07/08/2018 - 09:44

Nhiều việc cần làm ngay để chống xâm phạm di tích 

Thông tin, ý kiến về các vụ xâm phạm, hủy hoại, làm hỏng di tích ào ạt trên báo chí, trong dư luận mỗi lần có một công trình quý giá nào đó bị biến thành “nạn nhân”. Các công tác kiểm tra, xử lý theo đó cũng diễn ra sôi nổi. Nhưng tiếc thay, khi sự đã rồi! Để sau đó, vấn nạn chậm được cải thiện cho đến khi lại tiếp tục xảy ra các vụ việc mới “làm đau” di sản.

Tại nhiều di tích vẫn chưa dỡ bỏ tượng sư tử đá ngoại lai.

Di tích không ngừng kêu cứu

Tiếp tục những ngôi đình cổ bị “bức tử” nhân danh trùng tu, tu bổ. Nhiều năm qua, giới chuyên môn lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật và dư luận thường xuyên chứng kiến thực tế: Việc hạ giải dường như được tận dụng một cách phổ biến. Cách làm này dẫn đến tình trạng, các bộ phận di tích được tháo dỡ, hạ xuống hết, rồi thay thế bằng một loạt cái mới: hệ thống cột, xà mới, vách và cửa mới, bộ mái mới. Cũng theo đó, nhiều bộ phận điêu khắc gỗ được chạm khắc mô phỏng bằng gỗ mới để thay, nhưng không thể nào giống y hệt cái cũ, thậm chí trở nên thô kệch, góc cạnh hơn. Và đương nhiên, những bộ phận ấy không còn là tác phẩm chạm trổ trăm năm, mấy trăm năm tuổi nữa. Di tích sau tu bổ, bởi thế, đã mai một nhiều đi phần hồn, thậm chí mất hồn!

Và rộng hơn, các di tích vẫn thường xuyên bị xâm phạm bởi hoạt động xây dựng công trình, phát triển nhà ở, đô thị. Đứng trước sự so sánh, lựa chọn giữa việc tiếp tục giải tỏa, thi công, xây dựng với yêu cầu cần phải bảo tồn nguyên trạng di tích đã có, có lẽ không doanh nghiệp, chủ đầu tư nào chọn yêu cầu bảo vệ, bảo tồn, tôn trọng di sản, mặc dù, điều này đã được quy định rõ ràng trong văn bản pháp luật. Bởi thế, xã hội vẫn chứng kiến hình ảnh tương phản: các di tích trở nên bé nhỏ, lọt thỏm, bị chen lấn bên cạnh các khối nhà tầng, nhà bê-tông. Thậm chí, di tích còn bị xâm phạm thô bạo bằng cách gây tác động, xâm lấn, đi ngược lại chủ trương giữ gìn, bảo vệ để phục vụ cho công tác nghiên cứu, bảo tồn của địa phương, của ngành văn hóa.

Cả khi chưa bị “xóa sổ” thì nguy cơ bị làm cho biến dạng, cho khác đi cũng là thường trực, bởi những việc làm thay mới, bỏ cũ, thêm hạng mục, xây sửa bộ phận… nhưng thiếu sự đồng ý, giám sát của cơ quan chức năng, thiếu sự tư vấn của đơn vị có chuyên môn. Ở nhiều địa bàn, trong khuôn viên di tích, không khó để bắt gặp những sàn gạch bóng, tương phản với hệ thống xà, cột cũ kỹ, mộc mạc, hoa văn uyển chuyển. Rồi những tấm bình phong được xây mới giữa sân, lòe loẹt và thô tháp, không hài hòa với cảnh quan chung, trái ngược với dáng nét mềm mại của di tích vốn có. Lại thêm những khối cổng đình, cổng chùa mới cồng kềnh, dàn ngang ra, cao vọt lên như một cách phô trương, thị uy, át đi vẻ thanh thoát, dung dị của hạng mục chính bên trong. Chưa kể, dù công tác tuyên truyền loại bỏ tượng sư tử đá ngoại lai đã được triển khai sâu rộng mấy năm nay, nhưng có những di tích vẫn để nguyên tượng sư tử đá to lớn ở ngoài cổng, dưới bậc thềm như không hề quan tâm. Diện mạo, cảnh quan ở nhiều di tích hiện nay, vì thế, có thể ví như một dàn nhạc gồm nhiều hạng mục, công trình, bộ phận, nhiều loại vật liệu mà ai nấy đều tranh nhau làm trưởng.

