽ của Nga và Mỹ. Dù hiểm họa IS chưa kết thúc khi tư tưởng cực đoan bạo lực tiếp tục được truyền bá và chúng đang tìm cách đặt các căn cứ mới, sử dụng các biện pháp tấn công khủng bố mới, nhưng chiến thắng trên là thành quả đáng trân trọng, góp phần đáng kể làm hạ nhiệt cuộc khủng hoảng nhập cư tại châu Âu. 

Người Palestine ngày 29-12 xuống đường phản đối Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, trong khi mối đe dọa cũ tạm thời bị đẩy lùi và chưa triệt để thì hàng loạt thách thức mới nảy sinh và có nguy cơ bùng nổ thành hiểm họa mới ở Trung Đông. Một loạt sự kiện diễn ra tại Trung Đông cuối năm 2017 đã cho thấy sự chia rẽ và phân cực giữa các nước trong khu vực giờ đây đang leo thang lên một cấp độ mới, công khai và trực diện hơn. Trong đó, cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh giữa Qatar và nhóm nước A-rập đứng đầu là Saudi Arabia, bùng phát hồi tháng 6 và kéo dài dai dẳng tới nay, là minh chứng rõ nhất cho những rạn nứt và bất đồng sâu sắc ở Trung Đông. Trên thực tế, căng thẳng leo thang giữa Qatar và các nước khu vực là sự tích tụ của nhiều yếu tố kể từ sau “Mùa xuân A-rập” (vốn được cho do Qatar tài trợ), như giá dầu giảm cùng những sức ép chính trị và mâu thuẫn lợi ích giữa các nước trong khu vực. Thế nhưng, không khó để nhận ra rằng nguyên nhân sâu xa của chiến dịch tẩy chay Qatar mà Saudi Arabia phát động là một cuộc xung đột khác có tầm vóc lớn hơn nhiều - đó là cuộc tranh giành ảnh hưởng chính trị và vị thế thống trị khu vực giữa Saudi Arabia và Iran đang diễn ra trên khắp Trung Đông. Rộng lớn hơn, nó còn phản ánh sự tranh giành ảnh hưởng giữa một bên là dòng Hồi giáo Sunni do Saudi Arabia đứng đầu và một bên là dòng Hồi giáo Shiite do Iran chi phối. Nói cách khác, Iran và Saudi Arabia không chỉ đại diện cho hai cộng đồng Hồi giáo khác biệt, mà còn có những lợi ích và liên minh đối địch nhau trên khắp Trung Đông.

Người ta nhận thấy cuộc khủng hoảng mới ở Trung Đông diễn ra không lâu sau chuyến công du Saudi Arabia và Israel của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Sự chia rẽ giữa các quốc gia A-rập và Hồi giáo được cho sẽ có lợi cho Mỹ khi công bố quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel ngày 6-12. Với quyết định này, Mỹ sẽ chuyển đại sứ quán tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem. Nhằm phản đối một cách quyết liệt hành động của Mỹ, Iran tuyên bố công nhận Jerusalem là “thủ đô muôn đời” của Palestine. Vì thế, một khi Washington dời đại sứ quán Mỹ tới Tel Aviv sẽ đặt dấu chấm hết cho tiến trình hòa bình khả dĩ giữa Israel và Palestine, đẩy Trung Đông vào vòng xoáy bạo lực và xung đột mới. Cuộc khủng hoảng tiềm năng tại Jerusalem còn có thể tạo nguyên cớ khiến Mỹ và Iran trở lại đối đầu không khoan nhượng như là điều kiện để Tổng thống Trump thực hiện cam kết hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân giữa nhóm P5+1 và Iran. 

2. Dù rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng việc Tổng thống Trump đưa ra khái niệm địa chính trị “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” cho thấy chính quyền Mỹ tiếp tục quan tâm và muốn mở rộng tầm nhìn chiến lược liên kết với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Châu Á-Thái Bình Dương vẫn là khu vực năng động nhất và là động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đồng thời luôn đi đầu thúc đẩy liên kết kinh tế và tự do hóa thương mại. 

Sự kiện 11 nước tham gia TPP (trừ Mỹ) ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), diễn ra bên lề Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam, là điểm nhấn của quá trình thúc đẩy tự do hóa thương mại toàn cầu trong năm 2017. Cũng tại Hội nghị Cấp cao  ở Đà Nẵng, lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC một lần nữa khẳng định cần khẩn trương thúc đẩy Khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP), ý tưởng xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2004 và được đưa vào bản tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao APEC năm 2006 tại Việt Nam. Ngay sau đó, tại Philippines, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 6 đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và Ấn Độ, còn được gọi là ASEAN + 6) đã đạt bước tiến khả quan trong đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Mặc dù chưa thể hoàn tất đàm phán trong năm 2017, song lãnh đạo 16 nền kinh tế tham gia RCEP đã thể hiện quyết tâm lớn biến những cam kết chính trị thành hành động năm 2018. 

Tuy vậy, hòa bình vẫn là khát vọng chung của châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh vấn đề Triều Tiên tái diễn căng thẳng và ở mức độ chưa từng có. Đáp lại quan điểm hết sức cứng rắn của Tổng thống Trump, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có tổng cộng 20 lần phóng thử tên lửa,  trong đó có 3 vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-15, loại tên lửa có tầm bắn bao phủ toàn bộ nước Mỹ và có thể vươn tới bất kỳ đâu trên thế giới, và tên lửa phóng từ tàu ngầm (SLBM) Pukguksong-2, loại tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn ưu việt hơn nhiều so với các tên lửa tầm trung sử dụng nhiên liệu lỏng trước đây. Đặc biệt, Bình Nhưỡng còn tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 gọi là bom nhiệt hạch có cường độ mạnh nhất từ trước tới nay. 

