23/06/2009 - 21:28

Trước kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố

Nhiều vấn đề bức xúc cần tập trung giải quyết

Bà Nguyễn Thị Thanh Giang, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố (thứ 2 từ trái sang) phát biểu kết luận trong đợt giám sát tình hình thực hiện chế độ chính sách cho đối tượng bảo trợ xã hội tại xã Trường Xuân, huyện Thới Lai.

Ngày mai (25-6-2009), sẽ diễn ra kỳ họp thứ 16 HĐND thành phố, kỳ họp giữa năm 2009. Trước đó, các Ban của HĐND thành phố đã tiến hành giám sát, thẩm tra, cho ý kiến, kiến nghị đối với các báo cáo của UBND thành phố trình HĐND thành phố. Phần lớn ý kiến đều cho rằng, 6 tháng đầu năm 2009, mặc dù gặp nhiều bất lợi do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu, nhưng kinh tế- xã hội của thành phố phát triển ổn định; nhiều chỉ tiêu theo nghị quyết của HĐND thành phố đạt khá cao…. Tuy nhiên, không ít ý kiến của đại biểu HĐND thành phố băn khoăn trước một số vấn đề bức xúc kéo dài, cử tri thành phố đã phản ánh nhiều lần, nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, như: công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, tiến độ xây dựng các khu tái định cư (TĐC) chậm, công tác quản lý đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động,…

Bài toán về quy hoạch-tái định cư: Vẫn chưa có lời giải?...

Như nhiều cuộc họp thẩm tra trước, tại cuộc họp thẩm tra các báo cáo của UBND thành phố trước khi diễn ra kỳ họp HĐND thành phố lần thứ 16, vấn đề được nhiều đại biểu HĐND thành phố đề cập là công tác quy hoạch, xây dựng các khu TĐC. Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Văn Minh, Giám Đốc Sở Công thương, thành viên Ban Kinh tế và Ngân sách (KT&NS) HĐND thành phố, nói: “UBND thành phố đã có chỉ đạo cho UBND các quận, huyện thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng các khu TĐC để bố trí cho các dự án, nhưng qua theo dõi chúng tôi nhận thấy việc xây dựng các khu TĐC quá chậm. Trong những tháng còn lại của năm 2009 các chủ đầu tư, địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu TĐC để bố trí cho người dân vào ở. Bởi vì công tác bố trí TĐC ảnh hưởng lớn đến khối lượng giải ngân, tiến độ xây dựng cơ bản”. Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện Trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, thành viên Ban KT&NS HĐND thành phố, nêu quan điểm của mình: “Trước đây, nhiều công trình các chủ đầu tư làm theo “quy trình ngược”, khởi công trước rồi mới lo TĐC. Vì vậy, không ít dự án chậm tiến độ, người dân gặp khó khăn về nơi ở, sinh hoạt. Gần đây, thành phố có quan tâm chỉ đạo xây dựng các khu TĐC, nhưng 6 tháng qua tôi thấy tỷ lệ các khu TĐC được triển khai xây dựng, hoàn thành quá ít, chưa đáp ứng nhu cầu”.

Liên quan đến vấn đề xây dựng các khu TĐC, nhiều đại biểu HĐND thành phố đề nghị, song song với đề án quy hoạch các khu TĐC, UBND thành phố và các ngành chức năng cần có kế hoạch phân bổ vốn theo thứ tự ưu tiên để thực hiện. Theo thống kê, hiện nay thành phố đã quy hoạch được 47 khu TĐC, với quy mô 1.117 ha, với số nền theo quy hoạch là 29.303 lô nền. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mới có 6 khu (44,6 ha) hoàn thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật và bố trí dân vào ở; 18 khu đang giải phóng mặt bằng, 23 khu còn lại mới có chủ trương đầu tư, hoặc đang thực hiện thủ tục đầu tư. Tổng hợp số liệu cho thấy, thành phố cần 13.189 lô nền TĐC, nhưng chưa có nơi để bố trí cho người dân. Tiến sĩ Mai Văn Nam, thành viên Ban KT&NS HĐND thành phố, nói: “Có quy hoạch, mà không bố trí vốn thì rất khó thực hiện, nghĩa là người dân còn phải tiếp tục chờ nơi TĐC. TĐC chậm là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ đầu tư xây dựng cơ bản”. 6 tháng đầu năm, giá trị khối lượng xây dựng cơ bản của thành phố được khoảng 880 tỉ đồng, đạt 44% kế hoạch. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, nhận xét: “Tôi thấy 6 tháng đầu năm 2009, khối lượng giải ngân khá, nhưng khi nghiên cứu kỹ thì chủ yếu các chủ đầu tư giải ngân vốn xây dựng cơ bản năm 2008 kéo dài, còn vốn năm 2009 rất hạn chế. Do đó, các chủ đầu tư cần có kế hoạch, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, nếu không sẽ không giải ngân hết vốn. Như vậy, quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng của thành phố sẽ bị chậm lại”.