Vấn nạn di tích bị làm mới, bị xâm hại, bị làm cho biến dạng nói trên, không mới, nhưng vẫn thường xuyên nóng, bởi ý nghĩa quan trọng về tâm linh, văn hóa, của các công trình giàu giá trị lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật trong đời sống cộng đồng. Bởi giá trị tiềm tàng về khoa học, văn hóa, xã hội, du lịch của di tích đối với hiện tại và tương lai. Và bởi nghịch lý, rằng những giá trị vật chất, tinh thần đẹp đẽ, quý giá như vậy, trong nhiều trường hợp, lại bị lợi dụng, hoặc bị coi nhẹ, coi thường bởi những tính toán thực dụng, thiếu hiểu biết, thiếu ý thức tôn trọng truyền thống.

Đổi mới phương pháp, bồi bổ chuyên môn

Đã đến lúc phát hiện, ngăn chặn tình trạng lạm dụng vật liệu gỗ cho công tác trùng tu, tôn tạo với xu hướng thay mới từ toàn bộ cho đến phần lớn các bộ phận của di tích. Để với mỗi di tích xuống cấp, đứng trước yêu cầu cần được sửa chữa, trùng tu, cần được tính toán chặt chẽ, chi ly đến từng bộ phận, cấu kiện. Sao cho không để di tích bị mất mát, bị thay thế, bị bỏ đi những bộ phận, chi tiết đẹp, đồng thời không tạo cơ hội cho việc tiêu thụ số lượng gỗ lớn, gây tốn kém cho ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội.

Và để được như vậy, thì cần nghiên cứu, ứng dụng thêm các phương pháp khác hiệu quả và bảo đảm an toàn hơn cho tổng thể di tích, chứ không nên bằng lòng với phương án hạ giải, dẫn đến thực trạng đã tháo dỡ hết thì khả năng phục hồi nguyên trạng, tái sử dụng cấu kiện là rất thấp.

Thí dụ như, nghiên cứu việc thiết lập các trụ đỡ hệ thống xà, mái, cột của di tích để có thể tháo dỡ, thẩm định, sửa chữa, gia cố từng phần, từng bộ phận, hãn hữu mới phải thay thế những chi tiết mục nát. Những bộ phận, cấu kiện nào còn bền vững, chưa bị mục ruỗng, độ liên kết còn chắc chắn, thì vẫn được giữ nguyên vẹn, nguyên trạng.

Và đương nhiên, để đứng ra thực hiện nhiệm vụ trùng tu, tu bổ di tích, phải có đơn vị bảo đảm về chuyên môn, kỹ thuật, chức năng trùng tu, tu bổ cũng như tay nghề của đội ngũ kỹ thuật viên. Các tiêu chí, tiêu chuẩn này phải có sự thẩm định, chứng nhận của cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các địa phương và cơ quan quản lý văn hóa cơ sở không thể giao trách nhiệm cứu chữa các di sản hàng trăm năm tuổi cho các công ty xây dựng dân dụng hoặc các đơn vị vốn quen với thiết kế, thi công công trình hiện đại, thấy trong xã hội có nhu cầu trùng tu, tôn tạo di tích thì chuyển hướng bổ sung thêm ngành nghề hoạt động.

Cùng với đó, ngay cả khi có đơn vị bảo đảm chuyên môn thực hiện, thì vai trò tư vấn, giám sát cũng phải thuộc về đơn vị độc lập, có đủ năng lực thẩm định, đánh giá để kịp thời phát hiện sai sót, tổn thất nhằm phản biện, cảnh báo, can thiệp và thông tin với cơ quan chức năng của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương hoặc Cục Di sản văn hóa nhằm kịp thời xử lý.

Nâng cấp phương thức quản lý

Và để tránh sự tự phát, tự quyết của địa phương cơ sở cũng như một bộ phận người dân trong cộng đồng sở tại khi tu bổ, tôn tạo di tích, thì trách nhiệm theo dõi chặt chẽ, trước hết không thuộc về ai khác ngoài các cơ quan quản lý di tích theo n gành dọc, từ Cục Di sản văn hóa, đến Phòng quản lý di tích cấp tỉnh và bộ phận quản lý di tích thuộc Phòng văn hóa thông tin quận, huyện. Một cơ quan cấp Cục khó lòng nắm bắt các hoạt động diễn ra với mọi di tích trong cả nước, cũng như các phòng cấp tỉnh cũng không dễ bao quát liên tục. Nhưng ở cấp quận, huyện, có lẽ thuận lợi và kịp thời hơn để đội ngũ cán bộ kiểm tra, đánh giá thường xuyên thực trạng di tích trên địa bàn mình.