Về phần mình, chính quyền Trump tuyên bố kết thúc chính sách “kiên nhẫn chiến lược” dưới thời Tổng thống Barack Obama. Thay vào đó, ông Trump thúc đẩy một cách tiếp cận “gây sức ép tối đa” bằng những biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt hơn, những quyết định triển khai nhiều vũ khí chiến lược tới Bán đảo Triều Tiên, cộng với những lời lẽ đe dọa ở mức độ cao nhất và mạnh mẽ chưa từng thấy (hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên) ở bất cứ đời tổng thống Mỹ nào. Đồng thời, nhà lãnh đạo Mỹ cũng sử dụng “quân bài” trừng phạt nước thứ ba để thúc ép các nước tham gia ngăn cản chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Trước áp lực của Mỹ, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong năm 2017 đã 3 lần thông qua nghị quyết trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên với mức độ hà khắc tăng dần: lần lượt vào các thời điểm 5-8 (đối với sắt, than đá, nghề cá...), ngày 11-9 (dệt may, hạn chế xuất khẩu dầu mỏ) và 22-12 (đặc biệt nhằm vào các sản phẩm dầu tinh chế).

Với sự bao vây cấm vận trên, một Triều Tiên kiệt quệ về kinh tế sẽ buộc chính quyền Kim Jong-un chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán vô điều kiện, hoặc đây chính là điều kiện để Mỹ lật đổ chế độ Bình Nhưỡng như đe dọa. Một cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên là thảm họa chung của châu Á-Thái Bình Dương. 

3. Năm 2017, kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2010. Với các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đều phát đi nhiều tín hiệu khả quan, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên 3,6% trong năm 2017 và 3,7% năm 2018, cao hơn nhiều so với mức 3,2% của năm 2016. Các thị trường chứng khoán toàn cầu đồng loạt khởi sắc, điển hình là thị trường chứng khoán Mỹ liên tục phá vỡ các kỷ lục. 

Tuy nhiên, mặt đối lập của tăng trưởng kinh tế toàn cầu là mức thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra. Năm 2017 ghi nhận nhiều trận bão lớn, các đợt sóng nhiệt, lũ lụt và cháy rừng khắc nghiệt xảy ra trên khắp hành tinh, trong đó hiện tượng biến đổi khí hậu đang ngày càng góp phần gây ra hoặc khiến các thảm họa thiên nhiên trở nên tồi tệ hơn. Thực tế cho thấy con người càng đốt cháy nhiều nhiên liệu hóa thạch, Trái đất sẽ càng nóng hơn do sự tích tụ của các khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Giới chuyên gia cho rằng tình trạng ấm lên toàn cầu góp phần khiến các trận lũ lụt, các đợt hạn hán và những trận siêu bão xảy ra thường xuyên và khốc liệt hơn. Các hãng tái bảo hiểm ước tính tổng thiệt hại về kinh tế do thiên tai và những thảm họa do con người gây ra trên toàn cầu tăng 63%, lên tới khoảng 306 tỉ USD trong năm 2017. Trong đó, Mỹ chịu thiệt hại nhiều nhất do những thảm họa trên. 

Trong bối cảnh các đợt thiên tai ngày càng trở nên nghiêm trọng và xảy ra thường xuyên hơn, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về ngăn chặn biến đổi khí hậu được xem là một “bước lùi” đối với những nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Với lập luận tình trạng ấm lên toàn cầu là “trò lừa đảo”, ông Trump đã loại vấn đề biến đổi khí hậu ra khỏi danh sách các mối đe dọa an ninh quốc gia. Giới khoa học đã bày tỏ đặc biệt quan ngại trước những bước đi của ông Trump. Ông Peter Gleick, Chủ tịch Viện Thái Bình Dương, nhận định việc chính quyền Trump quay lưng với những chính sách khí hậu và môi trường chắc chắn sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Và trong khi nền kinh tế Mỹ phục hồi mạnh mẽ, chính quyền Trump lại cắt giảm mức đóng góp cho Liên Hiệp Quốc. Trước đó, Mỹ cũng đã rút khỏi Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học Liên Hiệp Quốc (UNESCO) và thông báo sẽ rút khỏi Hiệp ước toàn cầu về di trú. Những bước đi này nằm trong chính sách “nước Mỹ trên hết” của ông Trump. Trong chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ, Tổng thống Trump khẳng định rằng ông không từ chối hợp tác với các đối tác của Mỹ - chừng nào sự hợp tác đó có lợi cho Mỹ. Chiến lược an ninh quốc gia của ông Trump không ngại xác định Nga và Trung Quốc là “đối thủ chiến lược” có khả năng thách thức sức mạnh, an ninh và thịnh vượng của nước Mỹ. Ngoài ra, cùng với hủy bỏ TPP, ông Trump còn đình chỉ cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP), một thỏa thuận về tự do thương mại giữa EU và Mỹ, và áp dụng chính sách bảo hộ mậu dịch. Với lý do muốn lấy lại việc làm cho nước Mỹ, ông Trump đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế tối đa xuất khẩu hàng hóa của các nước EU vào thị trường Mỹ. 

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Thế giới 2017