Liên quan đến vấn đề quy hoạch, quản lý quy hoạch, Tiến sĩ Mai Văn Nam bức xúc nói: “Tại kỳ họp cuối năm 2008, trong phần chất vấn của tôi với Giám đốc Sở Xây dựng, tôi đã phản ánh tình trạng quy hoạch cồn Cái Khế thực hiện khá lộn xộn, không đúng quy hoạch. Không chỉ có vậy, tại đây còn có những cơ quan nhà nước được thành phố giao đất xây dựng công trình công cộng, nhưng lại cho thuê làm quán nhậu, quán cà phê. Theo tôi, vấn đề sử dụng đất công để cho thuê mặt bằng cần được xử lý làm rõ: ai đã chủ trương cho thuê và tiền cho thuê có nộp vào ngân sách hay không?...”.

Văn hóa- xã hội: Còn nhiều bức xúc

Thành phố đang trong giai đoạn tăng tốc phát triển, do đó nhu cầu nhà ở đang là vấn đề cấp thiết hiện nay. Theo số liệu của UBND thành phố, hiện nay Cần Thơ có 18.000 công nhân tại các khu công nghiệp và trên 11.000 người có thu nhập thấp (là công chức nhà nước, lực lượng vũ trang, công an) có nhu cầu về nhà ở. Tuy nhiên, đến nay chưa có dự án nào đầu tư về nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp. Ông Nguyễn Minh Trí, thành viên Ban Văn hóa- Xã hội, HĐND thành phố, nói: “Nhà ở cho người thu nhập thấp và nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp tập trung là nhu cầu cấp thiết. Vấn đề bức xúc được đề cập nhiều lần tại các kỳ họp HĐND. Chính phủ cũng đã có chính sách hỗ trợ, nhưng việc triển khai thực hiện của thành phố còn chậm”.

Cũng như ở các kỳ họp trước, vấn đề môi trường được nhiều đại biểu quan tâm. Khi thẩm tra các báo cáo của UBND thành phố, Tiến sĩ Lê Văn Bảnh cho biết: “Vấn đề môi trường bị ô nhiễm là vấn đề bức xúc của cử tri thành phố, đề nghị các ngành chức năng, địa phương có hướng giải quyết, có biện pháp hữu hiệu để khắc phục. Tôi thấy vấn đề ô nhiễm môi trường nước, không khí mà người dân đang gánh chịu là rất bức thiết, nhưng việc giải quyết của các cơ quan chức năng lại chậm chạp, hầu như chưa có chuyển biến đáng kể. Theo tôi, phát triển công nghiệp phải gắn với đảm bảo môi trường thì mới bền vững”.

Lĩnh vực văn hóa – Xã hội cũng còn nhiều vấn đề tiếp tục quan tâm đầu tư thời gian tới. Bà Nguyễn Thanh Giang, Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội, HĐND thành phố, nói: “Qua tiếp xúc cử tri, phản ánh của người dân, chúng tôi ghi nhận hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ở nhiều nơi, nguồn nước sạch cung cấp cho người dân sử dụng chưa đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, người dân nhiều khu vực còn sử dụng điện không an toàn, giá cao. Tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, việc thực hiện một số chính sách xã hội ở một số địa phương còn hạn chế, thậm chí nảy sinh tiêu cực;... đòi hỏi các sở, ngành, quận, huyện quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện các giải pháp nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội”. Ông Nguyễn Minh Trí bổ sung thêm: “Tốc độ chuẩn hóa trường học theo nghị quyết của HĐND thành phố còn chậm. Công tác đào tạo nghề, quản lý lao động trong độ tuổi còn nhiều hạn chế. Những vấn đề này cần được “mổ xẻ” để có giải pháp làm tốt hơn thời gian tới”. Một vấn đề bức xúc mà rất nhiều đại biểu HĐND thành phố ghi nhận qua các cuộc tiếp xúc cử tri là tình trạng cơ sở hạ tầng ở nông thôn nhiều nơi đã xuống cấp nghiêm trọng, nhưng chưa được đầu tư kinh phí để thực hiện.

Những vấn đề bức xúc của cử tri sẽ được đại biểu HĐND thành phố tiếp tục bàn luận, cho ý kiến trong kỳ họp của HĐND thành phố diễn ra trong hai ngày 25 và 26 -6-2009, nhằm tìm ra những giải pháp hữu hiệu để kinh tế- xã hội thành phố phát triển bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.

Bài, ảnh: THỤY KHUÊ

Chia sẻ bài viết