Ngược lại, phương pháp, nghiệp vụ, chuyên môn, nguồn thông tin tư liệu để cung cấp, trang bị cho đội ngũ cán bộ địa phương, cơ sở, các ban quản lý di tích, sẽ đòi hỏi rất lớn vào vai trò kiến tạo, phổ biến của cơ quan cấp bộ, cấp tỉnh, với sự đồng hành của giới chuyên môn. Thiết lập bản đồ phân bố di tích toàn quốc trên mạng; xây dựng thư viện di tích; hoặc hệ thống hồ sơ, tư liệu di tích; cùng hệ thống tài liệu về phương pháp quản lý, kiểm tra, giám sát; hay những tài liệu cung cấp cho các cơ sở về phương pháp, kinh nghiệm bảo tồn, tôn tạo, chăm sóc, bài trí… trong không gian các di tích. Tất cả các nguồn tư liệu, thông tin đó nên được xây dựng thành ngân hàng dữ liệu, được chia sẻ rộng rãi, liên thông trong cả nước, tiện lợi để tra cứu và ứng dụng cho các cấp quản lý và đội ngũ trực tiếp quản lý, bảo vệ di tích. Có lẽ không còn quá sớm để ngành di sản, bảo tồn di tích nghiên cứu xây dựng những chương trình, hệ thống này trong bối cảnh công nghệ thông tin, liên lạc phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Một điểm đáng chú ý, không phải đến bây giờ, mà từ khá lâu, đã có những ý kiến đề cập đến đòi hỏi quản lý, kiểm tra, giám sát đối với những di tích chưa ở trong danh sách được xếp hạng cấp tỉnh thành phố, cấp quốc gia. Rõ ràng phải xây dựng cơ chế quản lý đối với các di tích nói chung, trong đó đặc biệt lưu tâm nhiều hơn đến những di tích chưa được xếp hạng. Để tạo thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát, kịp thời can thiệp khi xảy ra những hành động xâm phạm, tác động xấu đến diện mạo, cảnh quan di tích. Cũng như, tạo thuận lợi trong việc tuyên truyền về chính sách bảo tồn, tư vấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho chính quyền, cộng đồng sở tại.

Câu hỏi cho bảo vệ từ xa

Có một thực tế đang là sự cản trở đối với những ý nguyện tốt đẹp, mong cho di tích được trùng tu, tu bổ một cách khoa học, nghiêm cẩn, và giữ gìn, cứu vãn ở mức độ tối đa. Đó là các di tích nói chung, gồm cả đã xếp hạng lẫn chưa xếp hạng, qua hàng trăm, vài trăm năm tồn tại, đang xuống cấp ngày càng nhiều, nhu cầu trùng tu, tu bổ xuất hiện ở nhiều địa phương.

Nhưng “bệnh nhân” thì nhiều, mà “thầy giỏi, thuốc tốt” lại ít, nên việc “điều trị” sai, hỏng, làm mất mát, biến dạng sẵn sàng xảy ra. Không có cách nào khác giải quyết tình trạng này bằng sự chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng tốt, củng cố, trang bị lượng kiến thức và phương pháp làm việc khoa học. Trong nhiều năm qua, đã nhiều lần những ý tưởng, dự định về xây dựng, phát triển ngành trùng tu, tu bổ di tích, về đào tạo, trang bị, nâng cao tay nghề cho đội ngũ kỹ thuật… Còn phải chờ đến bao giờ để có ngành học, có mô hình đào tạo kết hợp thực hành cho lĩnh vực trùng tu, tu bổ, vẫn là câu hỏi lơ lửng trước mắt Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chính sự chậm chạp trong việc hiện thực hóa những kế hoạch dài hơi trên, đang trở thành một nguyên cớ cho sự hủy hoại, mất mát xảy ra với nhiều di tích giàu giá trị.

Thực tế đang rất ngổn ngang đối với các nhà quản lý, xây dựng chính sách, hoạt động tu bổ, trùng tu liên quan đến di tích. Với các địa phương có di tích. Với cả giới chuyên môn quan tâm, nhiều năm qua đang không ngừng lên tiếng đấu tranh bảo vệ di tích trước những tác động xấu của làn sóng tu bổ, tôn tạo làm hỏng, làm mới, trước xu hướng bài trí, tô điểm, xây dựng, can thiệp thô bạo, thiếu hiểu biết đối với di tích. Xây dựng từng đầu việc cho các phương pháp trùng tu, tu bổ tiến bộ, phù hợp hơn; cho cơ chế theo dõi, giám sát các hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích; cho việc xây dựng hệ thống dữ liệu và hướng dẫn quản lý, trông nom di tích; cho công tác xây dựng ngành học và các chương trình bồi bổ kỹ thuật, tay nghề; cho hệ thống di tích chưa được xếp hạng…, những đầu việc đó nên sớm được bắt tay vào nếu không muốn thỉnh thoảng lại rộ lên việc một số di tích nào đó “ngã xuống”, “biến mất”, hay bị xây sửa làm cho khác, cho xấu đi…, rồi sự vụ lại dần trôi qua.

Theo Báo Nhân Dân

Chia sẻ bài viết